Cúm A/H5N1 đe dọa bùng phát ở người

Sự biến đổi của virus cúm trên gia cầm trong khi vắc-xin phòng bệnh đang bị vô hiệu hóa đã làm tăng nguy cơ virus biến chủng, lây từ người sang người.

Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết việc cúm gia cầm đang tái phát tại một số địa phương như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng và Ninh Bình đang dấy lên nỗi lo ngại về dịch cúm A/H5N1 trên người. Nếu người dân không có ý thức phòng bệnh thì nguy cơ lây lan cho người là rất lớn.

Tiềm ẩn nguy cơ lây truyền

Theo ông Bình, từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện 4 ca mắc cúm A/H5N1, trong đó có 2 ca tử vong. Những ca bệnh này đều được phát hiện trong những tháng đầu năm 2012. Đây cũng là thời điểm cúm bùng phát trên gia cầm.

Trong khi đó, theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), kết quả phân tích giải trình gien mới nhất cho thấy đã xuất hiện nhánh virus cúm gia cầm mới ở miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Việc xuất hiện chủng virus mới đồng nghĩa với việc tác dụng bảo vệ của vắc-xin trước chủng virus cúm gia cầm mới này giảm mạnh, chỉ còn 35%-40%.

PGS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho rằng khi vắc-xin không có hiệu lực để phòng bệnh trên gia cầm thì virus sẽ nhanh chóng thích nghi và có thể dễ dàng lây lan sang người. Cũng theo ông Hiển, một yếu tố khác được đặc biệt lưu tâm là người ta chỉ phát hiện dịch khi có hiện tượng gia cầm ốm chết, còn virus cúm ở gia cầm lành thường bị bỏ qua do không có biểu hiện để nhận biết. Đây đang được coi là nguồn bệnh khó kiểm soát nhất và tiềm ẩn nguy cơ lây truyền từ gia cầm sang người.

Các chuyên gia dịch tễ đánh giá nước ta luôn đứng trước nguy cơ xuất hiện thêm các trường hợp mắc cúm A/H5N1 do tập quán chăn nuôi của người dân, tập quán giết mổ, ăn thịt gia cầm, đặc biệt là món tiết canh.

Con người chưa có miễn dịch với cúm A/H5N1

TS Nguyễn Trần Hiển nhận định nguồn gốc các ca bệnh cúm A/H5N1 vẫn bắt nguồn từ gia cầm. Hơn 60 trường hợp tử vong do virus này phần lớn đều liên quan đến chăn nuôi, giết mổ và ăn thịt gia cầm bệnh. Tuy vậy, cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện cơ chế lây truyền virus từ gia cầm sang người mà mới chỉ đưa ra những khả năng của việc lây lan.

Đó là virus cúm H5N1 ở gia cầm có thể lây sang người qua đường hô hấp bởi các giọt nhỏ nhớt dãi, dịch tiết đường hô hấp và tiêu hóa của gà ốm hoặc do người hít phải không khí có bụi từ phân gà, phân chim, dịch tiết khô mang virus còn sống. Ngoài ra, virus cúm trong bàn tay bẩn, thức ăn, nước uống ô nhiễm... cũng có thể đi vào miệng, qua đó thâm nhập đường hô hấp và gây bệnh.

Cúm A/H5N1 đe dọa bùng phát ở người - 1

Do sức đề kháng yếu nên trẻ em là đối tượng rất dễ nhiễm virus

Giới chuyên môn khẳng định hiện nguy cơ mắc bệnh của con người là gần như nhau vì với tác nhân gây bệnh này mọi người chưa có khả năng miễn dịch. “Tuy nhiên, qua điều tra những người khỏe mạnh ở khu vực nuôi gia cầm, thủy cầm, chúng tôi phát hiện một tỉ lệ nhỏ người lành mang trùng mà không có biểu hiện bệnh. Nhưng vì chưa hiểu rõ quy luật và mức độ cảm nhiễm nên mọi người đều phải cảnh giác”- ông Hiển nói thêm.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thời điểm này dù chưa phát hiện ca bệnh nhiễm cúm A/H5N1 nào nhưng người dân không nên chủ quan. Bởi 2 ca tử vong do cúm A/H5N1 hồi đầu năm đều do lơ là sau gần 2 năm không có ca mắc mới. Ông Kính cho rằng cả 2 ca tử vong này đều được chẩn đoán và điều trị đặc hiệu cúm khi đã ở giai đoạn muộn, diễn biến nhanh nên không qua khỏi. Việc điều trị bằng thuốc Tamiflu sau 3 ngày khởi bệnh cũng làm giảm khả năng đáp ứng của thuốc.

“Nói như vậy không có nghĩa là khuyến khích người dân dự trữ và tự điều trị bằng thuốc Tamiflu trước những ảnh hưởng của virus cúm H5N1. Những dược phẩm như Tamiflu phải được bác sĩ kê đơn và chỉ định chặt chẽ trên từng ca bệnh cụ thể để tránh phản ứng có hại”- bác sĩ Kính nói.

Biểu hiện giống sốt xuất huyết

Theo ông Nguyễn Văn Bình, cúm A/H5N1 và sốt xuất huyết đều có biểu hiện sốt nhưng khi nhiễm cúm thì người bệnh thường sốt cao liên tục kèm ho, đau ngực, khó thở, chảy nước mũi, trong khi với sốt xuất huyết thì sốt cao nhưng sau đó có các biểu hiện xuất huyết dưới da.

Với tình hình dịch trên gia cầm như hiện nay, nhất là người sống trong vùng dịch, nếu có các biểu hiện nói trên thì nên đến các cơ sở y tế để được điều trị sớm. Bệnh thường có diễn biến nặng, nhất là ở người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và những người bị bệnh mãn tính (tim mạch, phổi, thận, rối loạn chuyển hóa, thiểu năng miễn dịch).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN