Đinh đóng vô người đừng quên lấy ra

Sự kiện: Sống khỏe

Bệnh nhân bị gãy xương hở, xương nứt khi được đóng đinh cố định cần tái khám và nên tháo đinh thép sau một năm được gắn.

“Một khi gãy xương và được cố định bằng đinh thép thì sau một năm phải lấy ra để tránh những sự cố đáng tiếc” - bác sĩ (BS) Nguyễn Hữu Tâm, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình BV Nhân dân 115 (TP.HCM), nói với PV vào sáng 15-6.

Đinh cong khiến chân gãy quặt

Mới đây, BV Nhân dân 115 tiếp nhận bệnh nhân NTN (21 tuổi, ở Long An) trong tình trạng chân trái gãy quặt phía sau. Kết quả chụp X-quang cho thấy đinh thép cỡ chiếc đũa dài 36 cm gắn ở đùi chân trái cong veo. “Cách đây năm năm, tôi bị gãy đùi trái do tai nạn giao thông. Tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM), tôi được BS cố định đinh thép. Trước khi xuất viện, BS dặn tôi một năm sau quay lại bệnh viện tái khám và lấy cây đinh ra” - bệnh nhân N. nói.

Một năm trôi qua, do bận bịu làm ăn, lại thấy chân gãy không đau và đi đứng bình thường nên bệnh nhân N. quên béng cây đinh trong người. “Ngày 11-6 vừa qua, tôi đang chạy xe máy thì bị ô tô cùng chiều từ sau chạy lên quẹt trúng. Cú ngã khiến đùi trái tôi bị gãy và biến dạng” - bệnh nhân N. cho biết.

Theo BS Tâm, bệnh nhân N. được lấy bỏ đinh cũ và thay đinh thép mới to hơn. TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết trước đó hai ngày bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân NTTH (32 tuổi, ở TP.HCM) bị viêm xương do đinh thép gây ra.

“Ba năm trước, bà H. bị gãy chân phải do tai nạn giao thông và được cố định bằng đinh thép. Mặc dù BS dặn sau một năm phải tái khám để lấy đinh ra nhưng bệnh nhân không quan tâm. Khi chân có biểu hiện đau nhức, đi cà nhắc, bà H. mới tới bệnh viện. Sau khi khám, BS kết luận bà H. bị viêm xương khá nặng mà nguyên nhân do đinh thép. “BS buộc phải lấy đinh thép khỏi người bà H. và cố định bên ngoài. Nếu để lâu, xương có khả năng bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ” - TS-BS Phú cho biết thêm.

Đinh đóng vô người đừng quên lấy ra - 1

Kết quả chụp X-quang cho thấy cây đinh thép trong chân bệnh nhân N. bị gãy cong. Ảnh: TRẦN NGỌC

Có thể bị cắt cụt chân

BS Tâm cho rằng khi đinh được tháo ra thì tủy xương sẽ thông thương, giúp xương vừa lành vừa chắc. “Nếu đinh không được lấy ra thì phần xương gãy trước đây chỉ liền chứ không lành. Do vậy khi bị tác động mạnh thì cả đinh và xương dễ gãy” - BS Tâm lưu ý.

“Khi di chuyển, do chịu lực tì đè nên cơ thể tạo ra bè xương theo hướng chịu lực. Trường hợp đinh thép được lấy ra thì lực sẽ tác động lên xương. Điều này giúp xương chắc hơn, vỏ xương dày thêm, có thể chịu tác động mạnh. Nếu đinh thép chưa được lấy ra thì lực sẽ tác động lên cả đinh thép và xương. Điều này khiến xương không chắc, không chịu được lực tác động mạnh nên dễ gãy” - BS Tâm giải thích.

“Người lớn tuổi do không hoạt động nhiều nên không cần thiết lấy đinh thép khỏi người. Tuy nhiên, người trẻ tuổi do công ăn việc làm, di chuyển nhiều nên cần lấy đinh thép ra ngoài để tránh xương bị yếu, dễ gãy” - BS Tâm nói.

TS-BS Nguyễn Đình Phú cho biết thêm trong trường hợp xương chậm lành, viêm xương hoặc bệnh nhân thay khớp giả thì buộc phải tháo đinh thép khỏi người và sử dụng phương pháp điều trị thích hợp hơn.

“Bệnh nhân thay khớp giả hoặc chậm lành xương sẽ được lấy đinh thép ra ngoài. Sau đó BS tiến hành kết hợp xương và ghép xương, đồng thời nén ép ổ gãy cho chắc. “Trong trường hợp viêm xương, ngoài cắt bỏ đoạn xương bị hoại tử như đã nói phần trên, nếu rơi vào trường hợp viêm xương nặng thì sẽ gây nhiễm trùng, nhiễm độc các mô mềm chung quanh. Rơi vào tình huống này, buộc lòng BS phải cắt cụt chân” - TS-BS Phú lưu ý.

Mặc dù không thống kê cụ thể nhưng rất nhiều trường hợp bệnh nhân ở tỉnh bị gãy xương hở, xương nứt nhưng BS ở các bệnh viện địa phương vẫn gắn đinh thép, ốc vít. Điều đáng nói vết thương không được làm sạch trước khi gắn đinh thép nên nguy cơ nhiễm trùng xương rất cao. Do vậy, bệnh nhân cần tái khám và nên tháo đinh thép sau một năm được gắn.

TS-BS NGUYỄN ĐÌNH PHÚ, Phó Giám đốc BV 
Nhân dân 115 (TP.HCM)

Bé trai uốn ván nặng vì dẫm vào gai bưởi

Trong lúc đi đá bóng với bạn, cháu N.M.P (15 tuổi, Nghệ An) dẫm phải gai bưởi và bị gai đâm vào ngón chân cái. Mảnh dị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Ngọc (Pháp luật TPHCM)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN