Chuyện về “bà đỡ mát tay” được Thủ tướng tặng bằng khen
Chị Phan Thị Thanh Cần là một trong những nữ y sĩ đầu tiên được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Thầy Thuốc ưu tú”. Năm 2015 chị được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen.
Chị Phan Thị Thanh Cần
Bà đỡ mát tay
Chị Cần đã có hơn 30 năm công tác tại trạm y tế xã Thọ Ninh, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Trạm y tế của chị là một trong ít ỏi trạm y tế xã được đầu tư máy siêu âm, điện tim và các xét nghiệm lâm sàng khác. Hàng ngày có hàng trăm lượt bệnh nhân tới thăm khám và kiểm tra sức khỏe tại đây.
Nói về công tác của mình tại địa phương, chị Cần tâm sự, để người bệnh có lòng tin đến với mình thì trước hết mình phải tạo niềm tin với họ. Có lẽ vì thế những người dân quanh vùng đều ân cần gọi chị bằng cái tên “cô Cần mát tay”.
Chị Cần không nhớ nổi mình đã đỡ cho bao nhiêu ca sinh đẻ quanh xã. Có những gia đình chị đỡ đẻ cho cả hai thế hệ. Thế hệ nhỏ lớn lên đi lập gia đình khi sinh đẻ họ lại tìm đến chị gửi gắm. Nhiều lần chứng kiến những ca sinh khó khiến chị cũng nghẹt thở theo.
Trong số những ca mình đã đỡ đẻ, chị Cần kể về cháu gái năm nay đã học lớp 8. Năm ấy chị Cần bị tai nạn vỡ xương bánh chè nên không đỡ đẻ được mà chỉ hướng dẫn các đồng nghiệp trong trạm của mình đỡ. Ngôi thai ngược, cháu bé đưa hai chân ra trước. Khi kéo được cháu bé ra ngoài toàn thân cháu bé nhợt nhạt, không khóc như những đứa trẻ trước, thân không ấm. Lúc ấy, các y tá khác lo cho người mẹ còn y sĩ Cần dù chân rất đau chị cũng cố gắng hô hấp cho cháu bé.
“Đứa trẻ trắng bệch, gương mặt rất xinh và mình biết cháu khó có thể qua được nếu không được cấp cứu. Lúc ấy, tôi đã cố gắng hô hấp cho cháu bé từ hà hơi thổi ngạt rồi làm đủ cách. Mất gần hai tiếng, cháu bé mới khóc lại được. Lúc ấy, mọi người thở phào vì cháu bé đã sống. Cả gia đình cháu và các y bác sĩ của trạm y tế mừng rơi nước mắt. Đến nay, cháu bé lớn khỏe mạnh, đã học lớp 8. Mỗi lần nhìn thấy cháu bé đó, tôi thấy hạnh phúc vô bờ” - Chị Cần nhớ lại.
Chị Cần kể, chị gặp nhiều ca đẻ ngược. Có những ca khi chị tới thì chân các bé đã thò ra ngoài rồi. May mắn, các ca đều an toàn, không có biến chứng sản khoa nào. Mỗi ca qua được là chị cũng thót tim theo.
Có ca sinh đôi, khi họ đến trạm chị mới biết song thai, chị giới thiệu lên tuyến trên. Chưa kịp chuẩn bị đi thì cơn co tử cung đến liên tục. Trạm trực ban đêm có mình chị Cần. Chị không kịp gọi người hỗ trợ mà mải mốt đỡ cho sản phụ. Đỡ xong một bé, không kịp cắt rốn, chỉ cuốn bé trong một cái chăn rồi đỡ tiếp bé thứ hai. Từ thời điểm sản phụ bước vào cửa phòng đẻ đến khi đón được 2 em bé ra đời chỉ có 15 phút .
Có lẽ vì chị Cần mát tay nên bà con trong vùng ai cũng yêu thương, tin tưởng. Hiện nay, người dân ít đến trạm y tế sinh hơn trước nhưng cái tiếng cô Cần mát tay vẫn được các thế hệ người dân ở địa phương nhắc tới.
Vượt qua nỗi đau nhờ bệnh nhân
Chị Cần kể công tác tại trạm y tế phường chị được dân yêu, người bệnh quý mến. Mỗi khi đến thôn xóm tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh, bà con lại mời chị vào nhà uống chén nước rồi chỉ trỏ những đứa trẻ, thậm chí có người đã lên bố, lên mẹ rằng ngày xưa chính tay chị đỡ, cắt rốn, chị Cần lại thấy vui vì mình đã góp sức nhỏ bé mang lại niềm vui cho các gia đình.
Nói về cuộc sống riêng của mình, chị Cần chia sẻ, chị gặp rất nhiều biến cố. Đặc biệt năm 2008, con gái của chị lúc ấy đang học lớp 12 thì được bác sĩ chẩn đoán ung thư phế quản giai đoạn 1B. Lúc ấy, cuộc sống của chị tưởng chừng như sụp đổ thì người chồng là chỗ dựa cho mẹ con chị lúc ấy đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông. Nỗi đau chồng chất nỗi đau vì cách đó không lâu cháu ruột của chị cũng vừa mất vì bị nhiễm trùng máu tại TP.HCM.
Nhớ lại quãng thời gian liên tục xảy ra những biến cố khủng khiếp, chị Cần rưng rưng “tôi rơi vào trạng thái mệt mỏi, không gượng nổi. Dù thương các con, biết mình phải cố gắng nhưng cứ nghĩ đến những tháng ngày sau lại chùn chân, rơi rụng sức lực. May mắn, được sự quan tâm của đồng nghiệp, của bệnh nhân họ cứ động viên tôi. Họ sốt, ốm đau cảm mạo lại đến nhờ tôi khám cho rồi kèm vào đó là những lời động viên khéo để tôi vượt qua nỗi đau, gắng gượng cùng mọi người”.
Trong tâm khảm chị lúc ấy nhen nhói lên ngọn lửa sức mạnh bởi chị nghĩ mình mà quỵ ngã thì con cháu rồi người thân sẽ ra sao. Nhất là sự tin tưởng của bà con quanh vùng. Chị đã cùng con gái chiến đấu với bệnh ung thư rồi xây dựng gia đình cho người con trai. Nỗi đau như bát nước nguội dần. Đến nay chị Cần đã trở thành bà nội và người con gái của chị từng bị ung thư nay đã khỏi, cháu sắp lên xe hoa về nhà chồng. Với người mẹ, đó là niềm hạnh phúc, an ủi nhiều nhất.
Với những thành tích trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, Y sĩ Phạm Thị Thanh Cần đã được nhận 1 bằng khen của Liên Đoàn lao động tỉnh Khánh Hòa, 7 Bằng khen của UBND tỉnh, 2 bằng khen của Bộ Y tế, 1 bằng khen Tỉnh ủy Khánh Hòa. Năm 2009 được Chủ tịch nước tặng danh hiệu “Thầy Thuốc ưu tú”, năm 2015 được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen. Tại đại hội thi đua yêu nước ngành Y tế lần thứ 6, chị được Bộ Y tế vinh danh trao tặng bằng khen.