Bị chuột cắn bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu

Sự kiện: Sống khỏe

Nghĩ do sốt virus, anh M (40 tuổi, Hưng Yên) tự mua thuốc về uống nhưng 2 ngày vẫn không thấy đỡ. Đi khám, anh M. được chỉ định nhập viện do mắc bệnh sodoku do chuột cắn.

Nằm điều trị 5 ngày tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), anh M. không thể tin nổi mình bị chuột cắn cũng cần nhập viện.

Trước đó, ở nhà anh M. bị chuột cắn vào ngón chân, chỉ rớm máu nên không nghĩ có gì nghiêm trọng. Thế nhưng sau 1 tuần, anh thấy ngón chân bị chuột cắn sưng đỏ, sốt, người khi nóng bừng bừng khi lạnh run. Nghĩ do sốt virus, anh tự mua thuốc về uống nhưng 2 ngày vẫn không thấy đỡ. Đi khám, anh được chỉ định nhập viện do mắc bệnh sodoku do chuột cắn. 

Sốt do chuột cắn, gọi là bệnh sodoku, được biết đến từ lâu, nguyên nhân do một loại xoắn khuẩn có tên là Spirillum minus.

Bị chuột cắn bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu - 1

Ảnh minh họa

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, khi bị nhiễm bệnh, chỗ bị chuột cắn sẽ sưng đỏ, sốt, sưng hạch… Không được chẩn đoán, điều trị kịp thời hạch càng sưng to, có thể nôn, buồn nôn, đau khớp, nặng có thể dẫn đến viêm khớp, viêm màng não, tình trạng sốt có thể kéo dài vài tháng. Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%.

Mỗi năm Bệnh viện tiếp nhận khoảng 10-20 ca bị sodoku do chuột cắn; khởi đầu vết cắn đơn giản nên nhiều người bệnh không để ý. Phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì chữa rất dễ dàng, chỉ cần sử dụng kháng sinh đơn giản, kháng sinh mạnh không có tác dụng. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn, việc điều trị hết sức phức tạp. Việc chẩn đoán bệnh phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm lâm sàng của bác sĩ.

Thời kỳ ủ bệnh thường từ 5 ngày đến 4 tuần. Khởi phát đột ngột với biểu hiện sốt cao, ớn lạnh, sốt thành từng cơn, sốt không có tính chu kỳ, xen kẽ là thời kỳ không sốt. Bên cạnh đó có thể nổi xuất huyết. Ở chỗ bị cắn, các tổn thương ngoài da có thể tự khỏi, nhưng bên trong có thể bị hoại tử và có phản ứng của hạch khu vực. Bệnh nhân có thể có các biểu hiện đau cơ, đau khớp và thường diễn biến dẫn tới viêm khớp.

Trong những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể có các dấu hiệu của hệ thống thần kinh: đau đầu, ảo giác, mê sảng dẫn đến hôn mê. Nếu bệnh nhân không được điều trị, bệnh kéo dài thường 1 đến 2 tháng và gây ra tỷ lệ tử vong khoảng 6 đến 10%.

Ngoài ra, người bị chuột cắn còn có thể mắc căn bệnh sốt do chuột cắn, là một bệnh lý khá hiếm gặp, gây nhiễm trùng toàn thân.

Các triệu chứng của bệnh sốt do chuột cắn có biểu hiện đột ngột với triệu chứng sốt cao, đau cơ, đau khớp, buồn nôn, nôn, đau đầu sau đó thường có nổi ban ở các chi, vùng trên thân người. Viêm đa khớp có thể xuất hiện ở một nửa số bệnh nhân. Các biến chứng có thể là viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi và suy đa tạng.

Vì thế, để phòng bệnh, người dân nên tránh bị chuột cắn phải. Khi bắt chuột thì không dùng tay trần mà phải đeo găng dày.

Bên cạnh đó, cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, tránh để đồ đạc ẩm thấp, bừa bãi làm nơi chuột trú ngụ, sinh sản. Khi ngủ, nên chèn màn chặt kín 4 góc giường ngăn ngừa không cho chuột chui vào cắn. Nếu không may bị chuột cắn thì nên rửa sạch bằng nước muối, thuốc sát trùng, nước xà phòng, sau đó đến bệnh viện để được khám và tư vấn kịp thời.

Ấn Độ: Bé 10 ngày tuổi bị chuột cắn chết trong bệnh viện

Một bé trai 10 ngày tuổi đã bị chuột cắn chết ngày 26.8, trong khi đang điều trị tại một bệnh viện công ở thành phố...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN