Bệnh nhân tâm thần: Quản lý "què quặt"

Sự kiện: Bệnh thần kinh

Nếu hết 45 ngày mà bệnh tình chưa dứt thì bệnh nhân tâm thần vẫn phải xuất viện trở về nhà hoặc chuyển đến một trung tâm bảo trợ xã hội của địa phương (nếu có) - bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TƯ I cho biết.

Chỉ được ở viện 45 ngày dù bệnh nặng

Theo số liệu điều tra người tâm thần năm 2010 của Bộ Y tế, hiện cả nước có tới 60.000 người tâm thần đi lang thang. Nguy hiểm hơn là có tới 94.000 người có hành vi nguy hiểm đến cộng đồng. Con số này đến năm 2011, 2012 đã tăng lên.

Lý giải nguyên nhân trên, bác sĩ La Đức Cương cho biết, hiện mạng lưới bệnh viện tâm thần chỉ quản lý những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần phân liệt vì đây là dạng bệnh nặng, được Nhà nước giao quản lý, cấp thuốc miễn phí.

Bệnh nhân tâm thần: Quản lý "què quặt" - 1

Nếu hết 45 ngày mà bệnh tình chưa dứt thì bệnh nhân vẫn phải xuất viện. Ảnh: Hoàng Sơn

Còn những bệnh tâm thần dạng khác như: trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi, sa sút tinh thần, kích động do loạn thần vì uống rượu, chậm phát triển tâm thần… vẫn chưa quản lý được.

Không những thế, bệnh viện chỉ có thể quản lý được những bệnh nhân đã đến khám bệnh, có bệnh án tại bệnh viện. Còn những người mắc bệnh vẫn ở trong cộng đồng thì không thể.

Theo quy định của Viện Tâm thần TƯ I, trước đây, thời gian nằm viện của bệnh nhân mỗi đợt không quá 90 ngày, nhưng đến nay, do điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện cũng như số bệnh nhân nhập viện tăng liên tục, nên thời gian thực tế chỉ còn 45 ngày.

Vì thế, nếu hết 45 ngày mà bệnh tình chưa dứt thì bệnh nhân vẫn phải xuất viện về nhà hoặc chuyển đến một trung tâm bảo trợ xã hội của địa phương (nếu có).

Bệnh nhân tâm thần: Quản lý "què quặt" - 2

Bác sĩ La Đức Cương: "Nói như thế, không phải chúng tôi bỏ mặc người bệnh".

Ông Cương cho biết thêm, hiện Bệnh viện Tâm thần TƯ I đã xây dựng và trình lên Bộ Y tế một văn bản hướng dẫn điều trị tâm thần, trong đó quy định một số hành vi nguy hiểm bắt buộc người tâm thần phải đi viện điều trị.

“Nếu hướng dẫn này được phê duyệt thì bệnh viện và lãnh đạo địa phương mới có một “cái gậy” để căn cứ vào đó, buộc người tâm thần phải đi điều trị tập trung, cho dù người nhà có đồng ý hay không. Điều này sẽ hạn chế được nguy hiểm cho cộng đồng”.

Cần mở thêm mạng lưới chữa tâm thần ở địa phương

Đồng tình với quan điểm của bác sĩ La Đức Cương, PGS.TS Trần Hữu Bình - Nguyên viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần cho rằng, trong tương lai, cần phải thiết lập thêm mạng lưới bệnh viện tâm thần ở các tỉnh, tổ chức thêm các khoa tâm thần trong các bệnh viện đa khoa tỉnh.

Hiện nay, số người bị rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng, trong khi đó, số người chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng giảm đi.

Vì thế, việc quản lý người bệnh tại cộng đồng chủ yếu phụ thuộc vào gia đình, mà quản lý tại gia đình thì phải có nhân viên hiểu biết về sức khỏe tâm thần giúp đỡ.

Thực tế, hiện các gia đình người bệnh vẫn tự xoay xở, tự quản. Có thể nói, việc quản lý người tâm thần ở cộng đồng vẫn còn "què quặt".

Bệnh nhân tâm thần: Quản lý "què quặt" - 3

PGS.TS Trần Hữu Bình -Nguyên viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần

Theo PGS.TS Trần Hữu Bình, việc quản lý bệnh nhân tâm thần, đầu tiên vẫn là trách nhiệm của phường, xã, địa phương.

Cần có những quy hoạch cụ thể tới từng địa bàn dân cư, thôn xóm. Chính quyền địa phương phải quản lý những người bị tâm thần đã được viện đưa về địa phương, phải có trách nhiệm buộc người bị tâm thần đi viện điều trị, không để những người mắc bệnh tự do nhởn nhơ, gây hại cho cộng đồng.

Đưa người tâm thần đi chữa bệnh, bác sĩ còn bị kiện

"Bây giờ, chúng tôi chỉ đến tận nơi đưa bệnh nhân tới viện khi bản thân bệnh nhân đó có hành động liên quan đến luật pháp, cần giám định pháp y" - bác sĩ La Đức Cương, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TƯ I cho biết.

Cách đây không lâu, có trường hợp hai bác sĩ trong TP.HCM từng bị bệnh nhân kiện, do các bác sĩ này đã đến nhà đưa bệnh nhân đến viện điều trị theo yêu cầu của người nhà.

Thế nhưng, bệnh nhân này khăng khăng rằng anh không bị bệnh và đã đâm đơn kiện bác sĩ khắp nơi. Dù không phải trực tiếp ra tòa, nhưng suốt thời gian đó, hai vị bác sĩ cũng đã khốn khổ vì những phiền toái mà bệnh nhân mang đến.

Vì thế, bây giờ, gia đình người bệnh gọi điện thoại nhờ các bác sĩ đến nhà trợ giúp để chuyển bệnh nhân đang lên cơn kích động đến viện điều trị, bệnh viện cũng e ngại.

"Nói như thế, không phải chúng tôi bỏ mặc người bệnh. Cái chúng tôi mong muốn là trong thời gian tới, Việt Nam sẽ xây dựng được những quy định hướng dẫn điều trị và quản lý người bị tâm thần, để đảm bảo quyền lợi cho họ và cộng động".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Nguyên (Bee.net)
Bệnh thần kinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN