DANH MỤC

Bán mỗi con lợn Tết “ôm lỗ” cả triệu đồng, người nuôi khi nào mới hết lỗ?

“Chưa năm nào thị trường heo hơi sát Tết Nguyên đán lại kém sôi động như năm nay. Sức tiêu thụ yếu, một số doanh nghiệp ghi nhận tình trạng ứ đọng một phần nhỏ đàn heo quá cân…” – Ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT).

Giá lợn hơi lên lên xuống xuống, người nuôi ngao ngán

Giá lợn hơi bây giờ có 48-50 nghìn đồng/kg trong khi giá cám tăng cao quá. Mỗi con lợn xuất chuồng tôi phải chịu lỗ từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng”, ông Hạnh, chủ trang trại nuôi lợn tại Hà Nội cho hay.

Càng nuôi, càng bán lại càng lỗ nhưng ông Hạnh cho biết, gia đình ông vẫn phải nuôi vì trang trại đầu tư cả chục tỷ đồng, giờ không nuôi thì bỏ không, lúc giá tăng lấy gì mà bán.

Theo ông Hạnh, giá thành chăn nuôi lợn ở thời điểm hiện tại đến lúc xuất chuồng phải bán được 60 nghìn đồng/kg mới hoà vốn.

“Với giá heo giống từ 7-10kg có giá khoảng 1,7 triệu đồng/con. Với lượng cám chứa 14% độ đạm thì phải mất 250kg cám mới nuôi được 100kg heo, tức là mất 3,5 triệu đồng tiền cám, thêm tiền điện, tiền nhân công, khấu hao chuồng trại nữa thì mỗi con heo xuất chuồng phải bán được ít nhất 6 triệu đồng”, ông Hạnh phân tích.

Tuy nhiên, hơn một năm qua, giá lợn hơi chỉ ở mức 50-55 nghìn đồng/kg, vì vậy, những hộ chăn nuôi lợn như gia đình ông hầu như chưa cầm được đồng lãi nào.

Bán mỗi con lợn Tết, “ôm lỗ” cả triệu đồng, người nuôi khi nào mới hết khổ? - 1
Bán mỗi con lợn Tết, “ôm lỗ” cả triệu đồng, người nuôi khi nào mới hết khổ? - 2
Giá lợn hơi liên tục xuống thấp, anh May phải liên tục bù lỗ mỗi con hàng triệu đồng.

Giá lợn hơi liên tục xuống thấp, anh May phải liên tục bù lỗ mỗi con hàng triệu đồng.

Ngao ngán vì ôm lỗ quá nhiều, không thể gồng mình được nữa, ông Phạm Ngọc May, chủ trang trại nuôi lợn ở An Giang đã nhượng luôn trang trại của nhà mình cho người khác để cắt lỗ.

Đầu tư toàn bộ vốn liếng và vay ngân hàng để làm 6 trang trại có lắp kính, điều hoà ổn định bằng hệ thống tự động với chi phí khoảng 30 tỷ đồng để nuôi lợn nhưng sau 6 năm, anh đành phải bán đi tâm huyết của mình.

“Hơn một năm qua, giá lợn lên xuống thất thường trong khi giá thức ăn ở mức cao, mỗi con lợn xuất chuồng tôi phải chịu lỗ cả triệu đồng, chưa kể tiền thuê hơn chục nhân công, lương tháng mỗi người 7,2 triệu đồng, thêm gần 100 triệu đồng tiền điện cho 6 trang trại”, anh May phân tích.

Càng nuôi càng lỗ, anh May quyết định liên kết nuôi thuê cho doanh nghiệp với giá 2.450 đồng/kg lợn hơi. Lợn giống của họ, thức ăn, thuốc kháng sinh họ cung cấp nhưng anh May tự trang bị chuồng trại, tự thuê nhân công, tự bỏ tiền điện, nước.

Với mục đích nuôi thuê để cầm cự vì tiền thu về sau khi trừ khấu hao chuồng trại, máy móc, tiền điện, tiền thuê nhân công xong thì hầu như không được đồng lãi nào.

Vì vậy, sau hơn 1 năm giá lợn hơi chỉ lừng chừng 50-55 nghìn đồng/kg, chưa nhìn thấy xu hướng lên, trong khi tiền lãi ngân hàng ngày càng cao khiến anh May quyết định, bán trang trại để cắt lỗ.

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tại thời điểm tháng 12/2022, tổng đàn heo khoảng 28,6 triệu con tăng 3,2% so với năm 2021. Năm 2022, ngành chăn nuôi đối mặt với nhiều khó khăn đặc biệt là chi phí thức ăn tăng lên trong khi giá bán không như kỳ vọng.

Anh May “đứt ruột” phải nhượng đi trang trại là tâm huyết của mình suốt 6 năm để “cắt lỗ”.

Anh May “đứt ruột” phải nhượng đi trang trại là tâm huyết của mình suốt 6 năm để “cắt lỗ”.

Cục trưởng Chăn nuôi Dương Tất Thắng cho rằng chưa có giai đoạn nào giá thức ăn chăn nuôi biến động mạnh đến vậy và kéo dài trong suốt 2 năm.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do xung đột địa chính trị và dịch bệnh. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu ở một số quốc gia khiến sản lượng của các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi như đậu tương, ngô, lúa mỳ bị ảnh hưởng.

Theo Trung tâm phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), giá nguyên liệu thô tăng lên, cụ thể giá ngô, lúa mì và đậu tương tăng lần lượt 17%, 60% và 10%.

Do đó, chi phí thức ăn đã tăng 38% so với cùng kỳ và gấp đôi so với mức chi phí năm 2020, ảnh hưởng đáng kể đến không chỉ các trang trại hộ gia đình mà còn cả các trang trại thương mại vì chi phí nguyên liệu thô chiếm đến 75% tổng chi phí chăn nuôi.

Với giá heo hơi bình quân 55.000 đồng/kg vào năm 2022, các hộ chăn nuôi hầu như không có lãi.

Sự bất thường của giá lợn hơi năm 2022

So với mọi năm, giá heo hơi thời điểm này được xem là bất thường vì lịch sử hầu như không có hiện tượng ứ đọng, giá thấp như thế”, ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT).

Sau khi xuống tới mức 35 nghìn đồng/kg vào quý III/2021 và về mốc 47-50 nghìn đồng/kg vào cuối năm 2021 thì đến nửa đầu năm 2022, giá lợn hơi duy trì ổn định ở mức 53-55 nghìn đồng/kg, tăng lên cao nhất 75 nghìn đồng/kg vào tháng 7 và tháng 8/2022.

Tuy nhiên, mức giá này chỉ duy trì trong thời gian ngắn rồi giảm trở lại, tới cuối năm 2022, giá lợn hơi chỉ đạt từ 50-53 nghìn đồng/kg.

Thông thường, ba tháng cận kề Tết Nguyên đán là thời điểm thị trường heo hơi trong nước sôi động nhất năm, tuy nhiên năm nay, Tết Dương lịch và Âm lịch 2023 đang đến rất gần, giá heo lại đi ngang, thậm chí giảm nhẹ.

Biểu đồ biến động giá lợn hơi 2021-2022 (đơn vị nghìn đồng/kg)

Biểu đồ biến động giá lợn hơi 2021-2022 (đơn vị nghìn đồng/kg)

Nguyên nhân được cho là giá lợn hơi thường chịu ảnh hưởng mạnh bởi yếu tố thời vụ trong quý IV và nhu cầu thường tăng trước kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, năm nay nhu cầu dường như không tăng lên. Điều này một phần là do niềm tin của người tiêu dùng suy yếu trong bối cảnh áp lực lạm phát.

Nhiều dữ liệu cho thấy mức tiêu thụ thịt lợn bình quân đầu người đã giảm so với mức tiêu thụ bình quân trước đại dịch, cụ thể giảm từ 31,4kg/người/năm vào năm 2018 xuống còn 26,8kg/người/năm vào năm 2022.

Hơn nữa, kể từ đầu quý IV, nhiều doanh nghiệp, nhà máy cắt giảm giờ làm, cho lao động nghỉ luân phiên, nghỉ Tết sớm do thiếu đơn hàng, thu nhập của người lao động bấp bênh khiến tiêu thụ thịt heo cũng chững lại.

Bán mỗi con lợn Tết, “ôm lỗ” cả triệu đồng, người nuôi khi nào mới hết khổ? - 6
Bán mỗi con lợn Tết, “ôm lỗ” cả triệu đồng, người nuôi khi nào mới hết khổ? - 7
Mỗi con lợn xuất chuồng phải bán được ít nhất 60 nghìn đồng/kg người nuôi mới hoà vốn vì giá thức ăn chăn nuôi quá cao.

Mỗi con lợn xuất chuồng phải bán được ít nhất 60 nghìn đồng/kg người nuôi mới hoà vốn vì giá thức ăn chăn nuôi quá cao.

Trước những khó khăn của người dân và doanh nghiệp, các hiệp hội chăn nuôi đã đề xuất Chính phủ mở cửa xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nhằm đẩy giá mặt hàng này lên.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan nghiên cứu các giải pháp phù hợp nhằm phát triển chăn nuôi bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đảm bảo quyền lợi cho người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trước mắt người chăn nuôi và doanh nghiệp cần nắm bắt các thông tin thị trường, linh hoạt trong kế hoạch chăn nuôi để cạnh tranh tốt cả về chất lượng và giá cả ở thị trường nội địa 100 triệu dân và 1,5 triệu khách du lịch.

Còn về lâu dài, ông Trọng cho rằng ngành chăn nuôi sẽ phải xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm thịt sang Trung Quốc và các nước lân cận nhưng chặng đường này sẽ dài và không thể trong ngày một, ngày hai.

Dự báo giá lợn hơi 2023: Tăng hay giảm?

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, tại thời điểm tháng 12/2022, tổng đàn heo khoảng 28,6 triệu con tăng 3,2% so với năm 2021, sản lượng chăn nuôi tăng mạnh trong những tháng gần đây (tăng 12,4% so với cùng kỳ trong 11 tháng đầu năm 2022), nguồn cung lợn hơi khó có thể thiếu hụt trong năm 2023.

Do đó, dự báo giá lợn hơi sẽ không tăng đột biến. Dự báo giá lợn hơi sẽ chỉ đạt khoảng 60.000 đồng/kg vào năm 2023 (tăng 10% so với cùng kỳ).

Về mặt chi phí, dự báo chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ ổn định và bắt đầu giảm trong quý II năm 2023. Do đó, SSI Research dự báo chi phí chăn nuôi sẽ giảm vào năm 2023, trong khi giá heo hơi dự kiến sẽ tăng chậm.

Càng về cuối năm, giá lợn hơi càng xuống thấp, người nuôi như ngồi trên đống lửa.

Càng về cuối năm, giá lợn hơi càng xuống thấp, người nuôi như ngồi trên đống lửa.

Cục Xuất nhập khẩu dự tính, năm 2023, giá lợn được kỳ vọng tăng 5% do nhu cầu ăn uống bên ngoài phục hồi và thiếu hụt nguồn cung khi các hộ chăn nuôi vẫn ngần ngại trong việc tái đàn do giá lợn giảm trong thời gian gần đây, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao. Hiện nay, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt lợn tại Việt Nam.

Đối với chi phí đầu vào, giá hàng hóa có khả năng giảm trong năm 2023 do lo ngại ban đầu về tình trạng thiếu lương thực do xung đột giữa Nga và Ukraine đã lắng xuống khi các nước xuất khẩu khác tăng nguồn cung.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)

Ông Nguyễn Văn Trọng, Nguyên Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)

Ngoài ra, ngũ cốc của Ukraine đã được vận chuyển trở lại sau thỏa thuận chấm dứt việc phong tỏa các cảng của nước này. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm nhờ lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi kể từ quý II/2023, kéo theo nhu cầu ăn uống tăng.

Để đạt được mục tiêu trên, năm 2023, ngành Chăn nuôi sẽ thực hiện các giải pháp điều hành quản lý, theo đó ngành chủ động tham mưu và chỉ đạo tích cực các giải pháp điều hành quản lý, phát triển sản xuất giúp ngành chăn nuôi vượt qua khó khăn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Bán mỗi con lợn Tết, “ôm lỗ” cả triệu đồng, người nuôi khi nào mới hết khổ? - 11

Hồng Cảnh

Chủ Nhật, ngày 01/01/2023 19:00 PM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Hồng Cảnh ([Tên nguồn])