Phố Wall bất ngờ tăng vọt hơn 2%

Thị trường chứng khoán Mỹ bất ngờ nhảy vọt trong phiên giao dịch đêm qua (6/6), do nhà đầu tư đặt niềm tin vào cuộc hội đàm giải cứu ngành ngân hàng của Tây Ban Nha và hy vọng sẽ có các gói kích thích tiền tệ mới được đưa ra trong thời gian tới.

Sau đà giảm tới 6% trong tháng 5, cuối tuần trước, chỉ số S&P 500 đã xuống dưới đường trung bình 200 ngày. Theo giới phân tích, đây là thời điểm phù hợp để thị trường hồi phục. Phiên hôm qua, cả 10 nhóm ngành thuộc chỉ số này đều tăng điểm mạnh, trong đó dẫn đầu là các nhóm năng lượng, tài chính và công nghệ.

Trong số các ngân hàng lớn, đáng chú ý nhất là cổ phiếu của Bank of America nhảy vọt 7,6%, còn Morgan Stanley tăng tới 8,4%. Giá hai cổ phiếu này giữ vững đà tăng mạnh cho tới khi thị trường đóng cửa.

Nguyên nhân chính tác động tới thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua là tin tức từ châu Âu cho biết, các quan chức Đức và Liên minh châu Âu đang tìm kiếm những giải pháp cứu trợ cho hệ thống các ngân hàng hoạt động yếu kém của Tây Ban Nha, nỗi lo mới nhất về tài chính của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Trước đó một ngày, hôm 5/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Tây Ban Nha Cristobal Montoro kêu gọi sự ủng hộ tài chính từ các nhà lãnh đạo châu Âu khi cho biết thị trường tín dụng nước này đang đóng băng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm sắp chạm mức nguy hiểm 7% và cho thấy nỗi lo về nguy cơ vỡ nợ của nước này.

Phát biểu trên đài phát thanh Onda Cero, Bộ trưởng Bộ Tài chính Cristobal Montoro đã thừa nhận rằng, Tây Ban Nha không thể tự giải cứu chính mình. Ông cho biết Tây Ban Nha cần thêm tiền để cải thiện tình hình nợ của mình và để các thị trường trái phiếu mở cửa trở lại, nhờ đó mọi người có thể đầu tư vào nước này.

Cũng liên quan tới châu Âu, đầu giờ sáng hôm qua, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi tuyên bố, tổ chức này có thể hành động nếu thị trường tài chính trở nên căng thẳng hơn. ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 1% đúng như dự báo của hầu hết các chuyên gia phân tích kinh tế.

Tại Mỹ, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) chi nhánh Atlanta Dennis Lockhart cho biết, FED có thể cần phả xem xét đưa ra một chương trình nới lỏng định lượng mới nếu như nền kinh tế đầu tàu thế giới, vốn dĩ đã nghiêng ngả bởi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu, nay lại có nguy cơ phải đối mặt với cú sốc tài chính mới.

Hiện giới đầu tư đang chờ đợi bài phát biểu quan trọng của Chủ tịch FED Ben Bernanke. Đây sẽ là yếu tố then chốt để xác định các thị trường hàng hóa tại Mỹ tiếp tục hồi phục hay trở lại đà sụt giảm kéo dài suốt tháng 5 vừa qua.

Về tin kinh tế Mỹ, trong quý đầu năm nay, sản xuất của khu vực phi nông nghiệp giảm mạnh hơn so với dự báo, mặc dù các doanh nghiệp đã tìm cách thúc đẩy sản xuất. Trong khi đó, cũng trong ngày, FED công bố Beige Book cho thấy kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trong hai tháng qua và hoạt động tuyển dụng có dấu hiệu tăng nhẹ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/6, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vọt 286,84 điểm, tương ứng 2,37%, lên đứng ở 12.414,79 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng tới 29,63 điểm, tương ứng 2,3%, lên chốt ngày ở mức 1.315,13 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite vọt mạnh 66,61 điểm, tương ứng 2,4%, đóng cửa ở mức điểm 2.844,72.

Trong đó, cả hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều có mức tăng điểm tốt nhất kể từ phiên giao dịch ngày 20/12/2011 tới nay. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 7,36 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình hàng ngày từ đầu năm 6,85 tỷ cổ phiếu. Tỷ lệ mã tăng/ giảm ở sàn New York là 13/2, trong khi ở sàn Nasdaq là 5/1.

Phố Wall bất ngờ tăng vọt hơn 2% - 1

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Lâm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN