Nhạc sĩ Thanh Bình: Cuộc đời không như tên gọi

Sự kiện: Sao Việt

Ông về với đất trời khi ước nguyện gặp lại con chưa thành…. Ông đã ra đi tìm sự thanh bình, bỏ lại cuộc đời bể dâu, chất chứa đau buồn

Không biết có phải là điềm báo trước hay không, ca sĩ Ánh Tuyết, người đã đi tìm ông và gần gũi với ông nhất trong những năm tháng cuối đời của ông, cho biết cả đêm đó chị không ngủ được. “Tự dưng tôi thấy nóng ruột, nằm thao thức mãi. Đến khoảng hơn 4 giờ ngày 23-5, tôi nhận được cuộc điện thoại của chị Phượng - cháu ruột ông - nói trong nước mắt: “Cậu đã đi rồi!”.

Một cuộc đời sóng gió

Biết bao người đã chìm đắm trong cảm xúc mỗi khi những câu hát khắc khoải như rút tâm can trong bài Tình lỡ mà chẳng hay biết tác giả của nó là ai. Mãi cho đến khi ca sĩ Ánh Tuyết có bài viết về cuộc đời ông, trước lần tổ chức đêm nhạc quyên góp giúp đỡ ông vào đầu tháng 1 năm nay, nhiều người mới biết đến nhạc sĩ Thanh Bình. Cuộc đời ông không hề “thanh bình” như tên gọi. Cả một đời, ông phải chôn chặt và cất giấu quá nhiều nỗi buồn tủi khi không có được một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc riêng trọn vẹn.

Nhạc sĩ Thanh Bình: Cuộc đời không như tên gọi - 1

Nhạc sĩ Thanh Bình và ca sĩ Ánh Tuyết (Ảnh do ca sĩ Ánh Tuyết cung cấp)

Trong đêm nhạc đầu tiên cũng là cuối cùng của đời mình, ông xúc động nói với Ánh Tuyết: “Cả đời tôi chưa bao giờ được ngồi xem đêm nhạc của mình như thế. Bây giờ có chết tôi cũng mãn nguyện rồi!”.

Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, khi Thanh Bình đã là nhạc sĩ, ông chỉ là nhạc công đi đàn dạo. Một lần, ông được bạn bè giới thiệu gặp đàn anh trong nghề để học hỏi. Ấn tượng của ông về Thanh Bình là “một chàng trai đẹp, hào hoa, phong nhã”. Ông chỉ dám đứng xa xa nhìn chứ không dám lại gần. Mãi một thời gian sau, 2 người quen biết nhau, coi nhau như anh em. Thanh Bình đã dạy ông rất nhiều về nghề. Nguyễn Ánh 9 không biết nhiều về đời tư của nhạc sĩ Thanh Bình vì lúc đó, Thanh Bình sống rất khép kín, ít khi chia sẻ chuyện riêng: “Có lẽ anh ấy gặp quá nhiều chuyện buồn trong cuộc sống nên giữ cho riêng mình”. Thanh Bình sáng tác ít, nổi tiếng nhất là ca khúc Tình lỡ do được sử dụng trong phim Nàng. Nguyễn Ánh 9 kể: “Có lần tôi hỏi anh ấy tại sao lại viết nhạc ít vậy, anh ấy nói rằng viết nhạc đâu phải để kiếm tiền. Có cảm xúc thì mới viết được”.

Gặp lại nhạc sĩ Thanh Bình trong đêm nhạc do ca sĩ Ánh Tuyết tổ chức cho ông, sau 30 năm xa cách, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 buồn thương khi nhìn thấy sự tàn tạ của đồng nghiệp đàn anh. “Thú thật là lúc gặp lại anh ấy, tôi không nhận ra. Thời gian trôi qua, anh ấy đổi thay nhiều nhưng chẳng ngờ từ một chàng trai hào hoa phong nhã ngày nào mà bây giờ anh ấy lại tiều tụy quá”.

Tình duyên bẽ bàng

Đúng như tên gọi ca khúc Tình lỡ nổi tiếng của ông, cuộc tình nào của ông cũng đầy nỗi buồn thăm thẳm. Đời ông không biết bao lần rơi vào cảnh chông chênh, không ít lần tưởng chừng đã chạm tay vào hạnh phúc nhưng rồi lại tan như bọt nước. Ca khúc Tình lỡ chính là câu chuyện tình mà ông viết cho mình, khi duyên tình với người con gái Hải Phòng quá ngắn ngủi. Cô gái bị gia đình ép lấy chồng, ông phải thốt lên bằng những lời ca da diết: “Thôi rồi, còn chi đâu em ơi! Có còn lại chăng dư âm thôi. Trong cơn thương đau men đắng môi…”.

Người đàn bà nên duyên chồng vợ với ông rất xinh đẹp và họ có với nhau một con gái. Đớn đau thay, vợ ông bỏ nhà đi khi con gái mới lên 3 tuổi, một mình ông nuôi con trong muôn vàn khó nhọc. Không ít lần ông tự hỏi: “Yêu nhau là thế, sao bỏ đi quá dễ dàng?”. Ông không muốn nhớ về những ký ức đã đi vào dĩ vãng nhưng ở đời lạ lắm! “Khi không muốn còn gì để nhớ. Là lúc lòng không thể nào quên” (thơ Phan Vũ). Thanh Bình cũng như vậy.

Ông bảo đời cứ ném ông vào khoảng trời cay đắng. Con gái lớn, có chồng nhưng cuộc hôn nhân không trọn vẹn, lại vướng vào vòng lao lý. Người già thường sống nương nhờ con nhưng có ai ngờ một ông già 80 tuổi như nhạc sĩ Thanh Bình lại bị con rể nhẫn tâm bỏ rơi ở bến xe, phải sống vất vưởng 18 ngày ở đó. Đó là một khoảng đời cay nghiệt nhất đối với ông. May nhờ đứa cháu gái gọi ông bằng cậu (chị Phượng) tìm được, đưa ông về và cưu mang đến cuối đời.

Nhắm mắt mà không được gặp con

Trong những năm tháng cuối đời, sống với các cháu trong gian nhà đơn sơ, ông ít khi nhắc lại quá khứ với ai, chỉ tâm sự với ca sĩ Ánh Tuyết mỗi lần chị đến thăm. Người nhạc sĩ tóc đã phai màu vẫn ôm nỗi cô đơn với một biển sầu hiu hắt. Bao nhiêu ngày đợi tháng chờ con mòn mỏi là bấy nhiêu đau buồn, lo lắng không yên. Có nhiều lần chị Phượng thấy ông ngồi khóc một mình, gặng hỏi mãi ông mới nói: “Cậu nhớ con Ngọc (con gái của ông - PV) quá! Không biết bao giờ mới được gặp lại nó đây? Chỉ sợ cậu ra đi mà chưa gặp lại con”. Chị Phượng kể những lá thư chị Ngọc gửi về, ông cất giữ cẩn thận và mang ra đọc đi đọc lại. Mỗi lần đọc là đỏ hoe mắt. “Nhiều lần ông đòi xuống trại giam ở lại với con gái nhưng tôi cứ động viên ông ráng khỏe sẽ đưa ông đi gặp con. Ông nghe vậy, ngày nào cũng chờ đợi, trông ngóng” - chị nói.

Ca sĩ Ánh Tuyết cũng không ít lần hứa sẽ dẫn ông đi thăm con gái nhưng đều lỗi hẹn. Chị đang liên lạc mọi cách để chị Ngọc về gặp cha lần cuối. Chị cũng hứa sẽ thực hiện cho ông một album kỷ niệm, tập hợp tất cả những sáng tác của ông nhưng tất cả giờ đều dang dở…

Vĩnh biệt tác giả Tình lỡ

Sau nhiều năm bệnh tật, nhạc sĩ Thanh Bình đã ra đi vào lúc 4 giờ 10 phút ngày 23-5, hưởng thọ 82 tuổi.

Nhạc sĩ Thanh Bình tên thật là Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1932, quê ở Bắc Ninh. Ông mồ côi mẹ từ năm 10 tuổi, cha cũng mất sau đó vài năm. Nhà có 4 anh chị em nhưng 2 người đã mất, ông còn một cô em kế sống ở Pháp nhưng không có liên lạc. Ông từng là nhà văn, nhà báo viết cho nhiều tờ báo thời bấy giờ. Ngoài ca khúc Tình lỡ, ông còn là tác giả của các ca khúc: Còn nhớ hay quên, Đừng đến rồi đi, Tiếc một người...

Lễ nhập quan nhạc sĩ Thanh Bình diễn ra lúc 13 giờ ngày 23-5, linh cữu quàn tại chùa Diệu Pháp, 188 Nơ Trang Long (nối dài), quận Bình Thạnh, TP HCM. Lễ động quan lúc 9 giờ 15 phút ngày 25-5, hỏa táng tại Bình Dương.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nga (Người Lao Động)
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN