Chợ truyền thống ế ẩm, hàng loạt sạp trùm mền

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước khó khăn do ảnh hưởng dịch, nguyện vọng của tiểu thương là được Nhà nước giảm thuế, phí để bớt gánh nặng.

Từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, hoạt động kinh doanh của tiểu thương tại các chợ truyền thống rất ảm đạm. Đơn cử như chợ Bến Thành (quận 1) chuyên phục vụ khách du lịch hiện nay chỉ còn 186 hộ kinh doanh hàng thiết yếu hoạt động, còn lại đóng cửa nghỉ bán.

Nhiều tiểu thương hy vọng khi vaccine ngừa COVID-19 được tiêm rộng rãi, dân sẽ yên tâm ra chợ và tiểu thương được buôn bán bình thường trở lại.

Đóng cửa hàng loạt

Bà Thái Trang, kinh doanh ngành hàng thời trang ở chợ An Đông (quận 5), thở dài ngao ngán trước tình trạng vắng khách kéo dài. “Từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, buôn bán ế ẩm, nhiều sạp cả tuần không có khách đến mở hàng” - bà Trang nói.

An Đông là chợ sỉ, chủ yếu bán hàng cho mối lái đưa đi các tỉnh, thành. Nhưng do lo ngại TP.HCM có dịch nên khách từ các địa phương không đến mua hàng, còn khách hàng ngay tại TP.HCM cũng không dám đi chợ mua sắm. Khó khăn chưa dừng lại khi dịch bùng phát lần thứ tư, TP.HCM ban hành Chỉ chị 10 yêu cầu chợ tạm, các trung tâm thương mại, các ngành hàng không thiết yếu… dừng hoạt động.

Tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống tiếp tục gặp khó khăn do dịch. Ảnh: TÚ UYÊN

Tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống tiếp tục gặp khó khăn do dịch. Ảnh: TÚ UYÊN

“Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi ngành nghề chứ không riêng gì tiểu thương các chợ truyền thống. Chúng tôi chỉ mong toàn dân sớm được tiêm vaccine để người dân yên tâm ra chợ và tiểu thương có thể tiếp tục được buôn bán bình thường” - bà Trang bày tỏ.

Tương tự, nhiều tiểu thương ở chợ Bình Tây (quận 6) cho hay từ tết đến nay chợ vắng khách. Ngay cả mối quen ở các địa phương cũng không kêu hàng nên có khi cả tháng mới có vài đơn hàng. “Tôi mới đóng thuế đến tháng 4-2021, chắc Nhà nước biết tiểu thương buôn bán ế ẩm nên chưa thấy kêu đóng các tháng tiếp theo. Chúng tôi chỉ mong được giảm thuế chứ khổ quá rồi” - bà Thanh, kinh doanh bách hóa tại chợ Bình Tây, nêu nguyện vọng.

Cả nước có 8.500 chợ

Theo Bộ Công Thương, đến cuối năm 2019, cả nước có 8.500 chợ. Riêng TP.HCM hiện có 238 chợ, trong đó 235 chợ truyền thống. Tuy vậy, lĩnh vực kinh doanh chợ ngày càng suy giảm, hiệu quả thấp do gặp phải cạnh tranh gay gắt từ các loại hình kinh doanh bán lẻ khác. 

Cùng chung cảnh ngộ, bà Kim Oanh, tiểu thương ở chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình), kể do bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm nên lâu lâu cũng có khách ghé mua. Song các sạp xung quanh không bán hàng thiết yếu, khách vắng quá nên 3-4 ngày mới mở cửa một lần, thậm chí đóng cửa, nghỉ bán dài ngày.

Bà nói: “Có người bán giày dép đi bằng xe Grab lên chợ tốn 20.000 đồng, trong khi có ngày bán chỉ được 30.000 đồng, trừ tiền Grab hết 20.000 đồng, tức lời 10.000 đồng. Số tiền này mua rau còn không đủ ăn nên họ trùm mền sạp, nghỉ bán luôn”.

Lo chuyện thuế, phí

Nhiều tiểu thương cho hay dù không bán được hoặc chỉ bán lai rai, lời lãi không đáng là bao nhưng vẫn phải ráng gồng gánh qua ngày. Đã vậy, bà con tiểu thương vẫn phải lo ngay ngáy tiền chi trả các loại phí và nộp thuế nên cuộc sống càng bức bách hơn.

Một tiểu thương tại một chợ truyền thống ở quận Tân Bình liệt kê nhiều loại chi phí phải đóng. Ví dụ, mỗi tháng phải đóng tiền hoa chi 189.000 đồng/sạp, phí vệ sinh quét dọn 60.000 đồng, phí bảo vệ hàng hóa 90.000 đồng, tiền điện 246.000 đồng… Tổng số tiền lên đến gần 1 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể tiền thuế định kỳ gần 400.000 đồng.

“Từ năm ngoái đến nay chưa thấy được giảm tiền gì cả, chỉ được giảm một ít tiền điện. Nói chung tiểu thương chỉ mong được giảm thuế, phí” - tiểu thương này bày tỏ.

Theo bà Đỗ Thúy Hòa, Chủ tịch Hội Phụ nữ chợ Bà Chiểu, do ảnh hưởng dịch COVID-19, sức mua giảm nhiều khiến 60%-70% tiểu thương đã tạm ngừng kinh doanh. Mới đây, thực hiện theo Chỉ thị 10 nên hiện nay tại chợ chỉ còn tiểu thương buôn bán hàng thiết yếu là hoạt động. Trước khó khăn do ảnh hưởng của dịch, nguyện vọng của tiểu thương là được Nhà nước giảm thuế hoặc giảm được khoản phí nào đỡ bớt gánh nặng phần đó.

“Trong đợt dịch COVID-19 đầu tiên, các tiểu thương chợ được miễn giảm một tháng tiền thuế. Đối với chính sách giảm 50% tiền thuê sạp từ tháng 7 đến tháng 12-2020, do tiểu thương thuê sạp không nhiều, phần còn lại do lo ngại dịch nên họ đóng cửa nghỉ bán. Vì vậy, chính sách giảm 50% tiền thuê sạp không có mấy tiểu thương được hưởng” - bà Hòa nói.

Giảm được đồng nào hay đồng đó

Sở Công Thương TP.HCM nhận định hiện nay sức mua tại các chợ truyền thống có xu hướng ngày càng giảm, thương nhân gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Trước những khó khăn của tiểu thương, Sở Công Thương TP.HCM vừa đề xuất chính sách hỗ trợ, chia sẻ khó khăn đối với bà con trong sáu tháng.

Theo đó, ngân sách nhà nước chi hỗ trợ trực tiếp đến các thương nhân trong thời gian từ tháng 7 đến hết tháng 12-2021. Mức hỗ trợ sẽ chia theo từng hạng chợ, tương ứng 50% mức thu phí chợ tối đa theo Quyết định 24 của UBND TP.HCM. Cụ thể, hỗ trợ 50.000-100.000 đồng/m2/tháng tùy hạng chợ. Với tổng cộng gần 60.000 điểm kinh doanh trên toàn địa bàn TP.HCM, dự toán tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 76 tỉ đồng.

Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết thêm: Đối tượng nhận được gói hỗ trợ là các cá nhân, tổ chức kinh doanh tại chợ có điểm kinh doanh, quầy hàng... bố trí trong phạm vi chợ; thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với đơn vị quản lý chợ và nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; có mã số thuế, danh sách thương nhân kinh doanh tại chợ.

Một số tiểu thương mong muốn đề xuất trên được thông qua. Bởi số tiền hỗ trợ dù không lớn nhưng rất ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của Nhà nước đến tiểu thương trong lúc bà con đang gặp rất nhiều khó khăn.

Mách nước cho tiểu thương sống chung với dịch

Ông Hồ Minh Chính, sáng lập Trường Đào tạo bán hàng chuyên sâu KAS Training & Coaching, gợi ý: Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, tiểu thương cần dùng công nghệ để hỗ trợ và thay đổi thói quen bán hàng theo cách hiện đại hơn nhằm đáp ứng thói quen mua sắm của bà nội trợ. Chẳng hạn, đối với ngành hàng không thiết yếu, tiểu thương có thể kết bạn trên Zalo với khách hàng, giới thiệu mẫu mã sản phẩm…

Tiểu thương cũng có thể nhắn tin, gọi điện thoại cho bà nội trợ là mối quen của mình để thông báo có loại rau, củ nào mới về còn tươi ngon, đồ ăn nào hấp dẫn... để khách lựa chọn. Sau đó có thể nhờ người nhà đi giao hàng hoặc thông qua shipper. Đặc biệt, tiểu thương các ngành hàng rau, củ, thịt, cá có thể liên kết với nhau để cùng giao hàng cho khách.

“Như hiện tại, tôi không thể đến tiệm ăn sáng như bình thường nên buổi tối, chủ tiệm nhắn tin cho biết sáng mai có món này món kia và khách đặt món nào thì họ sẽ giao tận nhà” - ông Chính kể.

Khuyến khích mô hình phát thẻ ra vào chợ cho khách

Chợ Bình Thới (quận 11) đã triển khai hình thức phát thẻ ra vào chợ cho người dân khi đến mua sắm. Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Bình Thới, cho biết dự báo tình hình dịch sẽ diễn biến phức tạp nên từ ngày 27-6 vừa qua đã áp dụng mô hình thẻ đi chợ.

Cụ thể, đối với bà con đến chợ Bình Thới lần đầu, sau khi làm thủ tục khai báo y tế, rửa tay khử khuẩn sẽ được BQL chợ phát một thẻ màu xanh. Thẻ này được điền đầy đủ thông tin gồm họ và tên, năm sinh, địa chỉ, số điện thoại…, đồng thời xuất trình CMND. Sau đó, BQL chợ nhập vào hệ thống và in ra.

Mỗi lần đến chợ, người dân chỉ cần đưa thẻ đi chợ này ra, nhân viên chợ sẽ dùng điện thoại thông minh quét mã QR Code nên biết chính xác thời gian bà con vào chợ cũng như ra khỏi chợ...

Đến nay, BQL chợ đã phát 11.000 thẻ đi chợ cho bà con quận 11 cũng như các quận khác. “Với sự quản lý tương đối chặt chẽ như vậy, khi có vấn đề gì cũng thuận lợi trong truy vết. Đặc biệt, với việc triển khai phát thẻ, chợ đảm bảo tuân thủ 5K, giãn cách theo quy định của TP” - ông Tùng chia sẻ.

Sở Công Thương TP.HCM vừa có công văn khẩn về việc tăng cường các biện pháp ứng phó khẩn cấp trong công tác phòng chống dịch COVID-19 đối với các chợ truyền thống.

Theo đó, sở khuyến khích BQL các chợ tính toán, nghiên cứu thực hiện phương án như phát phiếu vào chợ để hạn chế người vào; tổ chức cho thương nhân kinh doanh theo hình thức luân phiên, xen kẽ phân chia thời điểm, vị trí bán hàng xen kẽ, hoặc chia theo ngày chẵn, lẻ...

Nhân viên quét mã QR Code trên thẻ ra vào chợ Bình Thới. Ảnh: B.TÙNG  

Nhân viên quét mã QR Code trên thẻ ra vào chợ Bình Thới. Ảnh: B.TÙNG  

Việt Nam có loại quả tưởng ”tuyệt chủng”, nhanh tay đem trồng thu tiền ”khủng”

Loại quả này có lớp vỏ nhăn nheo như bộ não nhưng lại sở hữu nhiều công dụng tuyệt vời.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo TÚ UYÊN ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN