Còn nửa người vẫn sống “để trả ơn bác sĩ”

“Tỉnh dậy với thân thể không nguyên vẹn, em đã trách bác sĩ sao không để em chết. Nhưng khi nhìn các bác sĩ túc trực bên em cả ngày lẫn đêm, lấy hết tâm huyết nghề nghiệp ra để chăm sóc em, em thấy mình cần sống. Sống, để trả ơn các bác sĩ…

Hơn một tháng sau khi trải qua gần chục cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, sức khoẻ bệnh nhân Trần Tất Doanh, 24 tuổi – công nhân công ty Vinacafe đã phục hồi. “Chú Tí” – tên ở nhà của Doanh – đã bắt đầu chấp nhận thực trạng của mình.

“Em nghĩ mình vẫn may mắn”

Đỗ Thị Thanh Thảo, người chị dâu đang chăm sóc Doanh tại bệnh viện, nói trong nước mắt: “Em nó đã qua được giai đoạn sốc, giờ đã chấp nhận thực tế bản thân. Điều này khiến gia đình bớt lo, các bác sĩ cũng yên tâm khi thấy cậu ấy hợp tác tốt trong điều trị”.

Dù không muốn nhớ lại, Doanh vẫn chậm rãi kể cho tôi nghe những gì xảy ra: “Khi trượt chân vào máy trộn càphê, em cảm giác rõ ràng một bên chân bị máy cuốn dần lên đến bụng. Lúc ấy, có lẽ quá hoảng hốt nên em không cảm nhận được đau đớn. Em gọi mấy công nhân đang làm gần đó, hai người chạy đến lôi em ra khỏi máy thì họ cũng ngất xỉu. Em phải tự lết đi một đoạn để tìm người giúp. Lúc đó, ruột của em bị xổ ra ngoài, em đã tự tay gom nhét trở lại bụng. Khi gặp một người bạn, em còn tỉnh táo để đọc số điện thoại nhà nhờ báo cho gia đình. Lúc trên cáng cứu thương, em mới thấy cơn đau thật dữ dội. Khi tỉnh dậy, dù biết cơ thể đã mất nhiều phần, nhưng em vẫn thực sự sốc khi nhìn xuống phần dưới của mình: nó… trống lốc!”

Còn nửa người vẫn sống “để trả ơn bác sĩ” - 1

Chị Thảo đang chăm sóc Doanh tại bệnh viện.

Những giọt nước mắt của Doanh rơi trên gối

Chị Thảo thay Doanh kể tiếp câu chuyện của em. Nhà nghèo nên hơn một năm trước, khi được công ty Vinacafe nhận vào với công việc đứng máy trộn càphê, Doanh làm việc thật chăm chỉ để có tiền phụ giúp cha mẹ. Hôm ấy, khi đổ thùng càphê khá nặng, do đứng mất thăng bằng nên em trượt một chân vào máy.

Doanh tiếp tục trải lòng: “Sinh ra là một người lành lặn, lớn lên là một thanh niên khoẻ mạnh, em còn muốn làm việc, lấy vợ và sinh con… Nhưng chỉ một tai nạn, em đã ra người tật nguyền”. Khi hỏi về người yêu, Doanh ngoảnh đi không đáp. Chị Thảo buồn buồn: “Doanh với người yêu chia tay năm ngoái rồi. Gia đình cũng không muốn báo cho cô ấy biết”. Còn mẹ Doanh, quá đớn đau cho con, nên dù mừng con mình được cứu sống, song nhìn thân thể Doanh trong tình trạng này bà lại nói: “Con tôi sống không bằng chết…!” Nhưng mỗi lần vào thăm con, bà và người thân lại hết sức động viên Doanh phải cố mà sống…

“Có lẽ là số phận! Em cũng chưa biết tương lai phía trước thế nào, nhưng còn được nhìn cuộc đời và những người thân yêu, em nghĩ mình vẫn may mắn… Còn đôi tay và khối óc, sau này em sẽ kiếm việc gì đó phù hợp để không trở thành gánh nặng cho gia đình” – Doanh nói khá tự tin.

BS.CK2 Chu Văn Nhuận, phó khoa niệu bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM): “Ca này có thể được đưa vào y văn thế giới. Các bác sĩ ở bệnh viện đa khoa Đồng Nai làm rất tốt về chuyên môn. Nếu ở Chợ Rẫy, chúng tôi cũng chỉ làm đến thế. Hiện chúng tôi đang cùng các bác sĩ bệnh viện đa khoa Đồng Nai nghiên cứu tái tạo một số bộ phận đã mất, đặc biệt là làm đai đỡ để bệnh nhân có thể ngồi được”.

TS.BS Nguyễn Đình Phú, phó giám đốc bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM): “Bệnh nhân Trần Tất Doanh bị đa tổn thương với mức độ khá trầm trọng, tử vong là khó tránh. Tuy nhiên, các bác sĩ bệnh viện đa khoa Đồng Nai đã cứu sống được bệnh nhân, chứng tỏ trình độ chuyên môn của họ rất cao”.

Sức khoẻ đã ổn định, mỗi ngày của Doanh đi qua trong bốn bức tường phòng hậu phẫu với nhiều cảm xúc đan xen. Ngoài lúc ăn uống, nghỉ ngơi, trò chuyện với người thân, Doanh làm bạn với chiếc iPad có kết nối internet. Hôm tôi vào, thấy em đang đọc bài diễn thuyết Không bao giờ bỏ cuộc của Nick Vujicic, một thanh niên Úc không tay không chân vừa đến Việt Nam.

Giành giật từng giây sự sống

Bác sĩ Ngô Đức Đễ, trưởng khoa Ngoại tổng quát bệnh viện đa khoa Đồng Nai nhớ lại: “34 năm trong nghề, tôi chưa từng gặp một tai nạn nào có mức độ tổn thương lớn đến thế. Tôi thực sự sốc khi nhìn thấy bệnh nhân với phần bụng vỡ toác, toàn bộ ruột xổ ra ngoài. Bộ phận sinh dục, xương chậu, chân trái gần như không còn, máu tuôn xối xả…” Dù tiên lượng khả năng sống của bệnh nhân rất mong manh nhưng “còn nước còn tát”, hôm ấy êkíp phẫu thuật gồm mười bác sĩ của sáu khoa phòng lập tức bắt tay ngay vào ca mổ.

“Anh em chúng tôi đã có những giờ phút căng thẳng như không thể chịu đựng hơn. Hai lần bệnh nhân ngưng tim trên bàn mổ. Vừa hồi sức tích cực, vừa tiếp tục phẫu thuật. Chưa hết, máu tiếp vào bao nhiêu ra bấy nhiêu, huyết áp tụt thấp dưới ngưỡng và đồng tử giãn rộng... khiến kíp mổ vô cùng lo âu. Đa vết thương với mức độ tổn thương quá nặng, cậu ấy sống được cũng thật hy hữu” – bác sĩ Hà Văn Dần, trưởng khoa Gây mê hồi sức chia sẻ. Trong hơn hai giờ đồng hồ, kíp mổ đã cắt lọc, tái tạo cũng như phục hồi một số bộ phận đã mất cho bệnh nhân. Phẫu thuật xong, kíp mổ chưa hết căng thẳng vì sáu giờ sau bệnh nhân mới ra khỏi tình trạng hôn mê.

Phẫu thuật vất vả, giai đoạn điều trị hậu phẫu cũng không hề đơn giản, bởi bệnh nhân tiếp tục bị choáng, có nguy cơ nhiễm trùng nặng. Đặc biệt là tình trạng các mô dập nát hoại tử sẽ gây suy gan, suy thận, tràn dịch màng phổi, rối loạn điện giải… Dù đã tiên liệu, ngày thứ tám sau ca mổ bệnh nhân bỗng bị sốc nặng do tràn dịch màng phổi. Nửa đêm, các bác sĩ của kíp mổ lại được huy động để tận lực cứu Doanh.

Khoảng một tháng nữa bệnh nhân sẽ xuất viện. Cứu sống bệnh nhân Trần Tất Doanh không chỉ là câu chuyện hy hữu của y học Việt Nam, mà còn là những trải nghiệm để đời trong nghề nghiệp của nhiều bác sĩ bệnh viện đa khoa Đồng Nai.

Từ khi Doanh bị tai nạn, cha và chị dâu phải nghỉ việc để chăm sóc em ở bệnh viện. Công ty Vinacafe đã đến thăm hỏi, động viên, tạm đưa cho gia đình 60 triệu đồng và hứa chi trả toàn bộ viện phí. Trong quá trình phẫu thuật, nhiều cán bộ, công nhân công ty đã đến hiến tổng cộng 21 đơn vị máu tươi.

UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định khen thưởng đột xuất tập thể bệnh viện đa khoa Đồng Nai (kèm tiền thưởng 10 triệu đồng), cùng hai cá nhân là bác sĩ Ngô Đức Đễ và bác sĩ Hà Văn Dần (kèm tiền thưởng 5 triệu đồng/người) vì có thành tích xuất sắc trong việc cứu sống bệnh nhân Trần Tất Doanh. Trước đó, sở Y tế tỉnh đã tổ chức khen thưởng êkíp phẫu thuật này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Liễu (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN