NSND Trịnh Thịnh: Đường chiều nắng tắt!
Trịnh Thịnh rời xa con ngõ nhỏ, lặng lẽ như nắng tắt sau một ngày dài miệt mài bung tỏa. Còn lại, đâu đó những-vệt-nắng-loang óng vàng, sóng sánh, nhung mượt trong mắt người ở lại. Những mái đầu trắng, những mái tóc chớm bạc, những mái tóc còn xanh. Có cả những vệt nắng khuya dưới ánh đèn đường lâm thâm sương.
Nước mắt người tiễn đưa rơi xuống, nghẹn ngào, mất mát. Có sự ra đi nào mà không để lại sự những khoảng trống bao giờ? Còn lại chăng, váng vất kỷ niệm trong ký ức người ở lại. Những người thân thuộc, những người làm nghệ thuật và cả những người say mê thưởng lãm điện ảnh, già có, trẻ có.
Cũng như, con tằm một kiếp nằm trọn mình nhả tơ. Tơ vương thì vướng. Dẫu bứt vẫn vương. Cái tình đáp trả cho một kiếp tằm, chỉ bấy nhiêu đã có thể gọi là đủ đầy. Bởi ai sống trong đời này mà không sợ bị lãng quên, lãng quên ngay cả khi mình vẫn còn thở, vẫn còn hít chung khí trời.
Với nghệ sĩ, tin là nỗi sợ ấy càng lớn lao. Sợ mình nhạt, sợ mình phôi pha trong những vai diễn. Càng sợ càng cố vét sức mình.
Đời NSND Trịnh Thịnh im lìm nhưng ông có ảnh hưởng lớn đến điện ảnh Việt Nam
Viết dài như vậy, chỉ để nhắc nhớ một điều, Trịnh Thịnh là diễn viên trưởng thành trong lúc nền điện ảnh nước nhà còn rất khó khăn. Ngay những ngày đầu điện ảnh Việt phôi thai thành hình đã có Trịnh Thịnh. Tình yêu ấy được nuôi dưỡng, hun đúc trong ông cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Tuổi già, sức yếu, trí nhớ hụt hơi, nhưng nhắc đến phim ảnh thì ông minh mẫn lạ thường.
Chẳng thế mà, những năm cuối đời trong cuộc trò chuyện trà dư tửu hậu nhắc nhớ về điện ảnh Việt ông thở dài ngao ngán. Mà cũng đúng, không chán sao được khi thế hệ của ông - những cánh chim đầu đàn của phim Việt với thời bây giờ khác nhau nhiều lắm.
Thời đó, diễn viên đến với nghề bằng cái duyên, diễn vai bằng nụ cười và nước mắt tự chính thẳm sâu trong trái tim mình. Giờ thì khác.
Nghe ông kể, giờ ông không còn xem phim Việt nữa, không phải bởi thích sính ngoại, chê phim nội cũng vì lẽ đó. Nỗi đau đó, nào riêng của Trịnh Thịnh mà tôi đồ rằng, những người thuộc thế hệ của ông, hoặc cả về sau này và những người làm nghề tử tế đúng nghĩa đều đau đáu.
Vai ông nội thằng Bờm đầy duyên của NSND Trịnh Thịnh
Trịnh Thịnh đóng nhiều vai, từ chính diện đến phản diện, từ chính kịch đến hài kịch, vai phụ cũng như vai chính, từ vai quan quyền cho đến một lão nông nhà quê.
Cái hài của ông không đáo để cũng không chua chát, lại càng không hời hợt, dễ dãi. Nó nhẹ nhàng, hồn hậu mà thâm sâu vô cùng. Thị trấn yên tĩnh là một ví dụ điển hình. Người ta nói ông sinh ra để diễn hài vì chỉ cần nhìn mặt, hay những cử động thật nhỏ trên khuôn mặt ấy cũng đủ chọc cười khán giả rồi.
Cái bi qua sự truyền tải của ông càng thêm khắc khổ và ám ảnh. Nhất là trong Lời nguyền của dòng sông. Vì thế, khi nhận đóng vai này, ông sợ diễn bi mà khán giả cười. Thế nhưng, nếu có cười cũng là cười ra nước mắt, cười vì sự chua chát của nhân tình thế thái. Và người ta cười vì ít nhất ông lão thuyền chài đó đã có thể yên lòng nơi chín suối vì sau bao năm bôn ba sông nước với lời thề độc xưa nay đã trở về với đất mẹ.
Ông còn rất nhiều vai diễn ấn tượng khác. Lúc ngây ngô thì ngây ngô hết cỡ như “ông nội thằng Bờm” trong bộ phim cùng tên. Lúc lóng nga lóng ngóng đến mức tội nghiệp trong Tết này ai đến xông nhà. Cái mũi quá cỡ và gương mặt có nét rất đặc biệt đã giúp ông tỏa sáng.
Tuy nhiên, theo cá nhân người viết, có lẽ Trịnh Thịnh hợp nhất với vai những lão nông. Chất thôn quê toát ra từ nụ cười khà khà, chất giọng vang thoáng khàn hơi thuốc lào, tới dáng đi chậm rãi, từ tốn.
Với vai diễn phó chủ tịch huyện trong Thị trấn yên tĩnh và vai ông nội Bờm trong Thằng Bờm, ông được trao Bông Sen Vàng cho Nam diễn viên xuất sắc nhất tại LHP quốc gia lần thứ 8 (1988). Lời nguyền của dòng sông do ông đóng vai chính đoạt giải “Phim xuất sắc nhất” tại LHP Brucxen, Bỉ năm 1992. Năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu NSND.
Lão thuyền chài đã ra đi nhưng ám ảnh vai diễn của ông không dễ gì phai nhòa
Dẫu không được đào tạo qua trường lớp, nhưng vốn sống và sự chịu khó quan sát trong khoảng thời gian làm công việc lồng tiếng đã giúp ông đi sâu, hiểu và cảm được cái hồn của nhân vật. Ông từng nói: “Khi diễn, tôi diễn sao cho giống như mình đang sống cuộc đời của nhân vật, chứ không phải cuộc sống của mình nữa.”
Dù đóng khá nhiều phim nhưng ông chọn phim rất khắt khe. Bởi ông luôn tâm niệm “đã diễn phải là những vai diễn để đời, phải để khán giả nhớ mãi nhân vật trên phim". Vì thế cho nên không ngạc nhiên khi gia tài phim ảnh của ông không đồ sộ với vài trăm vai diễn. Nhưng đổi lại, vai nào của ông cũng ám ảnh người xem, ngay cả khi diễn hài.
Không chỉ là quen thuộc trên màn ảnh trong nước, Trịnh Thịnh còn là gương mặt được nhiều đạo diễn Việt kiều và các nhà làm phim nước ngoài để mắt. Ông từng đảm nhận vai phụ trong Xích Lô (Cyclo) – đạo diễn Trần Anh Hùng, Đông Dương (Indochine) – đạo diễn Régis Wargnier. Bộ phim cuối cùng có sự góp mặt của ông là Tết này ai đến xông nhà của đạo diễn Trần Lực.
Từ đó, Trịnh Thịnh rời xa phim ảnh, lặng lẽ. Rời xa cuộc đời này, lặng lẽ. Vệt nắng cuối cùng của một ngày vừa tắt. Màn đêm tịch mịch phủ vây. Ngõ phố nhỏ chớm hè sớm mai từ nay vắng bóng ông “robot Trịnh Thịnh” để người đối diện nở nụ cười thấy ngày thêm phấn khởi. Bà thôi lắng nghe tiếng bước chân ông từ phố trở về trên cầu thang xập xệ.
Chỉ có nắng chiều vương vít.
Cố NSND Trịnh Thịnh sinh năm 1926. Từ nhỏ, ông đã có niềm đam mê đặc biệt với điện ảnh. Mỗi lần nghe có phim chiếu ở rạp Hàng Da, Hàng Quạt ông tìm đến xem cho kỳ được. Đam mê âm ỉ cháy, ông trở thành nhân viên Ngân hàng Đông Dương. Một hôm, hay tin Hãng xuất nhập khẩu phim của Nga cần tuyển diễn viên lồng tiếng, ông đăng ký tham gia không ngần ngừ. Không lâu sau, đạo diễn Phạm Kỳ Nam bắt tay làm Chung một dòng sông – bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, Trịnh Thịnh đã được mời để góp mặt. Từ cơ duyên ấy, ông đã có một cuộc hành trình dài với điện ảnh Việt với hàng chục vai lớn nhỏ. |