Giá thuốc: Khó quản
Giá thuốc trúng thầu vào bệnh viện nhiều khi cao hơn giá thị trường 2-3 lần nhưng không làm gì được. Việc quy rõ hơn trách nhiệm của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là hết sức cần thiết.
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) tại hội trường Quốc hội (QH) vào ngày 30-10, ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho biết có một số ý kiến đề nghị thiết kế riêng một chương hoặc một mục quy định về đấu thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế tiêu hao do tính chất đặc thù và quan trọng của các mặt hàng này.
Rất “nóng”
Cho rằng hình thức đàm phán giá là một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo luật nhưng đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng không phải loại thuốc nào cũng bắt buộc phải đấu thầu. Việc quy rõ hơn trách nhiệm của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam trong dự luật là hết sức cần thiết.
Trong khi đó, với kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế, ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, nói việc các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra chưa có đánh giá tác động về đấu thầu thuốc thực tế như thế nào mà đã đưa ra các quy định như trong dự thảo thì phải xem lại bởi nếu cứ quy định như dự thảo thì không có gì mới, ngoài nguyên tắc đàm phán giá.
Giá thuốc trong bệnh viện thường cao hơn giá thị trường rất nhiều. Trong ảnh: Một nhà thuốc trong bệnh viện tại TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ông Tiên, giá thuốc trong các bệnh viện đang rất “nóng”; giá giữa các bệnh viện với nhau, giá trong bệnh viện và bên ngoài thị trường vênh nhau rất nhiều. “Tôi đề nghị thuốc mua từ ngân sách phải do Bộ Y tế thực hiện. Hơn nữa, có tới 1.143 loại thuốc do BHYT chi trả nhưng từ trước tới nay không ai kiểm soát và không biết giá thuốc BHYT chi trả cao hay thấp; vai trò của BHXH Việt Nam trong việc kiểm soát vấn đề này như thế nào, không thể thỉnh thoảng lại kêu ca về chuyện giá thuốc chỗ này, chỗ kia chi trả cao quá mà không có biện pháp xử lý” - ông Tiên nhấn mạnh.
Lấy ví dụ về nhiều trường hợp trúng thầu thuốc vào bệnh viện cao hơn 2-3 lần so với giá thị trường, ông Tiên băn khoăn: “Tôi chưa từng thấy Bộ Y tế kêu ca về giá thuốc”. Ông Tiên đề xuất trao quyền cho BHXH Việt Nam có quyền không chi trả các loại thuốc cùng chủng loại, chất lượng nhưng giá cao hơn mặt bằng giá chung của cả nước; phải quy định rõ trách nhiệm của BHXH Việt Nam, yêu cầu họ có trách nhiệm tham gia vào toàn bộ các khâu của quá trình đấu thầu thuốc BHYT.
Hạn chế chỉ định thầu
Ông Giàu cho biết Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy cơ chế ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cần được quy định trong Luật Đấu thầu và các luật hiện hành về hình sự, dân sự, xử lý vi phạm hành chính.
Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, dự thảo cần quy định nguyên tắc chung về xử lý vi phạm trong đấu thầu: Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự; trường hợp các hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại.
Vấn đề cũng gây nhiều băn khoăn là hình thức chỉ định thầu. Báo cáo cho biết sau khi lựa chọn nhà thầu thực hiện những gói thầu đơn giản, gói thầu có giá trị nhỏ, dưới một hạn mức nhất định thì cần chỉ định thầu để tiết kiệm thời gian và chi phí.
Để ngăn ngừa chỉ định thầu tràn lan, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định hạn mức chỉ định thầu: Không quá 1 tỉ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp; không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn; không quá 200 triệu đồng đối với gói thầu mua sắm thường xuyên. Cấm chia nhỏ dự án thành các gói thầu nhằm mục đích chỉ định thầu.
Thủy điện nảy sinh một số bất cập Ngày 30-10, QH cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày báo cáo quy hoạch tổng thể về thủy điện; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo thẩm tra quy hoạch tổng thể về thủy điện. Theo đó, bên cạnh những đóng góp tích cực, quá trình lập và thực hiện quy hoạch thủy điện nảy sinh một số hạn chế, bất cập. Dựa trên các tiêu chí xem xét, đánh giá, kết quả rà soát quy hoạch trong báo cáo của Chính phủ cho biết đã loại bỏ 424 dự án; không xem xét đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng; tạm dừng có thời hạn 136 dự án; tiếp tục rà soát, đánh giá 158 dự án. Như vậy, cả nước hiện còn 815 dự án, công trình thủy điện; đang vận hành 268 dự án (14.240 MW); đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án. Cũng theo ông Phan Xuân Dũng, dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nhận được sự quan tâm của nhiều ĐBQH và dư luận xã hội. Hai dự án này đã được loại khỏi quy hoạch mặc dù trước đó nhiều lần đưa vào quy hoạch. Vì thế, báo cáo cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Qua các văn bản, báo cáo có liên quan đến 2 dự án này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị phải nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định về quy trình lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp. T.Dũng |