Cớ sao nay đau mai yếu?

Sự kiện: Sống khỏe

Thầy thuốc đã từ lâu ghi nhận một số căn bệnh rất phổ biến ở giới suốt ngày qua lại trong bốn bức tường của phòng làm việc gắn máy lạnh, như viêm mũi dị ứng, đau thần kinh tọa, rối loạn thị lực, đau đầu, mất ngủ, trầm uất.

Cớ sao nay đau mai yếu? - 1

Với tỉ lệ rất cao nếu so sánh với người không bị cầm chân bên bàn giấy. Chuyên gia về bệnh do stress thậm chí đã đúc kết thành bệnh lý mang tên “hội chứng văn phòng cao ốc” (building office sickness syndrome)!

Chuyện gì cũng có lý do

Đối tượng phải sống nhiều giờ trong văn phòng đóng kín lại thêm máy lạnh chạy hết ga, khó khỏe vì:

- Khác biệt về nhiệt độ trong phòng và bên ngoài đối với cơ thể chẳng khác nào một loại stress gay gắt. Tuyến thượng thận vì thế phải làm việc tối đa, nhất là khi hệ miễn dịch phải bù đầu chống đỡ đòn đánh bồi từ bụi trong máy điều hòa không khí, trong máy in, nước lau kính, xà phòng lau sàn… Gia chủ vì thế dễ nay cảm mai cúm.

- Nhãn áp tăng do mắt quá mỏi vì dán chặt vào màn hình máy vi tính. Đau sau gáy đi kèm với chóng mặt, hồi hộp, vã mồ hôi là chuyện cứ như bình thường của dân văn phòng quên bảo vệ thần kinh thị giác.

- Mất ngủ vì gia chủ xài hết sạch dưỡng chất và dưỡng khí qua công việc căng thẳng trong ngày. Chưa kể đến khuynh hướng cáu kỉnh hay ngược lại, trầm uất vô cớ, tệ hơn nữa là trí nhớ cũng bị “xói mòn” đến lú lẫn như đã cao tuổi dù chỉ mới… 30!

Cớ sao nay đau mai yếu? - 2

Làm việc trong môi trường máy lạnh chạy hết ga dài lâu sẽ khiến chúng ta dễ lâm bệnh. Ảnh: INTERNET

Lỗ nhỏ đắm thuyền như chơi!

Dù muốn hay không, stress vẫn là một phần trong cuộc sống được tiếng “hiện đại nhưng hại điện”. Theo học viện nghiên cứu về “hội chứng mệt mỏi kinh niên” ở ĐH Munich (Đức), mục tiêu đó không đến độ bất khả thi nếu đối tượng của stress thành thật với chính mình bằng cách rà soát xem đáy thuyền đang có bao nhiêu lỗ mọt trước khi lỗ nhỏ làm đắm thuyền. Muốn biết không quá khó. Chỉ cần thành thật trả lời 10 câu hỏi trắc nghiệm dưới đây rồi cộng điểm và đối chiếu với phần diễn dịch ở cuối bài.

 1. Bạn phải làm việc căng thẳng mấy giờ trong ngày?

• Dưới 8 giờ (0 điểm)

• Trên 8 giờ nhưng có nghỉ giải lao (1 điểm)

• Trên 8 giờ liên tục (2 điểm)

• Trên 10 giờ liên tục kể cả buổi tối (3 điểm)

 2. Bạn ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày?

• Trên 7 giờ ban đêm + ngủ trưa (0 điểm)

• Trên 7 giờ ban đêm nhưng không ngủ trưa (1 điểm)

• Không ngủ trưa và dưới 7 giờ mỗi đêm (2 điểm)

• Không ngủ trưa và dưới 6 giờ mỗi đêm (3 điểm)

 3. Bạn đang hút bao nhiêu điếu thuốc mỗi ngày?

• Không hút thuốc (0 điểm)

• Dưới 5 điếu (1 điểm)

• Dưới 10 điếu (2 điểm)

• Trên 10 điếu (3 điểm)

 4. Bạn vận động thể dục thể thao mỗi ngày bao nhiêu phút?

• Tối thiểu 30 phút mỗi ngày (0 điểm)

• Khoảng 30 phút nhưng không mỗi ngày (1 điểm)

• Không đến 2 lần trong tuần (2 điểm)

• Không đến 1 lần trong tuần (3 điểm)

 5. Bạn thư giãn mỗi ngày được bao nhiêu phút?

• Trên 30 phút (0 điểm)

• Dưới 15 phút (1 điểm)

• Dưới 5 phút (2 điểm)

• Hiếm khi (3 điểm)

 6. Bạn thường dùng thuốc có corticoid như thế nào?

• Không dùng từ lâu (0 điểm)

• Thỉnh thoảng trong tháng (1 điểm)

• Thỉnh thoảng trong tuần (2 điểm)

• Nhiều ngày trong tuần (3 điểm)

 7. Bạn có thói quen dùng trái cây tươi mấy lần trong ngày?

• Trên 3 lần (0 điểm) 

• 2 lần (1 điểm)

• 1 lần (2 điểm)

• Thỉnh thoảng trong tuần (3 điểm)

 8. Bạn thường uống bao nhiêu nước trong khoảng 8 giờ đến 17 giờ?

• Trên 2 lít (0 điểm)

• Khoảng 1,5 lít (1 điểm)

• Khoảng hơn 1 lít (2 điểm)

• Không đến 1lít (3 điểm)

 9. Bạn thường uống bao nhiêu rượu bia trong ngày?

• Mỗi tháng tổng cộng khoảng 6 lon bia hay 1/2 chai rượu mạnh (0 điểm)

• Mỗi tuần tổng cộng khoảng 6 lon bia hay 1/2 chai rượu mạnh (1 điểm)

• Mỗi tuần tổng cộng hơn 6 lon bia hay 1/2 chai rượu mạnh (2 điểm)

• Mỗi ngày tổng cộng hơn 4 lon bia hay 1/4 chai rượu mạnh (3 điểm)

 10. Bạn mỗi tháng phải nghỉ việc mấy ngày?

• Không nghỉ ngày nào (0 điểm)

• Dưới 2 ngày (1 điểm)

• Khoảng 3-4 ngày (2 điểm)

• Trên 4 ngày (3 điểm)

Nếu kết quả dưới 18 điểm: Bạn chưa phải vét hầu bao cho thuốc tăng lực vì sức đề kháng của bạn vẫn còn chiếm kèo trên. Nhưng đừng vì thế mà xem thường “ hội chứng mệt mỏi kinh niên”. Nên dựa vào các câu đã mang về 2 hay 3 điểm để kịp thời phòng cháy thay vì đợi lửa cao rồi chữa cháy không kịp.

Nếu kết quả trong khoảng 18-24 điểm thì “hội chứng mệt mỏi kinh niên” đã ở thế thượng phong dù bạn có thể vẫn còn tự tin theo kiểu “ông đây sức mấy mà bệnh!”. Đã đến lúc bạn phải cương quyết thay đổi nhiều điểm trong nếp sinh hoạt thường ngày trước khi quá trễ.

Nếu kết quả trên 24 điểm: Bạn đang trong vòng vây “thập diện mai phục” của “hội chứng mệt mỏi kinh niên”. Bạn cần gấp bàn tay hỗ trợ của thầy thuốc biết rõ về tai hại của stress và hiểu sâu về cách đánh thức sức đề kháng. Đã đến lúc giải pháp không thể nằm ngoài kiến thức của thầy thuốc và ý thức của bạn. Thiếu một trong hai nắm chắc phần thua. Ly nước đã đầy rót thêm hỏi sao không tràn!

Trẻ hay ốm vặt và căn bệnh nguy hiểm điều trị hết tiền tỷ

Em Nguyễn Minh Hải năm nay 17 tuổi, được điều trị tại BV Nhi Trung ương gần 10 năm. Ngay từ khi mới 2 tuổi, Hải đã liên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo BS Lương Lễ Hoàng (Pháp luật TPHCM)
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN