Đời NSƯT Chánh Tín như lá bài sấp ngửa

Sự kiện: Chánh Tín

Cuộc đời ông, ai đó đã ví như những lá bài, sấp hay ngửa như tiền định.

Cách đây hai thập kỷ, Nguyễn Chánh Tín là một trong vài cái tên chói sáng của điện ảnh Việt. Ông gần như hội tụ tất cả ưu điểm từ ngoại hình đến tài năng, tạo nên một tài tử hào hoa, lịch lãm nhất nhì màn bạc. Thời gian trôi, dòng đời vạn biến, danh vọng như phù du người đàn ông một thời “vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa” ấy giờ đây đang đối diện với biến cố lớn nhất đời mình: không nơi nương náu ở cái tuổi chiều nghiêng bóng xế, bệnh tật dày vò, đeo đẳng.

Chánh Tín một thời khiến fan mê như điếu đổ

Cuối năm 1982 Ván bài lật ngửa (8 tập, đạo diễn Khôi Nguyên - tức cố đạo diễn Lê Hoàng Hoa, kịch bản Nguyễn Trương Thiên Lý, hãng phim Giải Phóng sản xuất) công chiếu trên màn ảnh rộng khắp nước, Nguyễn Chánh Tín – với vai diễn Nguyễn Thành Luân trở thành hiện tượng của điện ảnh Việt. Bằng tài năng, kinh nghiệm diễn xuất cùng ưu thế về ngoại hình với dáng cao, gương mặt sáng, vầng tráng vuông, đôi mắt trải đời, Nguyễn Chánh Tín đã gây ấn tượng mạnh mẽ.

Có thể nói Nguyễn Thành Luân là một vai lớn đối với điện ảnh Việt lúc bấy giờ bởi nó làm sống lại cả một thời kỳ lịch sử, lại được thực hiện khá công phu trong giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Đoàn làm phim quay trong thời gian hơn 5 năm (1982-1987) với muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. “Cơm nước ăn như bộ đội, diễn viên, đạo diễn, chuyên viên kỹ thuật đều chuyên trị rau luộc, canh toàn nước và chén mắm kho hay chút cá khô mặn. Nước mắm không có mà ăn, phải lấy nước muối pha màu.”

Đây đồng thời là vai để đời trong sự nghiệp điện ảnh của Nguyễn Chánh Tín. Sau này dù góp mặt trong nhiều bộ phim khác như Ngôi nhà oan khốc, Chiếc mặt nạ da người, Bến sông trăng, Tóc ngắn,… nhưng Nguyễn Thành Luân vẫn là vai ghi đậm dấu ấn ông.

Đời NSƯT Chánh Tín như lá bài sấp ngửa - 1

Nguyễn Chánh Tín lúc 15 tuổi

Vai diễn đã đưa Nguyễn Chánh Tín đến với một bước ngoặt mới, đưa cuộc đời ông sang một trang khác. Vẻ đẹp lãng tử, phong trần của ông đã làm xiêu đổ trái tim bao nhiêu cô gái. Ông trở thành một trong những tài tử “hot” được nhiều khán giả, nhất là những khán giả nữ say mê, ngưỡng mộ, “săn đón” nhiều đến mức đi đâu, ông cũng phải che kín mặt, đeo kính đen, ngủ chỗ nào phải ra vào như hoạt động bí mật.

Có lần tại sân vận động Pleiku, hàng ngàn khán giả chen lấn xô đẩy vào xem chương trình có ông tham gia khiến cánh cửa sắt sân vận động đổ sập... Lần khác, đi diễn ở tỉnh xa, một nữ khán giả vừa trông thấy ông đã ngất xỉu vì… hạnh phúc. Một lần khác, đoàn nghệ sĩ đến phà Gianh, Quảng Bình, gặp bão nên kẹt phà, cả ngàn xe xếp hàng rồng rắn. Đột nhiên có người phát hiện ra Nguyễn Chánh Tín trong đoàn nghệ sĩ. Thế là tất cả các xe đều nhường để chở ông và đoàn qua phà. Một bác tài còn cố với người ra khỏi xe nói: “Xin chào đại tá Nguyễn Thành Luân!”

Bao chuyện dở khóc dở cười do đẹp trai và nổi tiếng mang lại, nhưng đó có lẽ là những kỷ niệm đẹp nhất đọng lại trong cuộc đời nghệ sĩ Nguyễn Chánh Tín. Đáng trọng hơn, dù hào hoa nhưng ông vẫn vun tròn vai trò và trách nhiệm của một người chồng, người cha với người vợ gắn bó từ thuở hàn vi.

Cha cấm cản vẫn quyết theo nghề

Nguyễn Chánh Tín sinh năm 1952, tại Bạc Liêu trong một gia đình có 5 anh em và giàu truyền thống võ học. Ba của ông - cụ Nguyễn Chánh Minh - sinh thời là “hào kiệt” của miệt đất mũi Cà Mau với biệt danh “Nhạn trắng Cà Mau”. Cảm cái tính khẳng khái của cụ Minh, bà Lưu Ngọc Lan – hoa khôi xứ Bạc Liêu lại hát hay đàn giỏi đã đem lòng yêu thương và nên duyên vợ chồng. Gen nghệ thuật của Nguyễn Chánh Tín có lẽ được thừa hưởng từ các bậc thân sinh.

Sinh thời, cụ Nguyễn Chánh Minh rất nghiêm khắc. Ông chỉ muốn hướng con cái hoặc theo nghiệp võ biền, hoặc có một cái nghề ổn định và có vị trí như kỹ sư, bác sĩ. Còn đàn ca, hát xướng nói riêng và nghệ thuật nói chung, ông cấm tuyệt đối. Song, cậu út Nguyễn Chánh Tín ngay từ nhỏ đã sớm bộc lộ năng khiếu hát hò, vẽ vời. Và cũng nhiều lần chịu đòn roi của cha vì mê hát, ham vẽ mà lơ là chuyện học tập. Năm Nguyễn Chánh Tín 15 tuổi thì cụ Minh qua đời, con đường nghệ thuật đến với cậu bé như một sự sắp đặt tình cờ.

Đời NSƯT Chánh Tín như lá bài sấp ngửa - 2

Nguyễn Chánh Tín và vợ - ca sĩ Bích Trâm

Duyên tiền định một "kiếp cầm ca"

Vốn có khiếu văn nghệ, ngay từ khi còn là học trò trường Mạc Đĩnh Chi (một trường ở ngoại ô Sài Gòn), ông đã được biết đến sau một show truyền hình. Hôm thi văn nghệ liên trường, Nguyễn Chánh Tín được giao hát lĩnh xướng giọng nam cho trường ca Hòn vọng phu, đằng sau là 40 người bạn học với 4 bè. Sau phần thi, vì một sự cố, ông được đạo diễn chương trình đã yêu cầu “cậu lĩnh xướng hồi nãy” ra hát lấp thời gian trống.

Luống cuống, Nguyễn Chánh Tín chọn ngay hai bài đang nổi của nhạc sĩ Phạm Duy là Tìm nhau và Nghìn trùng xa cách. Vì nằm ngoài dự kiến, nên sân khấu trống trơn, đạo diễn phải chọn cách tắt hết đèn, chỉ để một vệt sáng rọi xuống gốc cây, Nguyễn Chánh Tín ngồi hát như độc thoại.

Bị hẫng, Nguyễn Chánh Tín bèn xin một điếu thuốc, vừa hút thuốc, vừa hát, như một người đàn ông từng trải đối diện với mất mát. Anh thư sinh áo trắng ngồi bên gốc cây, dưới vệt sáng ánh đèn, tạo hình như người thất tình. Trong một khoảnh khắc tâm trạng, tay chống cằm, hát xong còn dụi dụi điếu thuốc dưới giày, trầm tư một lúc rồi sân khấu chìm vào bóng tối. Và sau một đêm, khoảng 40 tờ báo của Sài Gòn đồng loạt đăng tin về “hiện tượng” người thể hiện bài hát Nghìn trùng xa cách của đêm đó.

Sau khi đọc báo, nhạc sĩ Phạm Duy đã cùng Dương Thiệu Tước vào tận trường để tìm bằng được “ông thầy” đã hát thành công vang dội ca khúc của mình. Đến lúc gặp mặt, hai vị nhạc sĩ càng thêm trân quý cậu học trò trẻ măng. Năm đó, Nguyễn Chánh Tín đoạt huy chương vàng của liên hoa ca nhạc học sinh. Cùng với sự giúp đỡ của hai vị nhạc sĩ, ông như người đi hài bảy dặm, bước thẳng vào các phòng trà ca nhạc nổi tiếng bấy giờ như QueenBee, Tự Do, Khánh Ly, Lệ Thu, Macabane...

Đi "hài bảy dặm" bước vào điện ảnh

Rồi cũng từ sân khấu phòng trà, với gương mặt điển trai và cách diễn xuất lạ, ông đi một đôi hài bảy dặm khác vào lĩnh vực điện ảnh. Hình ảnh Nguyễn Chánh Tín không rời điếu thuốc mặc nhiên đi vào điện ảnh. Ông được công chúng biết đến từ những năm 1971, 1972, và là diễn viên, ca sĩ nhận thù lao cao nhất trong lứa tuổi đó. 1973 thực sự là năm thành công của Nguyễn Chánh Tín khi ông được trao huy chương vàng điện ảnh và giải Kim Khánh về âm nhạc do 40 tờ báo hàng đầu Sài Gòn bình chọn.

Cũng năm này, ông làm đám hỏi với cô ca sĩ đồng thời là bạn học cùng trường Luật – Bích Trâm. Người đã tận tụy, hy sinh và chia ngọt sẻ bùi với ông đến ngày hôm nay. Thời gian đó, Nguyễn Chánh Tín tham gia các phim như Đời chưa trang điểm (1973, đạo diễn Bùi Sơn Duân), Vĩnh biệt tình hè (1974, đạo diễn Lê Mộng Hoàng) và Vòng tay học trò (đóng với minh tinh Kiều Chinh, nhưng chưa công chiếu thì đến ngày giải phóng).

Đời NSƯT Chánh Tín như lá bài sấp ngửa - 3

Nguyễn Chánh Tín trong vai đại tá Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa

Hai năm sau 1975, vợ chồng ông đầu quân cho đoàn kịch nói Bông Hồng của nghệ sĩ Thẩm Thuý Hằng và nổi lên với các vở Hoa sim gai trắng, Cho tình yêu mai sau... Rồi bước vào điện ảnh cách mạng với các phim Tình đất Củ Chi, Giữa hai làn nước... nhưng lương ba cọc ba đồng, không đủ sống. Cả hai vợ chồng đầu tắt mặt tối chuyển qua buôn thơm, bán rau muống ở chợ Lớn mà lỗ chổng gọng.

Nhìn vợ bụng mang dạ chửa ngồi suốt ngoài chợ, chịu không nổi, Nguyễn Chánh Tín nhảy sang buôn lưỡi lam, kim chỉ với một người chị của bạn. Lời chẳng được bao nhiêu mà cái cực và hiểm nguy đeo bám miết. Bế tắc không biết tương lai ra sao (vợ chồng Nguyễn Chánh Tín không có hộ khẩu Sài Gòn nên không được mua hàng bao cấp), vợ chồng ông tìm đường vượt biên sang Campuchia thì bị phát hiện.

Lao đao khi tuổi xế chiều

Nguyễn Chánh Tín không chỉ có “chất” nghệ sĩ mà còn rất mê làm kinh doanh. Có lẽ là vì cái nghèo, cái khổ của những năm tháng khốn khó đã ám ảnh ông. Cũng có thể vì con người ham làm, yêu việc ấy bứt rứt trước cảnh “ngồi chơi xơi nước”. Khoảng năm 1996, khi thời hoàng kim của phim “mì ăn liền” bắt đầu vãng bóng, ông cùng một số anh em mở nhà hàng Ngói Xanh (vợ ông làm đầu bếp vì bà vốn có tài “thao lược” nội trợ), xem như một cuộc ngơi nghỉ, rời xa điện ảnh.

Khốn nỗi, khách tới nhà hàng ai cũng vừa muốn “cụng ly” với Nguyễn Chánh Tín, vừa muốn nghe ông hát. Quý cái tình của khách, ai ông cũng không nỡ chối từ. Vừa cụng vừa hát riết thành bệnh. Thành ra, được ít lâu thì quán đóng cửa, không phải vì ế mà vì ông sợ… chết.

Ngày 14/3 vừa qua, dư luận tiếp tục bàng hoàng khi hay tin ông gửi đơn cầu cứu VKSND tối cao, TAND tối cao, Cục Thi hành án dân sự TPHCM tạm hoãn thi hành án thu hồi nhà vì ông vừa từ bệnh viện trở về chưa có thời gian tìm nơi nương náu.

Theo như lời ông kể thì tất cả bắt nguồn từ khi gia đình thực hiện phim Dòng máu anh hùng, ngốn hết 1,5 triệu USD. Để có tiền trang trải, ông đã đứng ra vay ngân hàng số tiền lên đến 8,3 tỉ đồng. Số tiền nợ càng tăng lên và đến nay năm 2009 đã là 10,5 tỷ. Chuyện căn nhà của ông cũng nhiều rắc rối khiến nó đang bị đếm từng ngày chờ thu hồi.

Đời NSƯT Chánh Tín như lá bài sấp ngửa - 4

Bước qua tuổi lục tuần, Chánh Tín vẫn bôn ba với cơm áo cuộc đời

Có những đam mê ở phút chốc nào đó, vì mỏi mệt tạm lắng. Nhưng, đã là đam mê thì cuống rễ của nó ăn sâu vào tận huyết mạch. Để một lúc nào đó, trước thực tại của đời sống, nó lại bùng lên. Tôi tin, tình yêu của Nguyễn Chánh Tín với điện ảnh được nuôi dưỡng từ thứ đam mê tràn chảy đó. Và bi kịch của ông cũng từ đam mê đó mà ra. Từ thập niên 90, Nguyễn Chánh Tín chuyển sang sản xuất và góp phần hồi sinh dòng phim kinh dị Việt, vốn đã bị bỏ quên từ 15 năm trước đó.

Ông làm Ngôi nhà oan khóc (1992) với mức đầu tư khoảng 300 triệu và thu về hơn 1 tỷ đồng. Sau cú đột phá này, ông sản xuất tiếp Chiếc mặt nạ da người với thành công ngang ngửa. Sau Dòng máu anh hùng (2007), ông còn đầu tư làm một số phim như Chết lúc nửa đêm (2008), Hiệp sĩ guốc vông (2013), … nhưng đều thất bại.

Bước vào tuổi ngoài lục tuần, cái tuổi vinh quang đã tắt, hào hoa cũng không còn, người ta đã tính đến hoặc bước vào những cuộc ngơi nghỉ sau đoạn đời cống hiến thì ông vẫn cực nhọc, lao ra đường kiếm tiền và đối diện với bao lo toàn thường nhật.

Việc ông lập công ty TNHH Chánh Tín - CTF nhằm lập dự án trồng rau sạch tại xã với diện tích 5 ha tại Lâm Đồng cũng rơi vào bế tắc, phá sản.

Trước những biến cố ấy, với bao căn bệnh trong người, liệu ông còn bao nhiêu sức lực để gắng gượng vực dậy như thời trai trẻ? Một đời người danh vọng tài hoa tột đỉnh hóa ra cũng chỉ là “hữu danh vô thực”. Cuộc đời ông, ai đó đã ví như những lá bài, khi còn sấp, người ta thường nghĩ đến con số cao, may mắn và đẹp đẽ, đến khi “lật ngửa” thì… còn lại gì?

Bi kịch của Nguyễn Chánh Tín, theo tôi là bi kịch của một người muốn làm đẹp cho đời nhưng tư tưởng lại lạc thời, không kịp biến chuyển, thích ứng với cuộc sống quá nhiều biến động. Một người như vậy, đáng thương hơn đáng trách…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Phan ([Tên nguồn])
Chánh Tín Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN