“Hài Tết bây giờ toàn khoe hàng”
"Chẳng biết đang diễn hài hay đang là cơ hội cho mấy chân dài khoe hàng", một độc giả viết.
Tình trạng đĩa hài tràn lan đầu năm đã tạo nên một không khí “bát nháo” khiến khán giả như bị tung hỏa mù. Sau loạt bài phản ánh thực tế về các đĩa phim hài Tết 2014 cũng như những bài phỏng vấn về đạo diễn Trần Bình Trọng (đĩa Đại gia chân đất 2, Làng ế vợ) và đạo diễn Phạm Đông Hồng (đĩa Chôn nhời), chúng tôi đã nhận được những phản hồi đa chiều từ phía độc giả.
Các khán giả cảm nhận về phim hài Tết dưới nhiều góc nhìn nhưng phản ánh được nhu cầu nghe, nhìn của số đông. Phần lớn độc giả gửi ý kiến thể hiện sự phản đối với việc câu khách của những đĩa hài lấy hotgirl ngực khủng hay có quá nhiều những câu thoại nhạy cảm trong tiểu phẩm.
Bạn ghi tên nguyenthuong tỏ thái độ bất bình với nội dung nhạt của các tiểu phẩm hài đầu năm: “Tôi xem thấy chán. Năm nay ngay cả táo quân cũng thế. Xem nó có cảm giác khô khan kiểu gì, không biết diễn tả cảm xúc như thế nào. Nói chung là chán, không được như mọi năm nữa. Còn mấy tiểu phẩm hài tết, như Đại gia chân đất, chẳng biết đang diễn hài hay đang là cơ hội cho mấy chân dài khoe hàng. Bảo sao bọn trẻ ngày nay biết nhiều những thứ mà tuổi của chúng chưa nên biết, sao xã hội biến đổi nhanh. Cả bọn con nít xem thì phải lựa chọn hình ảnh sao cho phù hợp chứ. Nhìn qua là đã không muốn xem nữa rồi. Thế này khiến người xem chú ý hình ảnh hơn là nội dung phim. Còn mấy bộ phim còn lại thì hơi khô khan.”
Khán giả bất bình vì hài "khoe hàng", "dung tục" (Ảnh minh họa trong một đĩa hài Tết)
Ý kiến nhận xét về việc “Hài bây giờ toàn khoe hàng” còn được nhiều bạn đọc cùng chia sẻ. Bạn Thảo Trang viết: “Những cô gái chân dài không thể không có mặt trong đĩa hài nhảm. Thế mới câu khách. Các bác đạo diễn thì nói đó chỉ là chi tiết nhỏ. Nhưng ai chả biết các bác lấy những em đó làm mồi. Xem hài cùng bọn trẻ con đúng là chỉ có nước tắt vội cái màn hình”.
Cốt truyện thiếu sáng tạo trong đĩa hài năm nay cũng là một yếu tố khiến khán giả muốn quay lưng. “Quanh đi quẩn lại là mấy cái chuyện lấy nông thôn làm đề tài gây cười. Xem chuyện xử án mà phải tự cù vào nách mình mới cười được. Nhạt như nước ốc” – độc giả Nguyễn Bảo Chi viết.
Khán giả chưa nhận thấy sự đột phá trong những tiểu phẩm hài đầu năm
“Đúng là hài Tết năm nay vừa nhạt, nhảm vừa tục” – bạn độc giả tên Vinh bày tỏ ý kiến – “Những câu chuyện khiến người ta phải vừa cười vừa ngẫm nghĩ như Người ngựa, ngựa người không còn thấy nữa. Thèm được xem một tiểu phẩm hài chất như thế”.
"Làm đĩa hài để kinh doanh nhưng cũng phải tôn trọng khán giả. Đừng đưa những cảnh khoe da thịt phơi bày lên màn hình như thế. Đến người lớn xem còn thấy xấu hổ. Trẻ nhỏ xem xong sẽ ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành động như thế nào là một hậu quả tiềm tàng. Mong các nhà sản xuất hãy lắng nghe ý kiến" - bạn có nick huonggiang tâm sự.
Nghệ sỹ Giang "còi" trong một bài phỏng vấn cũng lắc đầu ngán ngẩm vì tình trạng nhiều đĩa hài mang tính chộp giật. Anh chia sẻ suy nghĩ: “Tôi thấy rằng như vậy là không nên, vì cái hài nhạt, hài rẻ tiền quá. Ví dụ như cứ phải đưa mấy hot girl, hot boy cho mát mắt, hoặc mô típ mấy ông nhân vật trung niên là phải sợ vợ, phải méo mó một tí. Vậy là lấy cái ma lanh, nhanh nhẹn của diễn viên để đẩy tiếng cười lên, chứ không có những tình huống hài thực sự. Tình huống hài phải dở khóc, dở cười thì những người làm phim chưa làm được. Do đó cứ phải mời những diễn viên có tiếng 1 chút để cố “cù” cho khán giả cười.”
Giang "còi" (trái) phản đối việc hài chộp giật đưa hotboy, hotgirl vào để câu khách
Bên cạnh đó cũng có những ý kiến bênh vực một số tiểu phẩm hài ra mắt đầu năm.
Sau bài phỏng vấn đạo diễn Trần Bình Trọng, độc giả tên Quyên chia sẻ suy nghĩ: “Tôi xem mấy phim hài tết của Bình Trọng thì cái thích là hầu như câu chuyện trong phim đều gắn với nông thôn. Báo thì chê tiếng cười bị cù nhưng nếu che chấp đi thì không phản ánh đúng cái thật của nông thôn. Làng Ế vợ tôi thấy hay, hay nhất hài tết năm nay. Tôi không thích che lấp cái thật của nông thôn, mà cứ phản ánh như vậy thì mới làm cho người xem thấy nông thôn vẫn như vậy, nếp sống và văn hóa nó vẫn hình thành từ xưa. Và tôi cũng thích cách diễn xuất của Bình Trọng và ê kíp diễn viên của Làng ế vợ, à quên có nghệ sĩ Quốc Anh nữa” - bạn Quyên viết.
“Hài phải như vậy, dù nhạt và nhảm, nhưng là cười. Hãy nhìn dưới con mắt của nhiều đối tượng khán giả và lứa tuổi khác nhau. Nếu so sánh "Làng ế vợ" với nhiều bộ phim khác, hài khác thì nhiều phim, nhiều hài khác còn thô tục hơn nhiều, nhảm hơn nhiều. Quan trong là sự cuốn hút và nhiều tiếng cười đã là quá thành công rồi.” – độc giả tên Toán nhận xét.