Chạnh lòng nhớ NSƯT Hồ Kiểng!

Tháng 4, hanh hao nắng, bàng bạc những nỗi buồn. Trời đang trưa mà vẫn bảng lảng. Có cái gì đó xon xót, chạnh lòng khi nhớ đến ông lão lưng còng, hom hem tiều tụy, đi như bơi sấp, hồn nhiên nụ cười móm mém: “Đây nè, cái gì trên người bác cũng giả hết. Răng giả, hộp sọ giả, xương sống giả, tim giả,...”

1. Mới đó mà đã một năm ông rời xa cõi tạm về thế giới bên kia. Không biết, ở nơi người ta thường tin là cõi vĩnh hằng ấy, ông có còn bơi sấp bơi ngửa đi phim, và quên đi những đớn đau phải gánh chịu về thể xác? Hay ông lại ngẩn ngơ nhớ, vương vít cái cõi tạm này? Cái cõi mà ông đã sống trọn vẹn với khí chất của một người nghệ sĩ đến phút cuối cùng? Như một người anh đồng nghiệp của tôi khi viết về ông mắt ngân ngấn nước gõ máy tính: “NSƯT Hồ Kiểng: Sống trọn vai đời.”

Chạnh lòng nhớ NSƯT Hồ Kiểng! - 1

Hình ảnh ông Ba Ngù trong Đất Phương Nam vẫn còn đầy ám ảnh

Năm ngoái, ngày này, tin ông mất đến với tôi và nhiều người yêu quý ông đột ngột, bàng hoàng. Bởi chiều hôm trước, người ta còn thấy ông yêu đời nghêu ngao trong câu lạc bộ hưu trí ở hãng phim Giải Phóng. Có ai ngờ đó là lần cuối cùng được gặp ông. Cũng như có ai ngờ, Mùa hè lạnh là phim cuối cùng ông góp mặt.

Buổi ra mắt phim hôm ấy, ông như người đi lạc giữa những rượu, nước sóng sánh, giữa những phấn son, hàng hiệu. Bộ phim ấy người ta có thể thích hoặc không thích nhưng tin chắc rằng, không ai có thể chê diễn xuất của ông.

Là một nghệ sĩ đa tài, Hồ Kiểng đóng phim từ năm 1959. Tính đến lúc nhắm mắt xuôi tay, ông đã tham gia hơn 200 phim, hầu như là vai phụ, với các vai đáng chú ý trong Ván bài lật ngửa, Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô, Tuổi thơ dữ dội, Đất Phương Nam...  

Ngoài ra, ông còn tham gia lồng tiếng thú (chó, mèo, cọp, gà…) cho 16 phim múa rối, vẽ 6 bộ phim hoạt hình Việt Nam đầu tiên, có mặt trong 304 vở kịch của chuyên mục Câu chuyện xóm làng miền Nam, tham gia hơn 50 vở kịch khác, xuất hiện trong 12 vở tuồng cải lương, sáng tác được 664 bài thơ (trong đó có 19 bài đoạt giải trong các cuộc thi). Ông là tác giả của 241 bài vọng cổ, tiểu phẩm, tấu hài.

Gần cuối đời, ông ấp ủ dự định in một tập thơ. Tiếc là, cái dự định cuối cùng ấy cũng dở dang như chuyện đời ông.

Đóng vai phụ mà vẫn tỏa sáng, định danh “người chuyên đóng vai phụ”, thử hỏi mấy ai làm được như nghệ sĩ Hồ Kiểng? Dù chỉ xuất hiện vài giây trên màn hình, tiền thù lao chẳng được bao nhiêu, ông vẫn chăm chút và sống hết mình với vai diễn.

Một cái nhếch mép, một cái đưa mắt, một điệu cười đủ khắc nhân vật ông trong lòng người xem.

Chạnh lòng nhớ NSƯT Hồ Kiểng! - 2

NSƯT Hồ Kiểng khi quảng bá cho Mùa hè lạnh - bộ phim điện ảnh cuối cùng của ông

Ký ức tôi đọng sâu hình ảnh một lão nông khắc khổ, run rẩy, nước mắt lưng tròng cắn con cá lóc đang giãy đành đạch, máu đỏ bê bết rồi nôn thốc nôn tháo trước con mắt thỏa mãn của tên địa chủ độc ác trong phim Những nẻo đường phù sa. Cảnh ăn cá sống đấy, sau này tôi mới biết là cảnh quay thật một trăm phần trăm.

Vai diễn thứ hai của ông tôi được theo dõi từ đầu đến cuối là vai ông Ba Ngù trong phim Đất phương Nam của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Một ông già nghiện rượu khắc khổ, hơi quai quái nhưng hiền lành và tốt bụng, sẵn sàng cưu mang chú bé An mồ côi, lang bạt. Được biết, vai này, đạo diễn viết riêng cho ông để khai thác khả năng diễn xuất và hò vè của ông.

2. Cũng cần phải nói thêm rằng, trong sự nghiệp đạo diễn, đến thời điểm này, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn chỉ làm 3 bộ phim. Cả 3 đều để lại dấu ấn trong lòng người xem cũng như đoạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước. Đó là Tuổi thơ dữ dội, Đất Phương NamTrăng nơi đáy giếng. 2 trong 3 bộ phim đó đều có sự góp mặt của nghệ sĩ Hồ Kiểng.

Sau ngày nghệ sĩ Hồ Kiểng mất, tôi có gọi điện xin gặp đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn, để được nghe ông chia sẻ những kỷ niệm về nghệ sĩ Hồ Kiểng. Bởi tôi nghĩ, không ai có thể đánh giá đúng khả năng của diễn viên như đạo diễn. Ở khía cạnh cá nhân, để một người từng gắn bó với ông không chỉ trong nghề mà còn ở một vài thời đoạn của cuộc sống nói về ông có lẽ là đủ đầy nhất.

Lật mở từng vạt ký ức về người chuyên đóng vai phụ, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn không kiềm được xúc động. Lâu lâu, ông lại ngước lên trần nhà sợ nước mắt rơi…

Với tôi, chú Hồ Kiểng là một người rất đặc biệt về ngoại hình, tính cách, tài năng lẫn tâm hồn. Lần đầu tiên tôi thấy ông trên màn ảnh là khi ông đóng vai lão chủ tiệm cầm đồ trong phim “Con thú tật nguyền” của đạo diễn Hồ Quang Minh. Tôi ấn tượng mãi vai diễn này. Dù chỉ kéo dài vài phút, đạo diễn chỉ cho phép ông lấp ló khuôn mặt sau ô cửa quầy cầm đồ. Vậy mà, với động tác ngước mặt lên dò hỏi, đôi mắt nheo lại đầy nghi ngờ, lông mày xếch lên vẻ tính toán, miệng nhếch lên vài câu đối đáp, ông đã tạo cho nhân vật chính đang đứng trước quầy cầm đồ một tình huống bi hài đầy kịch tính” – đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn kể.

Chạnh lòng nhớ NSƯT Hồ Kiểng! - 3

Ông già đeo kính không tròng nhưng nhìn thấu dạ người trắng đen

Theo đạo diễn của Đất Phương nam thì NSƯT Hồ Kiểng thường nặng về những vai quái quái, phản diện một chút, có lẽ là do ngoại hình của ông mang lại. “Nếu xét về hình thể, ta có thể nghĩ: trời sinh ông không phải để đóng phim. Nhưng rồi, ông đã biến vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt góc cạnh đầy ranh mãnh, dáng điệu còm cõi của mình thành những vai diễn độc đáo. Ông thực sự là bậc thầy của nét diễn bi hài. Tuy nhiên, tôi lại thích ông hóa thân vào những vai chân chất hơn, vì nó đúng với con người thật của ông nên trong bộ phim đầu tay “Tuổi thơ dữ dội”, tôi mời ông vào vai một lão nông”.

Cả sự nghiệp luôn đảm nhận vai phụ nhưng với Hồ Kiểng, phụ mà thành công và còn được nhớ đến hơn cả vai chính. Dù chỉ là vai phụ nhưng nếu một diễn viên khác đóng, nó sẽ trôi tuột đi còn Hồ Kiểng sẽ thu hút và khiến người xem nhớ mãi bởi cách nói, cách diễn của ông. Có được điều đó chính bởi sự tận tâm, tận lực đối với từng vai diễn.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn nhớ như in khi ông bắt tay làm Đất phương Nam: “Ông có tài hò vè, đọc ca dao, hát cải lương, ứng đối rất hay và rất duyên nhưng nó chỉ được ông sử dụng chơi chứ chưa được đưa vào phim. Thế là, lúc bắt tay vào viết kịch bản Đất phương Nam, tôi nhắm đến ông và bắt đầu tạo dựng nhân vật. Lúc ấy, tôi viết, còn ông ngồi kế bên hò vè để tôi chọn ra những câu phù hợp với từng cảnh quay. Có khi ông hò đến hai mươi câu mà tôi vẫn chưa chọn được câu nào, ông vẫn kiên trì ngồi với tôi để chọn cho được câu phù hợp”.

Chạnh lòng nhớ NSƯT Hồ Kiểng! - 4

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn từng có cơ hội hợp tác nhiều lần với NSUT Hồ Kiểng

Nghệ sĩ Hồ Kiểng là người rất đáng quý, tôi nghĩ không chỉ tôi mà còn có rất nhiều người công nhận điều ấy. Là một diễn viên lâu năm, lại lớn tuổi nên ông có những ưu đãi riêng khi theo đoàn phim nhưng ông không bao giờ đòi hỏi điều gì để đoàn phim phải đáp ứng. Ngược lại, ông rất gần gũi với anh em và nhiệt tình với vai diễn.

Vai Ba Ngù trong “Đất Phương Nam” rất cực. Riêng phần hóa trang không cũng đã mất 3 tiếng. Mỗi lần vào vai, ông luôn dậy sớm chuẩn bị, không để ai phải chờ, phải đợi. Còn trong cuộc sống, ông nghệ sĩ lắm! Không tranh giành, không đòi hỏi bất cứ đãi ngộ gì cho mình, ngay cả danh hiệu được phong tặng. Ai làm được gì cho ông thì làm. Chuyện cơm áo gạo tiền, ông cũng thoát tục, không áp lực lắm.

Lúc nào tôi cũng thấy ông lạc quan, vui vẻ. Những lúc buồn, ông lại làm thơ, kể chuyện tiếu lâm để giãi bày chứ không hề than phiền. Tôi chưa bao giờ nghe ông nhờ cậy hoặc xin xỏ việc gì từ bất cứ ai” – đạo diễn nổi tiếng này kể thêm.

3. Nhắc đến cố nghệ sĩ Hồ Kiểng, người ta còn nhớ đến cặp kính không tròng của ông. Nhiều người nói vui, ông xì-tin quá đỗi. Có người bảo, ông đeo vì cái tính quai quái của ông. Riêng người viết lại nghĩ, một người thăng trầm, từng trải, chuyện riêng ít khi bày tỏ, ông đành bày tỏ qua sự giễu nhại đó chăng? Như 4 câu thơ ông tự trào: Hồ Kiểng đeo kiếng không tròng/ Nhưng anh vẫn thấy ngoài, trong cuộc đời/ Dẫu rằng thiên hạ trêu cười/ Kiểng còn nhìn thấu dạ người trắng đen.

Chạnh lòng nhớ NSƯT Hồ Kiểng! - 5

Đôi bạn già Mạc Can - Hồ Kiểng giờ mỗi người một nơi

Một người bạn khác gắn bó như “hình với bóng” với nghệ sĩ Hồ Kiểng là “ông già” ảo thuật Mạc Can. Người ta thường thấy ông già tròn tròn, lùi lủi đèo ông già gầy nhom hay móm mém cười trên chiếc cup cà tàng, lỉnh kỉnh đồ đạc đi diễn đắp đổi qua ngày.

Mà hai ông, tính nghệ sĩ như nhau mặc người ta trả bao nhiêu thì trả, chẳng khi nào phàn nàn. Mấy lúc nghe nghệ sĩ Mạc Can cà rỡn mà chua chát: “Cái bao thư nó mỏng dính như ông”, ông khoát tay cười hiền. Ngày ông mất, nghệ sĩ Mạc Can đưa tay dụi đôi mắt đỏ hoe: “Mốt tui đi diễn một mình rồi…” Nước mắt rỉ ra từ đôi mắt ngầu đục. Thương bạn mà cũng thương mình.

Tròn một năm ngày mất nghệ sĩ Hồ Kiểng, xin thắp nén nhang tưởng nhớ ông – người đã tận hiến cả đời mình, một cách hồn nhiên, cho nghệ thuật.

Trích đoạn NSUT Hồ Kiểng hò trong Đất phương Nam

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Phan ([Tên nguồn])
Xót xa đời nghệ sĩ nghèo Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN