Choáng với phương pháp lấy kim chích nặn máu độc để trẻ "hay ăn chóng lớn"

Sự kiện: Sống khỏe

Chích đẹn, theo trong quan niệm dân gian đây là cắt lễ để bé lớn nhanh, phương pháp chữa bệnh hiệu quả, an toàn mà không phải tốn tiền và công sức quá nhiều bằng cách chích nặn máu.

Theo truyền miệng từ xưa, chích đẹn là phương pháp dùng các vật sắc nhọn như que kim, chích lên trán và cơ thể trẻ sơ sinh để chữa bệnh. Sau khi chích xong, “thầy lang” sẽ bóp ra một lượng máu (gọi là máu độc, có màu đen) ra khỏi cơ thể bé.

Người lan truyền thông tin trên mạng xã hội cho rằng, bằng phương pháp này, các bé sẽ tránh được bệnh tật, ngủ ngon, ăn tốt và “lớn nhanh như thổi”.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng kinh nghiệm dân gian cho lễ đẹn, chích đẹn đều không tốt, thậm chí còn có hại cho trẻ sơ sinh.

Đã có nhiều trường hợp cha mẹ phải ân hận nhìn con đau mà không có cách nào can thiệp vì lỡ tin “dân gian”. Điển hình như trường hợp một bệnh nhi nhà ở Tây Ninh được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) trong tình trạng tri giác lơ mơ, da xanh tái, phần lưng có nhiều vết cắt lể vẫn còn chảy máu.

Gia đình cho biết, bé thường khóc đêm nên bà cháu nghĩ đến việc cắt lể để cháu hết khóc đêm. Thầy lang đã mạnh tay dùng dao lam cắt những vết sau lưng cho bé, nặn máu độc ra với mong muốn để giải thoát  tình trạng khóc đêm cho bé. Chuyện khóc đêm không những không được cải thiện mà còn làm cho cháu bà thêm khóc nhiều vì đau, nhiễm trùng do vết thương bị cắt ở lưng.

Choáng với phương pháp lấy kim chích nặn máu độc để trẻ "hay ăn chóng lớn" - 1

Trên mạng xã hội, nhiều mẹ băn khoăn chia sẻ về việc chích nặn đẹn cho con. 

Các bác sĩ xác định bé đã rơi vào tình trạng xuất huyết não. Bé được truyền bù máu, điều trị chống nhiễm trùng vết cắt lể và theo dõi tình trạng xuất huyết não.

Theo các bác sĩ, cắt lể cho trẻ là điều không nên vì rất dễ bị mất máu hoặc nhiễm trùng máu. Hầu hết những dụng cụ khi cắt lể người dân dùng cho trẻ chưa được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng. Chính điều này đã vô tình mang vi trùng từ bên ngoài vào đường máu của bệnh nhân. Do đó chuyện viêm nhiễm đường máu là rất dễ gặp. Nếu không phát hiện kịp thời, trẻ có thể tử vong.

Ths.BS Dương Văn Tâm - Trưởng Khoa Điều trị Liệt vận động - Ngôn ngữ Trẻ em (Bệnh viện Châm cứu Trung ương)cho biết đây là một phương pháp truyền tai, đồn thổi và chưa được chứng minh khoa học. Đặc biệt, tại Việt Nam, nếu phương pháp nào chưa được Bộ Y tế cấp phép và phê duyệt thì không sử dụng trong điều trị. Việc chích đẹn chữa bệnh cho trẻ như vậy tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa mà các phụ huynh không lường trước được. Điển hình trong đó phải kể đến việc mũi kim dùng để chích không được khử trùng, vệ sinh kỹ càng và không được vô khuẩn. Chính vì vậy, khi chích trẻ sẽ rất dễ bị nhiễm trùng, nguy hiểm hơn có thể gây ra nhiễm trùng máu, rối loạn đông máu, nguy hiểm tới tính mạng. 

Bác sĩ Tâm cảnh báo các bậc cha mẹ tuyệt đối tỉnh táo trước các kinh nghiệm chữa bệnh theo kiểu chữa mẹo hay truyền miệng. Trong đó, phải dừng ngay hoặc tuyệt đối không cho trẻ đi "chích đẹn" để tránh những biến chứng nguy hiểm sau khi chữa bằng phương pháp này.

“Mọi phương pháp chữa bệnh đều phải chứng minh bằng cơ sở khoa học và được cấp phép mới được sử dụng trong y học. Các phụ huynh nên đặt niềm tin vào y học hiện đại.

Khi phát hiện con em có biểu hiện bất thường về sức khỏe, cách tốt nhất là nên đưa trẻ đến bệnh viện, cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám và điều trị, tránh nghe chuyện đồn thổi rồi tiền mất, tật mang”, bác sĩ Tâm khuyến cáo.

Để trẻ không bị liệt mặt, méo miệng vì trời rét, cha mẹ cần chú ý điều này

Nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng không ngậm chặt được miệng, một mắt nhắm không kín, cười miệng méo xệch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Chi ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN