Phim được mùa, kịch thắng lớn

Lượng khán giả đổ về các rạp phim tại TP HCM tăng 3-4 lần so với ngày thường, tình hình vé chợ đen bắt đầu xuất hiện nhiều hơn tại một số sân khấu kịch. Tuy nhiên, chưa hẳn đây là những tín hiệu lạc quan

Phim hài Việt, phim “bom tấn” hoặc phim hành động nước ngoài, hài kịch, kịch kinh dị… vẫn là những lựa chọn giải trí hàng đầu của khán giả TP HCM trong những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ.

Doanh thu thua năm ngoái

Nếu mùa Tết trước, 2 bộ phim Nhà có năm nàng tiên (đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu) và Mỹ nhân kế (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng) mặc sức “hốt bạc” thì năm nay, doanh thu các phim thua xa. Kể cả Năm sau con lại về - bộ phim hài “độc quyền” danh hài Hoài Linh, theo nhà sản xuất, cũng chỉ thu về khoảng hơn 17 tỉ đồng, tính đến hết mùng 3 Tết. Bà Vũ Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, cũng thừa nhận phim hài Tết thứ hai của đơn vị (Năm sau con lại về) không bằng doanh thu bộ phim hài khá có duyên Nhà có năm nàng tiên của mùa Tết trước (bộ phim hài từng đạt doanh thu cao ngất này còn tiếp tục mang về lợi nhuận khi được làm lại phiên bản phim truyền hình, phát sóng trong dịp Tết Giáp Ngọ).

Phim được mùa, kịch thắng lớn - 1

Nghệ sĩ Hứa Minh Đạt, Hoài Linh và Vũ Văn Long (từ trái sang) trong tiểu phẩm Chuyện công viên diễn tại rạp Công Nhân chiều mùng 2 Tết Ảnh: THANH HIỆP

Khi chất lượng phim hài Tết năm nay đều thua các năm trước, sự lựa chọn của khán giả sẽ nghiêng về một số phim ngoại ra rạp cùng thời điểm, đặc biệt là bộ phim “bom tấn” của điện ảnh Hoa ngữ Đại náo thiên cung (Tây du ký). Bà Vũ Phượng, đại diện nhà phát hành CGV (trước đây là Megastar), cho biết Đại náo thiên cung chính là phim dẫn đầu tốp 4 phim có doanh thu cao nhất tại cụm rạp này, kế đến là Năm sau con lại về, Cô dâu đại chiến phần 2 và phim ngoại thuộc thể loại hành động viễn tưởng I, Frankenstein của Úc - Mỹ. Còn theo thông tin của đại diện truyền thông cụm rạp phim BHD, Cô dâu đại chiến phần 2, Năm sau con lại về và Đại náo thiên cung cũng có tên trong số các phim “hút” nhiều khán giả đến xem nhất tại đây. Doanh thu của 2 phim hài Hai lúa và Cưới chạy xem ra không mấy khả quan.

Phim được mùa, kịch thắng lớn - 2

Dòng khán giả ra vào xem phim tấp nập tại rạp Galaxy Nguyễn Du Ảnh: KIM KHÁNH

So với 4 phim hài chiếu Tết, bộ phim Cuộc chiến với chằn tinh (tên cũ Thạch Sanh, phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên được dùng kỹ xảo vẽ 3D) có lợi thế hơn hẳn về truyền thông, nhận được sự đánh giá cao của người trong giới nhưng có vẻ phim đã “thất thu” trong mùa Tết này. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của nhiều người, lý do thất thu chưa hẳn vì khán giả không lựa chọn mà vì bộ phim có rất ít suất chiếu tại các rạp, thậm chí có rạp mỗi ngày chỉ chiếu một suất và rơi vào thời điểm rất khó xem cho khán giả trẻ em.

Kịch Tết: Loại nào cũng thắng

Hầu hết các sân khấu kịch tại TP HCM đều thắng lớn qua ba ngày Tết Giáp Ngọ với 23 vở diễn mới, thu hút hàng ngàn lượt khán giả. Trong đó, Sân khấu IDECAF với các vở Tình gần, Chiếc vòng Gia Bảo dẫn đầu các sàn kịch về lượng vé tiêu thụ. Vở Linh vật, Trùm lừa diễn tại Nhà hát Bến Thành cũng tạo cơn sốt vé và thu hút đông khản giả đến xem. Vé của các vở kịch này bán sạch đến mùng 10 Tết, chính vì thế giá vé chợ đen tăng từ 800.000- 1.000.000 đồng/vé.

Sức hút của bộ 3 nghệ sĩ Hoài Linh - Chí Tài - Trường Giang trong các vở Con muốn ba sống sao?, Ai là cô dâu? và Rước hên vào chùa cũng là nguyên nhân khiến vé chợ đen lần đầu xuất hiện tại Sân khấu Nụ cười mới với giá “VIP” có thời điểm lên đến 2 triệu đồng/vé nhưng vẫn có người săn tìm. Vé cũng liên tục “sốt” tại các Sân khấu Kịch Phú Nhuận, Sân khấu Kịch Sài Gòn, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B, Sài Gòn Phẳng… với các vở kịch châm biếm và kinh dị là tâm điểm thu hút đông khán giả. Chương trình Mã đáo thành công của đạo diễn Lê Nguyên Đạt cũng thành công bất ngờ nhờ quy tụ một dàn danh hài được yêu mến như Hoài Linh, Chí Tài, Trấn Thành, Trung Dân, Hồng Tơ và 2 NSND: Ngọc Giàu, Bạch Tuyết.

So với các sân khấu kịch nói trên, Sân khấu Hoàng Thái Thanh có phần đi ngược lại khi chọn công diễn các vở bi kịch, như: Sông dài, Oan tình ai thấu... Dù trước đó các đạo diễn như NSƯT Thành Hội cũng có một chút băn khoăn vì ngày Tết mà diễn những vở kịch thiếu tiếng cười, thế nhưng cuối cùng các vở này vẫn ăn khách. NSƯT Thành Hội bày tỏ: “Chúng tôi đã thành công khi các vở chính kịch vẫn chạm tới trái tim khán giả du Xuân, đó là một tín hiệu vui trong năm 2014”.

Nhà hát Kịch TP HCM với vở nhạc kịch High school musical on stage (phiên bản tiếng Việt) công diễn từ mùng 4 Tết bước đầu cũng tạo được dấu ấn đối với khán giả dù lượng vé phát hành còn hạn chế. Tuy nhiên, với đạo diễn Nguyễn Khắc Duy và nhà đầu tư là đạo diễn Lê Bảo Trung, thành công của họ chính là tạo thêm bước ngoặt mới cho nhạc kịch Việt phát triển sau thành công của Chicago và Tuyết đỏ (cả 2 vở đều được đề cử tốp 5 tranh Giải Mai Vàng 2013). 

Sân khấu ca nhạc vẫn rộn ràng

Sân khấu ca nhạc năm nay cũng ăn nên làm ra. Nhiều sân khấu ngoài trời tăng suất diễn trong khi các phòng trà ca nhạc sáng đèn từ đêm giao thừa để phục vụ khán giả yêu nhạc trong những ngày Tết. Không cho biết con số cụ thể về doanh thu nhưng hầu hết các sân khấu, phòng trà đều thừa nhận “lượng khán giả khả quan hơn năm trước”.

Công tâm nhận định, những chương trình Xuân không có gì mới lạ về mặt nội dung, nếu không nói là bình thường, kể cả những chương trình ở các phòng trà. Tuy nhiên, với tiêu chí “ngàn sao hội tụ”, các chương trình biểu diễn ngày Xuân vẫn có sức hút đặc biệt với khán giả. Trong đó, sân khấu Trống Đồng với Âm sắc mùa xuân (kéo dài đến mùng 8 Tết), sân khấu 126 với Xuân họp mặt (kéo dài đến mùng 10 Tết) với hơn 60 nghệ sĩ ở mỗi sân khấu thuộc các lĩnh vực ca nhạc, hài kịch luân phiên biểu diễn làm hài lòng khán giả ở hầu hết các suất diễn.  Đó là chưa kể dù là các sân khấu ngoài trời với giá vé bình dân nhưng khán giả vẫn thỏa thuê bởi sự xuất hiện của hầu hết các ngôi sao tên tuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Người lao động
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN