NSND Như Quỳnh: Nhân vật càng ít thoại càng khó diễn
Lúc này, tất cả đều phụ thuộc vào sự nhạy cảm và kinh nghiệm của người diễn viên.
Bộ phim “Người trở về” sẽ được trình chiếu trong Tuần phim kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Trong phim, NSND Như Quỳnh thể hiện vai bà mẹ San – một phụ nữ điển hình thời hậu chiến tranh với những nỗi đau câm lặng. Cùng lắng nghe những chia sẻ của cô về trải nghiệm lần này.
Với những ai đã được xem phim, vai bà San, mẹ của Mây - nữ quân nhân trở về từ cuộc chiến tranh - mà chị thể hiện tuy không phải là vai nữ chính trong phim nhưng rất ấn tượng. Điều đặc biệt là vai này thoại rất ít, chủ yếu là diễn xuất bằng những biểu hiện trên nét mặt. Với một nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm như chị, vai bà San có phải là thử thách?
NSND Như Quỳnh (phải) diễn xuất trong phim “Người trở về”. Ảnh: ĐPCC
- Càng những nhân vật ít xuất hiện trong các phân đoạn, những nhân vật ít lời thoại, nhân vật chỉ có từng đoạn và mỗi đoạn mang một thông điệp cho bộ phim, càng là những nhân vật cực khó thể hiện, chứ không phải những nhân vật xâu chuỗi từ đầu đến đuôi mới khó.
Theo tôi nghĩ, đạo diễn luôn nhờ đến những diễn viên có nghề, nhiều kinh nghiệm, để chuyển tải những nhân vật như vậy. Đó là những nhân vật không được phép nói câu chuyện từ đầu đến đuôi, mà chỉ là từng mảng diễn xuất, đòi hỏi diễn viên phải gắn kết được với các nhân vật chính, bật lên được màu sắc và thông điệp của bộ phim.
Ai cũng biết để nhận được cái gật đầu của NSND Như Quỳnh khi mời chị thể hiện một vai diễn trong phim là không đơn giản. Vậy với một người cẩn trọng như chị, khi tham gia vào phim “Người trở về”, chị có thấy hài lòng với đạo diễn cũng như êkíp đồng diễn?
- Với những người có kinh nghiệm và làm nghề lâu năm như tôi, được hợp tác với đạo diễn Đặng Thái Huyền - một người có tính cách mạnh, bộc lộ rõ ràng thì trong công việc tạo được sự tương quan rất tốt. Còn với các diễn viên trẻ, tính cách đó có thể lại là một rào cản. Nếu không đủ sức thuyết phục một cách mềm mại, nhỏ nhẹ, trình bày suy nghĩ của đạo diễn đến từng diễn viên một cách sâu sắc, cũng sẽ không thuận lợi lắm với các bạn trẻ.
Nhưng trong phim này, các đồng nghiệp trẻ của tôi như Lã Thanh Huyền, Phạm Tiến Lộc, Trương Minh Quốc Thái… đều là những người đóng phim nhiều, có kinh nghiệm trong diễn xuất. Hơn nữa, đạo diễn Huyền là người làm việc có sự chuẩn bị kỹ càng nên đã đưa kịch bản cho diễn viên đọc sớm để thấm, hiểu và tìm tòi, sáng tạo phong cách diễn, nên đến khi làm việc đã bớt được những tranh luận giữa đạo diễn với diễn viên.
NSND Như Quỳnh
Đã từng tham gia nhiều phim về đề tài chiến tranh, với phim “Người trở về”, điều đặc biệt nhất mà chị cảm nhận được là gì?
- Trước đây, tôi đã làm nhiều phim với các đạo diễn trẻ ở mảng phim truyền hình, cũng từng làm với Đặng Thái Huyền qua phim truyền hình “Tấm bản đồ số phận”. Còn đây là phim truyện nhựa, đề tài về hậu chiến. Tôi đã làm nhiều phim về người đàn bà hậu chiến, nên cũng là điều may mắn do có nhiều trải nghiệm.
Ở phim này, vai diễn của tôi dù chỉ rất nhỏ, nhưng lại mang màu sắc rất đặc biệt của những người đàn bà sau chiến tranh phải hứng chịu số phận đau đớn, con cái và gia đình không yên ổn bởi những mất mát không ai tránh nổi. Bà mẹ San là một phụ nữ nông thôn, bà sống ở làng quê mình nhưng có thể đại diện cho mọi bà mẹ nông thôn đã phải chịu những nỗi đau từ cuộc chiến. Có những nỗi đau không nói được thành lời, khiến họ chỉ biết câm nín mà không muốn thở than.
Tôi nghĩ, tôi có thể đóng góp, hỗ trợ và trao đổi với đạo diễn trẻ về những màu sắc tâm lý, hành động của người đàn bà hậu chiến theo cảm nghĩ của mình. Đó là thuận lợi cho cả tôi và đạo diễn.
Đã từng làm phim về đề tài chiến tranh với nhiều thế hệ đạo diễn, vậy chị cảm nhận phim chiến tranh qua cái nhìn của các đạo diễn trẻ khác với thế hệ trước của mình như thế nào?
- Có một sự khác biệt rất lớn, đó là điều đương nhiên. Vì những đạo diễn lớn tuổi từng làm phim chiến tranh đều là những “cây đa cây đề” trong làng điện ảnh. Họ đã trải qua chiến đấu, hoặc có kinh nghiệm va đập trong các trận chiến, thì làm về chiến tranh sẽ dễ dàng hơn. Nhưng các đạo diễn trẻ lại có vũ khí lợi hại là sự mạnh mẽ, quyết đoán, làm về chiến tranh theo cách của người trẻ. Điều đó cũng làm nên sự phong phú trong nghệ thuật.
Các đạo diễn trẻ làm về chiến tranh còn có sự hậu thuẫn của êkip làm phim: Quay phim, họa sĩ thiết kế, đặc biệt là diễn viên hiểu về chiến tranh, tiếp xúc với những nhân vật về chiến tranh, là chất xúc tác để đạo diễn có thể làm tốt công việc của mình, để màu sắc chiến tranh phim của họ thuyết phục được người xem.
Xin cảm ơn chị!
Phim “Người trở về” kể về Mây, một nữ quân nhân trở về làng sau những năm tháng lăn lộn ở chiến trường, nhưng cô không biết rằng, gia đình đã nhận giấy báo tử của cô 1 năm trước. Mây háo hức được gặp người yêu thì lại trở về đúng ngày cưới của anh. Đến khi tìm được hạnh phúc mới lại là lúc cô phát hiện ra mình không còn khả năng làm mẹ… Phim được chiếu trên toàn quốc trong đợt phim kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9. |