Bác sĩ và những cuộc thương thuyết với người nhà BN "xin về để… chết"
Mỗi lần đối diện với bệnh nhân nặng, không chỉ lo cấp cứu cho bệnh nhân mà nhân viên y tế còn phải "đấu tranh" với người nhà để họ không xin bệnh nhân về với mong muốn "chết ở nhà".
Một bệnh nhân đã khoẻ lại sau khi bác sĩ giải thích để người nhà không xin về.
Năn nỉ xin về... để chết
Tại khoa Cấp cứu A9 của Bệnh viện Bạch Mai, những ca bệnh nặng do đột quỵ, ngừng tuần hoàn rất nhiều. Đã vào đến khoa hầu như toàn bệnh nhân nặng nên không ít bệnh nhân điều trị không có tiến triển gia đình xin về. Hoặc có những bệnh nhân người nhà tưởng đã ngừng tim thì không thể sống được nữa nên xin về. Tuy nhiên, có nhiều kỳ tích đã xảy ra khi bệnh nhân được cứu sống.
Trường hợp của cụ ông N. D. L 71 tuổi, trú ở Hà Nội là một ví dụ. Ông L. có tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ 10 năm nay, có đi khám và điều trị ngoại trú thường xuyên.
Buổi sáng, bệnh nhân xuất hiện khó thở nhiều sau gắng sức, kèm theo có ho khạc đờm đục, không sốt, không đau ngực. Gia đình đưa bệnh nhân đi khám và nhập viện. Nhưng sau khi đi vệ sinh thì bệnh nhân đột ngột xuất hiện suy hô hấp và ngừng tuần hoàn.
Ngay lập tức, y bác sĩ đã tiến hành cấp cứu (ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng có oxy qua mask, tiêm thuốc adrenalin...), khoảng 5 phút sau thì tim đập lại, bệnh nhân được đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển xuống khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.
Tại đây, bệnh nhân được áp dụng các kỹ thuật mới, trong đó có hạ thân nhiệt và điều trị tiến triển. Ban đầu, người nhà bệnh nhân tưởng bệnh nhân không qua khỏi nên rất nhiều người đến xin về nhưng khi được bác sĩ giải thích thì họ yên tâm và kết quả là sau 7 ngày, bệnh nhân đã có thể nói chuyện được.
Trường hợp bệnh nhân T.V.D (nam, 53 tuổi) được bệnh viện đa khoa khu vực Hưng Hà, Thái Bình chuyển lên Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán: chảy máu dưới nhện.
Trước khi vào Khoa Cấp cứu A9 khoảng 9 giờ, bệnh nhân đột ngột hôn mê sâu, được gia đình đưa vào cấp cứu tại bệnh viện. Tại đây, bệnh nhân đã được đặt ống nội khí quản, thở máy,… chụp phim cắt lớp vi tính sọ não cho kết quả hình ảnh chảy máu dưới nhện, chảy máu não thất và giãn não thất cấp.
Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cùng ngày trong tình trạng hôn mê sâu (GCS 5 điểm), sốt cao 39 độ C, mạch 100 lần/phút, huyết áp 130/80 mmHg, không rõ liệt thần kinh khu trú, đồng tử hai bên đều (kích thước 2 mm, phản xạ với ánh sáng yếu), đã được đặt ống nội khí quản và thở máy.
Tình trạng của bệnh nhân được chẩn đoán nguy cơ tử vong rất cao. Lúc này, gia đình cũng rất hoang mang. Sau khi được bác sĩ giải thích về tình hình bệnh tật của người bệnh, và sau một thời gian ngắn thảo luận, gia đình đã thống nhất xin cho bệnh nhân về nhà để chết.
Bệnh nhân chỉ có điểm mạnh đó là mạch và huyết áp của bệnh nhân vẫn ổn định, đồng tử hai bên còn khá tốt. Các bác sĩ đã quyết định nói chuyện, khuyên răn và động viên gia đình để bệnh nhân lại điều trị, chấp nhận việc bệnh nhân có thể tử vong tại bệnh viện để có được cơ hội cứu sống bệnh nhân.
Với quyết định đó, sau khi mổ dẫn lưu não thất, ý thức bệnh nhân cải thiện rõ.
Tìm cơ hội sống sót từ điều nhỏ nhất
Thạc sĩ Lương Quốc Chính khoa A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, nếu những bệnh nhân này người nhà không hợp tác mà kiên quyết đưa bệnh nhân về thì khả năng cấp cứu được cho bệnh nhân rất thấp. Do vậy, đây là nỗ lực của cả bác sĩ và gia đình.
Hầu như ngày nào, các bác sĩ khoa A9 cũng tiếp xúc với ca bệnh nặng và nhiều ca được gia đình năn nỉ xin về nhưng với các bác sĩ phải hết sức cân nhắc.
Thạc sĩ Chính cho biết, trong hồi sức cấp cứu những trường hợp bệnh nặng, không chữa được, nguy cơ tử vong trong bệnh viện, thì tâm lý người Việt bao giờ cũng muốn xin người bệnh về để được chết tại nhà.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bệnh nặng, vẫn có khả năng hồi phục cho dù nhỏ nhất, nhưng gia đình vẫn nhất định xin về với lý do muốn mất ở nhà hay không có chi phí điều trị, khi đó nhân viên y tế bao giờ cũng nói chuyện, động viên và khuyên răn người nhà nên cố gắng.
Thậm chí có nhiều trường hợp nhân viên y tế giúp đỡ họ kết nối với các quỹ từ thiện, các tổ chức, các cá nhân… có lòng hảo tâm giúp đỡ cho gia đình có chi phí điều trị. Điều này hoàn toàn có thể làm được bởi vì không chỉ điều trị mà bác sĩ còn làm thêm công tác xã hội.
Chính vì thế, có không ít bệnh nhân từ cõi chết được trở về nhà. Đây là điều với bác sĩ là niềm vui còn với người bệnh và gia đình đó là một quyết định không phải lúc nào cũng dễ dàng.