Cách sơ cứu người bị ngạt khói, chăm sóc nạn nhân trong đám cháy tuyệt đối tránh sai lầm này

Chăm sóc nạn nhân trong trong đám cháy khi bị bỏng tuyệt đối không nên dùng đá lạnh hoặc nước quá lạnh để xối, chườm trực tiếp lên người nạn nhân.

Vụ cháy tại chung cư mini tại Thanh Xuân đêm 12/9 đang được nhiều người quan tâm. Trong đó việc sơ cứu, chăm sóc người bị thương, bị bỏng như thế nào cho đúng cách và hạn chế biến chứng là điều rất cần thiết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tổn thương do ngạt khói nguy hiểm thế nào?

Theo BS.CKII Nguyễn Từ Tuấn Anh, tổn thương do hít khói là thuật ngữ đề cập đến tổn thương đường hô hấp hoặc mô phổi do nhiệt, khói hoặc các chất kích thích hóa học được đưa vào đường thở khi hít vào. Biểu hiện là tổn thương nhiệt, hóa chất và nhiễm độc toàn thân hoặc bất kỳ sự kết hợp nào của những tổn thương này. 

Tổn thương do nhiệt chủ yếu ở đường hô hấp trên, tổn thương do hóa chất đối với đường hô hấp trên và dưới và ảnh hưởng toàn thân của khí độc như Carbon monoxide (CO) và Cyanide (CN). Tử vong sớm trong đám cháy chủ yếu do thiếu oxy, kết quả của nồng độ oxy thấp (do tiêu thụ nhanh chóng lượng oxy có sẵn trong quá trình đốt cháy) và hít phải khí CO và CN nồng độ cao (dẫn đến không thể sử dụng oxy ở cấp độ mô).

Vị trí và mức độ nặng của tổn thương phụ thuộc vào một số yếu tố như nguồn lửa, kích thước của các hạt trong khói, thời gian tiếp xúc, độ hòa tan của khí và cách sơ cứu ban đầu. 

Dấu hiệu người bị ngạt khói cần sơ cứu ngay

Bác sĩ Nguyễn Từ Tuấn Anh cho biết, tổn thương do nhiệt ở đường hô hấp rất nguy hiểm và cần được sơ cứu ngay, thường có biểu hiện:

Phản xạ ho

Người bị ngạt khói thường bị ho sặc do các màng nhầy trong đường hô hấp tiết ra nhiều hơn khi bị kích thích. Tăng sản xuất chất nhầy và co thắt phế quản dẫn đến phản xạ ho. Chất nhầy có thể trong, xám hoặc đen tùy thuộc vào mức độ các hạt bị đốt cháy đọng lại ở khí quản và phổi nạn nhân.

Khàn tiếng

Tổn thương do nhiệt và các hóa chất có trong khói gây co thắt dây thanh quản, viêm và phù nề đường hô hấp trên dẫn đến nói khàn, nói khó.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thở nhanh

Do tổn thương trực tiếp đến đường hô hấp làm giảm cung cấp oxy cho máu. Mặt khác, bản thân máu cũng giảm khả năng vận chuyển oxy do hóa chất trong khói hoặc tế bào cơ thể không thể sử dụng oxy. Dẫn đến nạn nhân cố gắng thở nhanh để bù trừ cho tình trạng thiếu oxy này.

Thay đổi màu da

Da có thể tái nhợt, hơi xanh hoặc đỏ do thiếu oxy, ngộ độc CO và bị bỏng khi tiếp xúc với lửa trong đám cháy. Bồ hóng trong lỗ mũi hoặc cổ họng cho biết mức độ hít phải khói.

Rối loạn ý thức

Trong tất cả các vụ hỏa hoạn, mọi người đều phơi nhiễm với lượng khí CO, CN khác nhau. Nồng độ oxy thấp và hít khí độc có thể gây các triệu chứng khác nhau từ tim đập nhanh, thở nhanh, khó thở, buồn ngủ, buồn nôn và đau đầu ở nồng độ thấp đến rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, co giật và hôn mê ở nồng độ cao.

Sơ cứu người bị ngạt khói đúng cách

Theo bà Trang Nguyễn, chuyên gia đào tạo các khóa học sơ cấp cứu và thoát hiểm cho người dân cho biết:

- Với nạn nhân trong đám cháy, khi được giải cứu cần được đưa đến nơi thoáng mát, có đủ khí oxy. Trong đó phải gọi người cấp cứu và ưu tiên xử trí vấn đề nghiêm trọng trước, đặc biệt là hồi sức tim phổi cho người đã ngưng thở, sau đó đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.

- Với người còn tỉnh táo và hô hấp được thì để họ nằm, ngồi nghỉ ở chỗ râm mát, thoáng khí. Nên cho họ uống nước để giảm nhiệt độ cơ thể cũng như bù lượng nước đã mất.

- Nếu nạn nhân bất tỉnh nhưng vẫn hô hấp được, cho họ nằm nghiêng để đờm dãi không làm bít đường thở. Trường hợp có bình oxy nên cho họ thở ngay.

Cách sơ cứu người bị ngạt khói, chăm sóc nạn nhân trong đám cháy tuyệt đối tránh sai lầm này - 3

Cách sơ cứu ban đầu khi nạn nhân ngạt khói

- Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, ngừng thở, thở bất thường phải hồi sinh tim phổi (ép tim, hà hơi thổi ngạt) trước. Trước khi thao tác, cần đặt nạn nhân nằm lên bề mặt cứng. Người sơ cứu lồng hay bàn tay vào nhau và đặt cườm tay ngay giữa lồng ngực (vị trí giữa hai núm vú), sau đó ép xuống nhanh, mạnh. Mỗi nhịp lồng ngực lún sâu xuống khoảng 5-6 cm. Sau mỗi 30 lần ép tim thì thực hiện thổi ngạt hai lần. Lặp lại các thao tác liên tục cho đến khi nạn nhân có sự sống hoặc được nhân viên cấp cứu chuyên nghiệp đến hỗ trợ.

- Khi thổi ngạt, người sơ cứu dùng miệng thổi hơi thở của mình vào miệng của nạn nhân, đồng thời dùng tay để bịt chặt mũi và ngược lại (tức là thổi vào mũi thì bịt chặt miệng), để hơi thở không bị thoát ra ngoài.

Chăm sóc nạn nhân bị bỏng nhiệt

Nếu nạn nhân bị bỏng, cần dội nước sạch nhẹ nhàng lên vùng bỏng để xoa dịu cơn đau, giúp nhiệt độ cơ thể thoát ra ngoài nhanh chóng. Tùy mức độ bỏng, thời gian dội có thể 10-20 phút hoặc lâu hơn, cho đến khi nạn nhân cảm thấy cơn đau bớt bỏng rát, không còn phừng phừng nữa.

Tuyệt đối không nên dùng đá lạnh để chữa bỏng. Ảnh minh họa

Tuyệt đối không nên dùng đá lạnh để chữa bỏng. Ảnh minh họa

- Tuyệt đối không nên dùng đá lạnh hoặc nước quá lạnh để xối, chườm trực tiếp lên người nạn nhân". Nguyên nhân là cơ thể họ đang bị bỏng nóng, da chưa điều tiết về lại nhiệt độ bình thường mà dội ngay đá lạnh sẽ gây bỏng lần hai là bỏng lạnh.

- Ngoài ra, nên cởi quần áo, tháo bỏ trang sức, phụ kiện... ở vùng da bị bỏng. Khi vùng bỏng sưng lên, phồng rộp, các lớp quần áo, trang sức này có thể dính chặt vào vết thương, vừa khó cởi bỏ và gây đau đớn, trợt da.

- Sau đó, có thể dùng màng bọc thực phẩm sạch để đắp lên vết thương, để che bụi bẩn, tránh nhiễm trùng cho nạn nhân. Lúc này, nếu nạn nhân vẫn đau rất nhiều, có thể dùng đá lạnh chườm với tác dụng giảm đau và đưa họ tới bệnh viện.

Kỹ năng phòng ngừa hít phải khí độc trong đám cháy

Để phòng ngừa hít phải khí độc khi xảy ra cháy, cần thực hiện các điều sau đây:

- Khi có cháy không được hoảng loạn mà cần gọi ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy 114. Sau đó, nạn nhân chạy ra ngoài ban công hoặc sân thượng tìm người giúp đỡ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

- Khói nhẹ hơn không khí nên sẽ bay lên trên. Do đó, hãy hạ người xuống sàn, khuỵu hai tay và đầu gối để di chuyển. Vì phía dưới sàn sẽ có đủ lượng oxy để thở và tránh ngạt khói.

- Lấy một mảnh vải, làm ẩm và để gần mũi, miệng. Nước sẽ lọc khí độc, ngăn hít khí độc.

- Trong trường hợp bị kẹt trong phòng, hãy đóng các cửa lại để ngăn khói bay vào. Bịt các kẽ hở xung quanh khung cửa và quạt thông gió bằng vải ướt hoặc băng dính.

- Nếu quần áo bị bắt lửa, hãy nằm và lăn người cho đến khi lửa được dập.

- Ngoài ra, cần xác định nguồn khói và hướng gió để chọn nơi lánh nạn hợp lý, giảm nguy cơ ngạt khói.

Nguồn: [Link nguồn]

Nỗ lực giành sự sống cho các nạn nhân vụ cháy chung cư mini

Suốt từ rạng sáng 13/9, hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế các bệnh viện lớn tại Hà Nội nỗ lực cấp cứu, phẫu thuật, chăm sóc, điều trị cho các nạn nhân của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo M.H ([Tên nguồn])
1001 kỹ năng sinh tồn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN