Dở khóc dở cười với tình trạng “quên não” của hội chị em, làm sao để khắc phục?

Sự kiện: Sống khỏe

Suy giảm trí nhớ khi mang thai không nguy hiểm, không ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên, chúng lại gây ra một số phiền toái trong cuộc sống của thai phụ, tạo nên nhiều câu chuyện cười không được mà khóc cũng không xong.

Mang thai đứa con đầu lòng ở tháng thứ 6 nhưng Thu Thủy (27 tuổi, ở Hà Nội) tưởng mình thành một người khác hoàn toàn. Bởi so với trí nhớ tốt mà mọi người hay ví cô thuộc tuýp người "nhớ dai thù lâu" ngày còn độc thân, thì giờ Thủy là một bà bầu "não cá vàng" chính hiệu.

Từ tháng thứ 4, Thủy hay quên từ những thứ đơn giản nhất như chìa khóa, điện thoại khi ra khỏi nhà hoặc vừa nhìn thấy chúng ở đâu đó nhưng khi tìm lại không thể nhớ chính xác là ở đâu.

Không những thế, có hôm Thủy quên bật nút nấu cơm, canh thì quên cho muối, thậm chí nồi cá kho cũng thành "cá bóng đêm" vì cô đãng trí bật bếp kho cá nhưng lại ra ngõ đứng "buôn" chuyện với hàng xóm cả tiếng đồng hồ… Và còn rất nhiều những tình huống dở khóc dở cười mà nghĩ lại, Thủy vẫn không hiểu tại sao mình lại trở nên như vậy.

Phụ nữ mang thai thường gặp hiện tượng "não cá vàng". Tranh minh họa

Phụ nữ mang thai thường gặp hiện tượng "não cá vàng". Tranh minh họa

Đem những câu chuyện của mình chia sẻ trên một diễn đàn dành cho các bà bầu, Thủy nhận lại vô số những lời cảm thông, đồng cảm. Bởi, họ cũng đã và đang gặp tình trạng "quên não" khi mang thai như cô.

Theo ThS.BS Nguyễn Công Định, Giám đốc Trung tâm khám, điều trị sản phụ khoa và chăm sóc sức khỏe sinh sản (Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội), khi mang thai, chị em phụ nữ thường bị suy giảm trí nhớ. Đây là hiện tượng bình thường và phổ biến, do đó, các chị em không nên quá lo lắng về vấn đề này.

BS Nguyễn Công Định cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Chẳng hạn, khi mang thai, nhiều thai phụ gặp tình trạng bị mất ngủ (đặc biệt phổ biến ở những tháng đầu và tháng cuối). Điều này khiến năng lượng mà não cần tập trung bị cạn kiệt.

Hơn nữa, những thay đổi lớn trong cơ thể của thai phụ cũng phần nào tác động đến khả năng tập trung của não dẫn đến hiện tượng đãng trí. Đặc biệt, càng về cuối thai kỳ (khoảng 3 tháng cuối), kích thước thai nhi tăng nhanh khiến cơ thể người mẹ có nhiều thay đổi cả về thể chất lẫn tâm lý. Giai đoạn này thai phụ khó tránh khỏi mệt mỏi, khó chịu. Điều này ảnh hưởng đến trí nhớ và sự tập trung.

Cùng với đó, theo BS Định, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng bộ não của phụ nữ thực sự hoạt động khác đi khi mang thai, tăng hoạt động ở bán cầu não liên quan đến kỹ năng cảm xúc nhiều hơn là trí nhớ.

Thực tế, khi tiến hành so sánh một nhóm phụ nữ mang thai và một nhóm phụ nữ không mang thai bằng các bài kiểm tra trí nhớ, các nhà nghiên cứu thấy rằng, trí nhớ của những người mang thai kém hơn rất nhiều so với phụ nữ bình thường, nhất là các bài kiểm tra trí nhớ liên quan đến không gian.

Theo các chuyên gia, suy giảm trí nhớ khi mang thai không nguy hiểm, không ảnh hưởng đến sức khỏe, tuy nhiên, chúng lại gây ra một số phiền toái trong cuộc sống của thai phụ. Do đó, để giảm hiện tượng này, BS Nguyễn Công Định khuyến cáo, thai phụ không nên quá căng thẳng với chứng hay quên của mình. Thay vào đó, cần hít thật sâu để não bộ được thư giãn vì càng căng thẳng, não sẽ bị che mờ nhiều hơn.

Điều quan trọng là luôn để tinh thần thoải mái, vui vẻ trong suốt thai kỳ và khuyến khích nạp những năng lượng tích cực. Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và làm việc hợp lý kết hợp tập các bài thể dục nhẹ nhàng. Điều này sẽ hạn chế phần nào chứng mất trí nhớ khi mang thai.

Một việc làm cần ưu tiên nữa được bác sĩ khuyến cáo đó là cần bổ sung thêm nhiều thực phẩm giàu choline (trứng, thịt gà, thịt bò, bông cải xanh và các loại đậu…). Khoáng chất này rất cần thiết cho sự phát triển trí não, có thể giúp tăng cường trí não cho cả mẹ và bé.

Đồng thời, nạp thêm Omega-3, những thực phẩm giàu DHA (gồm các loại cá an toàn cho bà bầu như cá hồi) là những chất dinh dưỡng khác giúp hỗ trợ chức năng và sự phát triển khỏe mạnh của não.

Một gợi ý dành cho các thai phụ hay quên là những vật dụng cần thiết như chìa khóa nên được để cố định ở một vị trí để khi cần đến sẽ tìm thấy nhanh chóng. Mặt khác, nên ghi chép lại những việc mình cần làm vào một tập giấy nhớ và để ở những nơi dễ nhìn. Hoặc có thể dùng ứng dụng nhắc nhở, báo thức trên điện thoại để luôn có "người đồng hành" nhắc thai phụ những việc quan trọng cần làm, tránh bị quên.

Nguồn: [Link nguồn]

Người phụ nữ tỉnh dậy với não bị tổn thương và mất trí nhớ chỉ vì không phát hiện sớm điều này

Những người không có tiền sử bị tiểu đường vẫn có thể rơi vào trường hợp bị tổn thương ở não do các bệnh lý...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Khôi ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN