Phố Wall tiếp tục chao đảo

Những dữ liệu kinh tế kém lạc quan tiếp tục nhấn chìm Phố Wall trong sắc đỏ.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 03/05/2012, chỉ số Dow Jones nới rộng đà giảm với 61,98 điểm, tương ứng 0,47%, đóng cửa ở mức 13.206,59 điểm. Trong số 30 cổ phiếu đang niêm yết tại đây, cổ phiếu của ngân hàng Bank of America và hãng công nghệ HP dẫn đầu đà giảm với tỷ lệ tương ứng 1,96% và 3,05%.

Chỉ số S&P 500 giảm 10,74 điểm, tương ứng 0,77%, chốt phiên ở mức 1.391,57 điểm. Chỉ số này đã rơi qua ngưỡng quan trọng 1.400 điểm và rơi sát tới đường trung bình 50 phiên ở mức 1.386,48 điểm. Trong số 10 chỉ số ngành trên S&P 500, cổ phiếu ngành nguyên vật liệu và năng lượng dẫn đầu đà giảm.

Hàng loạt cổ phiếu lớn trong ngành bán lẻ như Gap, Costco, Wet Seal và Target rơi từ 1,6% đến 3,9% tương ứng đã khiến cho chỉ số ngành bán lẻ mất đi 0,9%.

Cổ phiếu của Alcoa (AA) Inc. và Hewlett-Packard Co. (HPQ) trượt giảm ít nhất 1,5%. Cổ phiếu của General Motors Co. (GM) giảm 2,4% sau khi công bố lợi nhuận giảm 61%. Cổ phiếu của Target Corp. (TGT) hạ 2,5% khi lượng tiêu thụ tháng 4 không đạt kế hoạch.

Cổ phiếu của Prudential Financial Inc. (PRU) có tốc độ giảm mạnh nhất trong S&P 500 khi mất tới 10% và đóng cửa ở mức 54,81 USD/cổ phiếu. Hãng bảo hiểm nhân thọ lớn thứ hai ở Mỹ đã có quý đầu thua lỗ khi giá trị các bản hợp đồng suy giảm.

Theo thống kê của Reuters, 68,3% trong 391 công ty đã báo cáo kết quả kinh doanh quý trên chỉ số S&P 500, công bố lợi nhuận vượt dự báo.

Chỉ số Nasdaq giảm 35,55 điểm, tương ứng 1,16%, dừng ở mức 3.024,30 điểm.

Chỉ số CBOE Volatility Index, VIX, chỉ số đo mức độ sợ hãi của các nhà đầu tư, tăng lên trên mức 17 điểm.

Có khoảng 6,9 tỷ cổ phiếu giao dịch thành công trên cả 3 sàn giao dịch New York, America Exchange và Nasdaq. Khối lượng này đã cao hơn so với mức bình quân 6,76 tỷ cổ phiếu tính từ đầu năm đến nay.

Trên sàn giao dịch New York, cứ hơn 7 cổ phiếu giảm điểm có 3 cổ phiếu tăng điểm. Tại sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 3/1.

Trong phiên, thị trường đón nhận nhiều tin vĩ mô trái chiều. Và thông tin kém lạc quan dường như áp đảo. Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết các hoạt động sản xuất phi nông nghiệp trong quý I đã giảm 0,5% tính theo năm. Trong khi đó, chi phí lao động tăng 2% trong quý I sau khi đã tăng 2,7% so với quý IV năm ngoái.

Phố Wall tiếp tục chao đảo - 1

Những dữ liệu kinh tế kém lạc quan tiếp tục nhấn chìm Phố Wall trong sắc đỏ.

Viện Quản lý Nguồn cung công bố chỉ số ngành dịch vụ tại nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 4 đã giảm từ mức 56 điểm của tháng 3 về mức 53,5 điểm.

Những con số về thất nghiệp được cải thiện nhưng không đủ nâng đỡ thị trường. Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ giảm 27.000 xuống mức điều chỉnh là 365.000. Đây là mức giảm mạnh nhất tính theo tuần trong vòng gần một năm trở lại đây.

Jeffrey Saut, chiến lược gia đầu tư trưởng của Raymond James & Associates tại St. Petersburg, Florida, đơn vị quản lý hơn 300 tỷ USD nhận xét: “Thị trường đang bị tổn thương. Dữ liệu kinh tế có xu hướng yếu đi. Tôi không ngạc nhiên nếu bản báo cáo việc làm của ngày mai sẽ đáng thất vọng. Tất cả những gì cần làm chính là để thị trường ra khỏi tình trạng quá mua như hiện nay”.

Joe Saluzzi, đồng quản lý tại Themis Trading cho biết: “Tình trạng bán tháo ngày càng tồi tệ hơn, khối lượng giao dịch cũng không được cải thiện. Có thể mọi người đang dự báo số lượng việc làm trong ngày mai”.

Phil Orlando, chiến lược gia thị trường cổ phiếu tại Federated Investors cho rằng: “Trong khi chúng ta không nghĩ rằng nền kinh tế đã vượt qua được suy thoái kép, chúng ta sẽ thấy sự yếu kém tiếp tục xuất hiện trong quý II. Sau đó chúng ta lại sôi nổi bàn tán về tình hình kinh tế yếu kém hơn. Giá năng lượng sẽ sụt giảm và vấn đề kinh tế toàn cầu tại các thị trường mới nổi và châu Âu sẽ bắt đầu đảo chiều”.

Trong khi đó, đà giảm tại thị trường chứng khoán châu Âu đã chững lại. Chỉ số Stoxx Europe 600 tăng 0,1% đóng cửa ở mức 257,53 điểm. Chỉ số FTSEurofirst 300, chỉ số của các cổ phiếu bluechip tại châu Âu, lên 0,1% đứng ở mức 1.044,39 điểm.

Có tới 10 trong tổng số 18 chỉ số chứng khoán chính tại khu vực Tây Âu đã giảm điểm trong phiên này.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng nhẹ 0,3% đứng ở mức 6.851,90 điểm. Chỉ số FTSE của thị trường Anh tăng 8,44 điểm, tương ứng 0,15% chốt ở mức 5.766,55 điểm.

Ở chiều ngược lại, chỉ số FTSE MIB của Italia giảm 0,7% xuống mức 14.118,13 điểm. Chỉ số chung của Pháp - CAC 40 hạ 0,09% đóng cửa ở mức 3.223,36 điểm. Chỉ số chứng khoán của Đức, DAX 30 giảm 0,24% chốt ở mức 6.694,44 điểm.

Thị trường châu Âu chịu tác động mạnh sau khi chủ tịch của ECB ông Mario Draghi cho biết ECB sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức 1% và ông khẳng định ECB sẽ không thảo luận về vấn đề hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Thông tin chính phủ Tây Ban Nha đã bán được 2,52 tỷ euro (tương đương với 3,31 tỷ đô la Mỹ) trái phiếu và con số này đã vượt mục tiêu đấu giá cũng ảnh hưởng tới thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN