Sự trở lại ngoạn mục của “Người dơi”

Sự kiện: Phim lẻ bộ

Trong mùa vinh danh Oscar năm nay, “Người dơi” Michael Keaton đã có sự trở lại ngoạn mục nhưng là trong diện mạo “Người chim” với bộ phim “Birdman”.

Cách đây hơn 20 năm, diễn viên Michael Keaton nhận được sự chú ý của công chúng qua loạt phim “Người dơi” của đạo diễn Tim Burton. Từ “Batman” (1989) cho đến “Batman Returns” (1992), thương hiệu Batman do Michael Keaton thủ vai luôn là cái tên đảm bảo doanh thu hàng triệu đô la cho các phòng vé. Nhưng đó cũng là những bộ phim mà người ta nhớ đến Keaton nhiều nhất, các vai diễn của anh sau này không còn được khán giả chú ý tới. 

Trong mùa vinh danh Oscar năm nay, “Người dơi” Michael Keaton đã trở lại nhưng là trong diện mạo “Người chim” với bộ phim “Birdman” của đạo diễn Alejandro Gonzalez Inarritu. Đây rõ ràng là sự trở lại ngoạn mục khi biết rằng, “Người chim” Michael Keaton đã giành “cú đúp” giải thưởng Quả Cầu Vàng 2015 và giải thưởng của Hiệp hội phê bình điện ảnh Hoa Kỳ 2015 cùng cho hạng mục “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất thể loại phim hài kịch”. Và sắp tới đây, một giải Oscar cho hạng mục tương tự cũng không nằm ngoài khả năng của Michael Keaton. 

Sự trở lại ngoạn mục của “Người dơi” - 1
 

Sự trở lại ngoạn mục của “Người dơi” Michael Keaton.

Để đạt được thành công đó, Michael John Douglas (tên thật của Michael Keaton) đã phải trải qua một quá trình lao động miệt mài. Nhân vật Riggan Thomson mà Keaton vào vai phảng phất chút gì đó giống như chính anh, một ngôi sao hết thời đang cố tìm lại ánh hào quang thuở nào.

Riggan của 20 năm trước là một siêu anh hùng, là một “Người chim” có thể bay lượn trên không trung, “trừ gian giết ác” trước sự tán dương reo hò của người dân. Nhưng Riggan của bây giờ, không bè bạn, không tiền bạc, rất khó khăn trong từng thao tác, kể cả việc tự tháo bộ tóc giả ra khỏi đầu. Nhằm cứu vãn hình ảnh của chính mình, Riggan quyết định tham gia vở kịch “What We Talk About When We Talk About Love” - tác phẩm của Raymond Carver, trong vai trò cả đạo diễn và diễn viên chính. Vở kịch đó sẽ được biểu diễn tại nhà hát St James danh tiếng, thành phố New York. 

Nhưng công chúng chẳng ai mặn mà, như lời nhận xét của nhân vật Tabithan Dicktrong phim, một nhà phê bình của Times, cho rằng Riggan Thomson sẽ thất bại với vở kịch này, và đây sẽ là bước sụp đổ của sự nghiệp. Chỉ có Sam (Emma Stone thủ vai), cô con gái trái tình trái nết, đang trong thời gian cai nghiện là người duy nhất ủng hộ bố, trong phim cô béluôn xuất hiện trên nóc rạp hát, hay ngồi vắt vẻo bên cửa ngắm nhìn bố chuẩn bị cho vở kịch để đời. Những ngày cuối cùng trước khi vở kịch công diễn, Riggan Thomson trải qua một “mớ bòng bong” giữa những rắc rối đến từ vở kịch, giữa sự giằng xé trong tư tưởng giữa thực tại nghiệt ngã và quá khứ hào hùng của “Người chim”. 

Sự trở lại ngoạn mục của “Người dơi” - 2
 

Nỗi ám ảnh của Riggan Thomson về một quá khứ hào hùng.

Những hình ảnh, suy nghĩ phức tạp của Riggan Thomson được khắc họa rõ nét hơn khi xuất hiện nhân vật Mike Shiner đối lập do Edward Norton thủ vai. Tay diễn viên này luôn hết mình cho vai diễn, thậm chí đôi lúc tỏ ra kiêu căng ngạo mạn, nhưng ẩn chưa sau đó là tâm hồn mỏng manh và trống rỗng. 

Chính những hành động của Mike Shiner đã khiến nhân vật của Keaton phải tự hỏi lại rằng những gì mình đang theo đuổi có đáng hay không. Có vẻ như từ trước tới nay Riggan đã quá xa rời thực tại, đến mức mà “không có nổi cho mình một tài khoản Facebook”, đến mức luôn theo đuổi quan niệm sống “sáu mươi tuổi chẳng qua là ba mươi tuổi một lần nữa”. Những hoài niệm về một thời làm “Người Chim” siêu anh hùng luôn ám ảnh Riggan Thomson từ trong nhà ra phố, ông chỉ muốn cùng đôi cánh kia thoát ly khỏi thực tại.

Sự trở lại ngoạn mục của “Người dơi” - 3
 

Riggan Thomson luôn muốn thoát ly thực tại nghiệt ngã.

Vai Riggan Thomson đã được Keaton diễn xuất quá xuất sắc. Ngay từ đầu đạo diễn Inarritu đã lý giải việc chọn lựa Michael Keaton là do anh có kinh nghiệm với thể loại phim siêu anh hùng. Không biết có phải trùng hợp ngẫu nhiên không mà 20 năm trước “Birdman” của Riggan Thomson rất giống với 20 năm trước “Batman” của Michael Keaton, đều là những “anh hùng”, đều được công chúng ngưỡng mộ mỗi khi xuất hiện. Nhưng điều ít ai ngờ nhất là việc tài tử điện ảnh Keaton có thể vào vai một nhân vật có diễn biến tâm lý phức tạp như Riggan, đủ các cung bậc cảm xúc, lúc vui lúc buồn, từ tự tin, hào sảngđến tuyệt vọng, hoang mang.
 
Sự trở lại ngoạn mục của “Người dơi” - 4
 

Sam Thomson, cô con gái trái tính, người duy nhất ủng hộ Riggan trên con đường tìm lại danh vọng.

Dàn diễn viên có sự góp mặt của Michael Keaton, Edward Norton, Naomi Watts, Emma Stone, Amy Ryan, Zach Galifianakis dưới bàn tay nhào nặn tài ba của đạo diễn Alejandro Inarritu, đã giành được giải “Dàn diễn viên xuất sắc nhất” của Hiệp hội phê bình điện ảnh Mỹ 2015 hôm vừa qua. Tất cả đều diễn xuất rất tài tình. Mỗi nhân vật, mỗi cảnh đời, nhưng đềuchịu sự cám dỗ của danh vọng, cùng phải chịu sự khắc nghiệt của nghề diễn.
 
Thành công của bộ phim còn phải kể đến những cảnh quay mới lạ. Từng cảnh phim được đạo diễn Alejandro Inarritu cùng nhà quay phim Emmanuel Lubezki chỉn chu thực hiện. Hai nhân vật tài ba này đã chủ động cắt dựng để tạo cảm giác bộ phim chỉ thực hiện với một lần bấm máy quay duy nhất, tạo nên một cảnh quay có thời lượng 119 phút. Bộ phim có cảnh quay dài trước đó là Rope (1948) của đạo diễn Alfred Hitchcock cũng đã từng dùng thủ thuật này. 

Cách thức quay này làm hành động và diễn biến tâm lý của nhân vật Riggan Thomson càng trở nên xuyên suốt. Rất có thể hôm tới đây, Emmanel Lubezki sẽ tiếp tục được vinh danh lần thứ hai liên tiếp cho giải Oscar “Quay phim đẹp nhất”, năm ngoái ông đã từng giành được giải thưởng này với “Gravity”.
 
Sự trở lại ngoạn mục của “Người dơi” - 5
 

Những nhân vật cùng làm một bức tranh khắc nghiệt về nghề diễn.

Bộ phim “Birdman” được các nhà phê bình đánh giá rất cao. Những con số về số lượng giải thưởng mà bộ phim giành được từ Quả Cầu Vàng 2015, Hiệp hội phê bình điện ảnh Hoa Kỳ 2015 đã nói lên tất cả. Tính đến ngày 11.01.2015, “Birdman” đã đạt doanh thu hơn 34 triệu USD trên toàn cầu, trong số này các phòng vé khu vực Bắc Mỹ đạt khoảng 26 triệu USD. Đây rõ ràng là thành công lớn khi biết rằng kinh phí sản xuất bộ phim chỉ là 18 triệu USD. 

“Birdman” là một tuyệt tác dành cho những người yêu điện ảnh vì những giá trị mà nó mang lại. Xin được dùng lời phát biểu của đạo diễn Alejandro Gonzalez thay cho lời kết: “Tôi muốn làm một bộ phim nêu bật lên cái tôi. Thực tế là tất cả chúng ta, chứ không chỉ các diễn viễn, đều phải đấu tranh với cái tôi của mình. Cái tôi đang làm cho mọi người hiểu sai lệch về nhu cầu thực sự của mình. Nó khiến chúng ta tưởng mình muốn người khác ngưỡng mộ, trong khi thực tế chúng ta cần chỉ tình cảm và sự yêu mến của những người xung quanh. Bộ phim này là một sự phản ánh về cuộc đấu tranh của con người trước cái tôi của chính họ”.
 

Trailer bộ phim “Birdman”.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Tuấn ([Tên nguồn])
Phim lẻ bộ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN