Có thể suy gan thận, tử vong vì "tự chữa COVID-19 tại nhà bằng paracetamol liều tối đa"

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Trên mạng xã hội đã xuất hiện các hướng dẫn không rõ nguồn gốc về cách tự chữa bệnh COVID-19 tại nhà. Đáng chú ý, trong một hướng dẫn, liều paracetamol khuyên sử dụng là liều tối đa, rất dễ có nguy cơ quá liều và gây ngộ độc.

Trước tình hình dịch COVID-19 đang gia tăng số lượng người bệnh cùng với các biểu hiện đau hoặc sốt cao do các nguyên nhân khác tại gia đình cần được chữa ban đầu, nhu cầu sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt tăng lên. Trên mạng xã hội đã xuất hiện các hướng dẫn không rõ nguồn gốc về cách tự chữa bệnh COVID-19 tại nhà. Đáng chú ý, trong một hướng dẫn, liều paracetamol khuyên sử dụng là liều tối đa, rất dễ có nguy cơ quá liều và gây ngộ độc. Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ với cộng đồng về vấn đề này.

Ngộ độc paracetamol là loại ngộ độc thường gặp nhưng âm thầm, dễ bỏ sót

Paracetamol (tên gọi khác là acetaminophen) là thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt mức độ trung bình. Ngộ độc paracetamol là nguyên nhân gây ngộ độc thường gặp nhất ở các nước phát triển. Ở Việt Nam, ngộ độc cấp paracetamol đã trở thành nguyên nhân ngộ độc thường gặp. Ngộ độc paracetamol do một trong hai nhóm nguyên nhân: (1) Do chủ động uống quá liều tự tử (thường được phát hiện sớm, điều trị kịp thời) và (2) Do lạm dụng thuốc, dùng sai dẫn tới quá liều mà không biết khi giảm đau, hạ sốt tại nhà. Trường hợp thứ hai này rất dễ xảy ra, thường với người sốt cao, kéo dài, đau nhiều, đau mạn tính... Do các biểu hiện ngộ độc paracetamol rất kín đáo, thậm chí vài ngày đầu nếu không xét nghiệm theo dõi thì không thể biết, khi được phát hiện đã muộn, tổn thương gan, thậm chí suy gan cấp, hôn mê gan và tử vong.

Bài thuốc được chia sẻ trên mạng xã hội với hướng dẫn sử dụng liều paracetamol tối đa nguy cơ gây ngộ độc Lạm dụng thuốc, dùng sai hoặc nhầm lẫn là nguyên nhân thường gặp dẫn tới ngộ độc

Bài thuốc được chia sẻ trên mạng xã hội với hướng dẫn sử dụng liều paracetamol tối đa nguy cơ gây ngộ độc Lạm dụng thuốc, dùng sai hoặc nhầm lẫn là nguyên nhân thường gặp dẫn tới ngộ độc

Paracetamol là thuốc thuộc diện không phải kê theo đơn, có nghĩa là người dân có thể tự mua ở các hiệu thuốc về để chữa các biểu hiện đau, sốt do các nguyên nhân thông thường hoặc xử trí ban đầu trước khi tới bệnh viện. Trên thị trường mỗi nước có thể có tới hàng trăm biệt dược có tên gọi khác nhau có chứa thành phần chính là paracetamol, trong đó với dạng viên có hàm lượng paracetamol mỗi viên phổ biến là 500mg. Ngoài ra thuốc có thể ở dạng viên đặt hậu môn, gói bột hoặc xy-rô. Các sản phẩm thuốc có thể chứa paracetamol đơn thuần hoặc các thành phần khác ngoài paracetamol là các thuốc giảm đau khác phối hợp như các chất dạng thuốc phiện (như codein, tramadol), hoặc các thuốc loại kháng histamine như chlorpheniramine, các thuốc co mạch giúp giảm ngạt mũi như phenylephrine, các thuốc giảm ho như dextromethorphan, codein. Mặc dù có tên gọi khác nhau nhưng về bản chất tất cả các sản phẩm trên có thành phần tương tự nhau, người dân rất dễ dùng cùng lúc hoặc liên tiếp nhiều sản phẩm do bệnh không đỡ, kéo dài hoặc muốn dùng nhiều thuốc để có tác dụng mạnh, dẫn tới tổng liều paracetamol hàng ngày vượt quá quy định, dẫn tới quá liều và ngộ độc lúc nào không biết. Đồng thời, người bệnh cũng dễ bị quá liều và ngộ độc các thành phần khác kèm theo trong thuốc.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ khác thường gặp có thể khiến một người dùng paracetamol dễ bị ngộ độc

Người có thể trạng gầy yếu, suy nhược, ăn kém, sốt cao hoặc nhiễm trùng nặng kéo dài, cơ thể có các tình trạng bệnh tiêu hao nhiều năng lượng (như sau mổ) dẫn tới cơ thể cạn kiệt các chất có ích giúp ngăn cản độc tính của paracetamol ở liều điều trị, người thường xuyên uống nhiều rượu bia đặc biệt dễ bị ngộ độc paracetamol, những người đang dùng các thuốc chữa bệnh khác có thể làm tăng độc tính của paracetamol như một số thuốc chữa bệnh lao, chữa động kinh. Với những người này nên dùng paracetamol liều thấp nhất có thể.

Bệnh nhân đang dùng thuốc chữa động kinh, khi dùng thêm paracetamol liều 2 gam/ngày đã dẫn tới viêm gan (Trung tâm chống độc BVBM) Biểu hiện ngộ độc

Bệnh nhân đang dùng thuốc chữa động kinh, khi dùng thêm paracetamol liều 2 gam/ngày đã dẫn tới viêm gan (Trung tâm chống độc BVBM) Biểu hiện ngộ độc

Các biểu hiện ngộ độc ban đầu thường kín đáo, thậm chí không biểu hiện gì, hoặc có thể lẫn với các biểu hiện của bệnh gây đau, sốt. Tuy nhiên khi xét nghiệm sẽ thấy men gan tăng dần, bắt đầu từ ngày thứ 2, thứ 3 trở đi. Với trường hợp ngộ độc do lạm dụng thuốc thì tổn thương gan có thể chậm hơn. Khi bệnh nhân đã có vàng da, chán ăn…tức là đã muộn. Khi có viêm gan nặng, người bệnh dễ bị suy gan, hôn mê gan, khi đó tỷ lệ tử vong tới 50% hoặc hơn.

Ngoài ra, khi lạm dụng các sản phẩm đó, người bệnh có thể bị quá liều và ngộ độc các thành phần khác kèm theo, ví dụ quá liều hoặc dùng kéo dài các chất dạng thuốc phiện như codein, tramadol có thể gây ngộ độc ảnh hưởng khả năng thở, táo bón, run tay chân, gây nghiện,…quá liều các chất gây co mạch dẫn tới cơn tăng huyết áp, đau tim, ngộ độc các thuốc kháng histamine gây mê sảng, ảo giác, táo bón, tắc ruột, co giật, loạn nhịp tim,…quá liều thuốc giảm ho dextromethorphan gây lẫn lôn, ảo giác, hôn mê, nhịp tim nhanh,…Với trẻ nhỏ, các thành phần kết hợp này đều có nguy cơ gây thở yếu, ngừng thở.

Làm sao để sử dụng paracetamol an toàn khi giảm đau, hạ sốt?

Trước tiên, chúng ta cần biết liều paracetamol tối đa với người Việt Nam có thể trạng trung bình và không có các yếu tố nguy cơ nêu trên là không quá 3 gam/24 giờ với người trưởng thành và trẻ em 15mg/kg cân nặng cho mỗi lần và không quá 6 lần/24 giờ. Tuy nhiên, nếu sử dụng liều này cho người có nhiều yếu tố và hoàn cảnh nguy cơ nêu trên thì lại gây ngộ độc. Trên thực tế các bác sỹ khi kê thuốc cho người bệnh trưởng thành chỉ kê 1-1,5 gam paracetamol cho mỗi 24 giờ (tương đương 2-3 viên loại hàm lượng 500mg). Tốt nhất là dùng liều thấp nhất có thể.

Để sử dụng paracetamol an toàn, với người trưởng thành mỗi ngày chỉ nên dùng 2 đến 3 viên paracetamol loại 500mg. Người bệnh cần biết rõ tên và thành phần các thuốc đang dùng và dùng đúng hướng dẫn. Luôn luôn chú ý đến các loại thuốc khác đang dùng (đặc biệt một số thuốc chữa bệnh lao hoặc động kinh làm tăng độc tính của paracetamol) và thể trạng của người bệnh dễ bị ngộ độc paracetamol (lạm dụng rượu, gày yếu, suy nhược, ăn kém, nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh gây suy mòn). Luôn kết hợp các biện pháp khác an toàn hơn để hạ sốt, giảm đau như nới rộng quần áo, chườm, tắm nước ấm, uống đủ nước,….Khi bệnh không đỡ hoặc có biểu hiện bất thường thì cần tới cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra.

Nguồn: [Link nguồn]

Hà Nội: 13 đối tượng được ưu tiên tiêm vắc-xin COVID-19 trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất

Yêu cầu trong phương án của Hà Nội đặt ra là tiêm chủng sớm nhất, nhanh nhất và an toàn nhất, thực hiện tối đa 200.000...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TS. BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc - BV Bạch Mai ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN