Cảm động hình ảnh "ông ngoại" của phòng dưỡng nhi
Một giảng viên đại học về hưu đã dành những năm tháng rảnh rỗi của mình để hỗ trợ bác sĩ cứu mạng trẻ sinh non.
Ông David Deutchman (82 tuổi) vẫn có vài lời mời giảng dạy tại các trường đại học sau khi nghỉ hưu, với chuyên ngành marketing quốc tế của mình. Tuy nhiên, ông đã nhận làm tình nguyện viên tại Bệnh viện Children's Healthcare of Atlanta (Georgia, Mỹ). Mọi người gọi ông là "ICU Granpa", tức "ông ngoại" của đơn vị hồi sức tích cực sơ sinh NICU.
Ông Deutchman và một em bé non tháng, cần có vòng ôm của người lớn. Ảnh: PEOPLE
Các nghiên cứu y học từ nhiều nước đã chứng minh những em bé non yếu từ khi mới sinh, đặc biệt là các bé sinh thiếu tháng, nhẹ cân, rất cần vòng tay và sự tiếp xúc thân thể với người lớn, đặc biệt là mẹ. Vòng ôm từ một cơ thể sống có thể có hiệu quả hơn bất cứ chiếc lồng ấp hiện đại nào.
Tuy nhiên, không phải lúc nào người mẹ cũng có thể túc trực bên con. Nhiều sản phụ có con non yếu cũng vừa phải trải qua một ca sinh nguy hiểm, phải được săn sóc y tế đặc biệt. Nhiều người có những đứa con khác phải chăm sóc, trong khi họ là bà mẹ đơn thân… Mô hình gia đình tại Mỹ cũng không cho phép sản phụ nhận được sự "cứu viện" từ cha mẹ, ông bà như các nước Á Đông.
Lý do sẵn sàng bỏ giảng đường để làm tình nguyện viên của ông Deutchman khá đơn giản. Ngày đó, một người mẹ bước ra khỏi phòng dưỡng nhi và rất buồn bã. Cô nhào vào lòng ông – một người xa lạ - và khóc. Con trai cô được đưa đến bệnh viện vào hôm trước, trong tình trạng hết sức tồi tệ. Cô không có người thân và có một đứa con gái nhỏ khác cần trông nom ở nhà. "Bấy giờ tôi biết tôi muốn làm gì ở bệnh viện" – ông nói.
Công việc của người đàn ông 82 tuổi không những cứu mạng nhiều đứa trẻ mà còn khiến ông rất hạnh phúc - Ảnh: PEOPLE
Việc đứa trẻ sơ sinh non yếu được ôm ấp rất quan trọng. "Điều đó chắc chắn sẽ giúp các bé cảm thấy thoải mái và ấm áp, phát triển nhanh hơn, ăn uống tốt hơn. Nó cũng kích thích quá trình tiêu hóa của trẻ sơ sinh vận hành tốt hơn, tương tự với các hệ cơ quan khác" - bà Elizabeth Mittiga, một y tá NICU chuyên nghiệp tại Children's Healthcare of Atlanta, giải thích.
Nhiều đứa bé vốn không có tiên lượng tốt sau những ngày tháng được ông Deutchman chăm sóc đã có thể về nhà khỏe mạnh. Theo ông, điều ấy thật kỳ diệu. Việc ôm ấp các đứa bé cũng làm ông thấy dễ chịu hơn.
Tại Việt Nam, phương pháp dùng chính vòng tay người lớn để chăm sóc trẻ non tháng, nhẹ cân cũng được áp dụng tại một số đơn vị dưỡng nhi. Đơn cử, tại Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Từ Dũ, phương pháp "kangaroo" được áp dụng rộng rãi. Phương pháp ấy đơn giản là người lớn sẽ ôm đứa bé thường xuyên, tốt nhất là "da kề da", tức ôm bên trong áo.
Các bé được áp dụng kangaroo nhanh chóng ổn định nhịp tim và sự vận hành các hệ cơ quan khác, tăng cân tốt hơn cả trẻ được chăm sóc bằng lồng ấp. Mô hình gia đình ở Việt Nam đem lại nhiều lợi thế: các trường hợp người mẹ không thể trực tiếp chăm sóc con, bác sĩ thường yêu cầu sự trợ giúp của người nhà, ví dụ như cha, ông bà nội – ngoại và các người thân khác.
Ngày 02/10/2017, tại Viện Huyết học - Truyền máu TW, GS. Nguyễn Anh Trí đã tham gia buổi chào cờ cuối cùng trước khi chia tay...