Bệnh xá giữa trùng khơi
Bệnh xá trên đảo Trường Sa Lớn thực sự là điểm tựa giúp quân, dân yên tâm bám biển, sinh sống và làm việc trên đảo.
Một ca cấp cứu tại Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn ngày 25/9 - Ảnh: Thiện Anh
Bệnh xá giữa biển khơi
Cơn ho rũ rượi cộng thêm những cơn sốt cảm khiến tôi hoa mắt, chóng mặt từ mấy hôm trước còn đang ở trên tàu Hải Đăng 05, dù được nhà tàu cấp thuốc kháng sinh nhưng vẫn không khỏi. Tàu cập đảo Trường Sa Lớn, đồng chí Chính trị viên Nguyễn Văn Tuấn thấy tôi có vẻ mệt mỏi, cười hiền bảo: “Nhà báo cứ yên tâm, trên đảo có bác sỹ giỏi lắm sẽ chữa dứt điểm nhanh thôi”. Bệnh xá đảo nằm dưới tán mấy cây bàng khá yên tĩnh. Khác với lúc ở trên tàu Hải Đăng 05 từng cuộn gió biển táp vào người lồng lộng, ở trên đảo gió nhẹ xạc xào lá, se lạnh như mùa thu ở đất liền. Đồng chí Chính trị viên “bàn giao” tôi cho Bác sỹ Chuyên khoa I, Đại úy Trương Đức Cường, Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn không quên “quảng cáo”: “Đây là bác sỹ giỏi nhất của đảo. Nhà báo chỉ cần vài viên thuốc là lại khỏe ngay”.
Bác sỹ Cường khám, soi họng tôi khá kỹ rồi chẩn bệnh: “Viêm xoang, viêm họng cấp, đề nghị không tiếp tục ngủ trên boong tàu nữa, phải ngủ trong phòng kín gió. Uống thuốc theo đơn đầy đủ nhé”. Rồi bác sỹ Cường cấp cho tôi mấy vỉ thuốc đặc trị yêu cầu uống ngay để dịu bệnh.
Tại khu vực Trường Sa, ngoài các cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ còn có công nhân làm việc ở các trạm hải đăng, trạm khí tượng hải văn, người dân sống trên đảo, lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải và đặc biệt là rất nhiều ngư dân đánh bắt hải sản trên biển. Chính vì có bệnh xá đảo Trường Sa Lớn nên các chiến sỹ, công nhân, ngư dân và người dân yên tâm khi làm việc trên biển. |
Và quả thật sáng hôm sau khi ngủ dậy, cổ họng bớt đau, người đỡ sốt, cơn đau ở hốc mũi cũng đỡ nhiều khiến tôi khỏe khoắn hơn. Tôi gặp bác sỹ Cường để cảm ơn, hỏi chuyện mới biết anh ra đây công tác theo chương trình luân chuyển y, bác sỹ hàng năm của Bệnh viện Quân y 175. Mới ra đảo được vài tháng nhưng anh đã quen với công việc.
“Gần như ngày nào cũng có bệnh nhân đến cấp cứu, khám và điều trị. Ngoài khám bệnh cho quân, dân, công nhân trạm hải đăng trên đảo Trường Sa Lớn, bệnh xá còn khám cho bà con ngư dân. Trung bình mỗi tháng khoảng 200 - 300 bệnh nhân”, bác sỹ Cường nói rồi dẫn tôi đi thăm bệnh xá. Dù ở đảo, nhưng bệnh xá được trang bị những thiết bị y tế hiện đại với máy siêu âm, chụp X quang, xét nghiệm máu tại chỗ. Trường hợp nào nặng vượt khả năng điều trị của bệnh xá mới phải hội chẩn qua truyền hình trực tiếp với Bệnh viện Quân y 175.
Câu chuyện đang dang dở bỗng có một trường hợp vào cấp cứu. Bệnh nhân là Lê Giang Thành, SN 1992, quê ở Thanh Hóa, làm việc trên một tàu đánh bắt hải sản ở khu vực Trường Sa, có biểu hiện đau bụng từ đêm hôm trước. Cơn đau dai dẳng khiến thủy thủ đoàn quyết định đưa bệnh nhân lên đảo cấp cứu. Bác sỹ Lê Thanh Liêm trực tiếp siêu âm, xét nghiệm máu cho bệnh nhân cho biết, thông thường nhiều ngư dân cũng hay lên bệnh xá khám, chữa bệnh và xin thuốc. “Sau khi khám, lần sau trở lại, nhiều người còn mang theo cá, mực biếu anh em bác sỹ khiến chúng tôi rất cảm động”, bác sỹ Liêm chia sẻ.
Những người được cứu từ “cửa tử”
Theo biên chế, bệnh xá đảo Trường Sa Lớn có ba bác sỹ chuyên khoa ngoại, cấp cứu và khoa nội. Bác sỹ Cường cho biết thêm, những ca nặng sẽ hội chẩn trực tiếp từ đất liền nên dù lượng bệnh nhân đến khám khá đông, nhưng công việc cũng không đến nỗi quá tải. Thông thường, ngư dân hoạt động trên biển và cả quân nhân trên đảo hay gặp các dạng bệnh như ở đất liền. Tuy nhiên, do tính chất đi biển có khi phải mất nhiều thời gian mới đến được đảo nên những bệnh nhẹ lại bị nặng hơn. Nguy hiểm nhất là bệnh viêm ruột thừa và tai biến, đột quỵ.
Bác sỹ Cường nhớ lại những ngày đầu tiên mới ra đảo cách đây 5 tháng. Ngay đêm đầu tiên tiếp nhận nhiệm vụ ở bệnh xá, anh đã xử lý hai ca cấp cứu nặng. Trường hợp ngư dân tên Lợi, làm việc trên một tàu cá, bị viêm ruột thừa cấp ở giờ thứ 30. Bệnh này khi ở đất liền xử lý rất dễ, có thể mổ nội soi, nhưng do đang đi biển nên bệnh nhân đến đảo muộn. Các bác sỹ sau khi hội chẩn kỹ lưỡng đã quyết định mổ mở để cứu bệnh nhân. Dù tự tin vào kinh nghiệm của mình, nhưng bác sỹ Cường vẫn lo lắng trong lần cứu người đầu tiên ở môi trường mới. Nhưng rồi mọi việc cũng suôn sẻ. Ca mổ kết thúc thành công lúc 2h sáng.
Chưa kịp nghỉ ngơi, khoảng 4h sáng, các bác sỹ lại tiếp nhận một bệnh nhân khác đang làm việc trên tàu kiểm ngư, cũng bị viêm ruột thừa ở giờ thứ 42. Đây là trường hợp rất nặng và nguy kịch, có biểu hiện vỡ, nhiễm trùng. Một mặt ê-kíp chuẩn bị mổ cấp cứu cho bệnh nhân, một mặt báo cáo hội chẩn với lãnh đạo Bệnh viện 175. Cấp trên đồng ý chuyển bệnh nhân vào bờ bằng máy bay trực thăng, nhưng sau khi hội chẩn lần cuối, bệnh nhân được giữ lại mổ tại bệnh xá.
“Ca phẫu thuật hôm đấy kéo dài hơn hai tiếng đồng hồ. Vết mổ lớn và muộn, nguy cơ nhiễm trùng cao. Bệnh nhân không có người nhà chăm sóc, nên các y, bác sỹ phân công nhau chăm sóc bệnh nhân giai đoạn hậu phẫu, từ việc đánh răng cho đến các sinh hoạt khác. Thật mừng là sau ba ngày, bệnh nhân khỏe dần lên. Anh em vui lắm, bao nhiêu mệt mỏi đều tan biến”, bác sỹ Cường kể.
Có một bệnh nhân khiến các bác sỹ ở bệnh xá trên đảo nhớ và day dứt mãi. Đó là lần cấp cứu cho ngư dân Phùng Bá Hưng, quê Quảng Ngãi, được chẩn đoán đuối nước và chấn thương sọ não hồi tháng 8. Bác sỹ Cường nhớ lại, ban đầu khi vớt lên nạn nhân trong tình trạng hôn mê, mạch không ổn định, nước trong phổi nhiều, lơ mơ... Bệnh nhân được cấp cứu tích cực hai ngày nhưng chuyển biến không tốt. Các bác sỹ quyết định hội chẩn và chuyển bệnh nhân bằng máy bay về Bệnh viện Quân y 175. Bệnh nhân sau đó được cấp cứu điều trị tích cực nên dần hồi tỉnh.
Ngư dân Lê Giang Thành cho biết, những lần đau ốm khi đang đi biển, anh em thủy thủ lại lên đảo khám bệnh và xin thuốc. Các bác sỹ ở đảo nhiệt tình, khám bệnh cẩn thận, dặn dò uống thuốc kỹ lưỡng và cả cách phòng, tránh bệnh tật trên biển. Thuyền viên xa nhà cả mấy tháng trời, lênh đênh trên biển như thế, cũng may ở đảo có các bác sỹ nên yên tâm bám biển.
Còn ông Vũ Duy Minh, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Trường Sa Lớn tâm sự, công nhân gác đèn biển như chúng tôi xa gia đình cả nửa năm trời, khi bệnh tật, đau ốm đã có các bác sỹ ở bệnh xá nên hoàn toàn yên tâm làm việc, yên tâm gác đèn khẳng định chủ quyền biển đảo đất nước.