Cánh diều vàng: Trao giải cho phim ít dở hơn

Có thể nói đêm trao Giải Cánh diều 2013 sắp diễn ra là cuộc đấu giữa các phim dở và phim ít dở hơn. Kinh phí tổ chức eo hẹp, Ban tổ chức đã quyết định sẽ không lên sóng trực tiếp mà ghi hình và phát lại.

Thiếu sức hút

13 phim truyện điện ảnh; 15 truyện truyền hình dài tập với tổng số 429 tập phim; 9 phim truyền hình ngắn tập; 14 phim hoạt hình; 6 phim tài liệu điện ảnh; 44 phim tài liệu truyền hình, 12 phim khoa học (1 phim điện ảnh); 21 phim truyện ngắn; 22 phim tài liệu ngắn; 2 phim hoạt hình ngắn và 4 công trình nghiên cứu lý luận phê bình điện ảnh - đó là những con số được Ban tổ chức công bố về các ứng cử viên Giải Cánh diều 2013. 

Cánh diều vàng: Trao giải cho phim ít dở hơn - 1

Cảnh trong phim Thần tượng

Tuy nhiên, ở bất cứ kỳ liên hoan hay giải thưởng nào, “át chủ bài” vẫn là phim truyện nhựa thì trong số 13 phim năm nay, những ứng viên sáng giá rất ít ỏi. Ông Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh, Trưởng ban Tổ chức giải cho biết: “Hội đã gửi thư mời đến tất cả các hãng phim, các nhà sản xuất để họ chủ động tham gia. Nhưng nhiều hãng từ chối với lý do rằng phim họ không phù hợp với tiêu chí nên không dự giải. Có hãng thì cho rằng phim của họ còn khai thác ở rạp nên “khất” sang giải năm sau”.

13 phim truyện nhựa dự giải năm nay bao gồm: “Những người viết huyền thoại”, “Tèo em”, “Săn đàn ông”, “Và anh sẽ trở lại”, “Sau ánh hào quang”, “Thần tượng”, “Hiệp sĩ guốc vông”, “Âm mưu giày gót nhọn”, “Cô dâu đại chiến” phần 2, “Đường đua”, “Tiền chùa”, “Gác kiếm”, “Tía ơi”. Điểm qua các phim này có thể thấy nổi rõ 2 trường phái, đó là “phim dở” và “phim ít dở hơn”.

Ngay trong ngày đầu tiên chiếu phim cho giám khảo, rất nhiều nhà báo trong ban giám khảo báo chí đã thất vọng thốt lên: “Thế này mà cũng gọi là phim hay sao?”. Các bộ phim được liệt vào hàng thảm họa nhảm và nhạt có thể tính đến “Hiệp sĩ guốc vông”, “Săn đàn ông”, “Tía ơi”, “Gác kiếm”… vì quả thực còn chưa “sạch nước cản”, không thể xác định thể loại là cải lương chuyển thể hay kịch truyền hình. 

Những phim là “Vua phòng vé” như “Tèo em”, “Cô dâu đại chiến 2”, “Tiền chùa”, “Âm mưu giày gót nhọn”… thì cách làm chuyên nghiệp hơn nhưng lại có cái dở là đậm chất Hollywood, tình tiết vô lý của câu chuyện cứ như một kiểu “cưỡng ép” người xem phải chấp nhận, còn tin hay không thì... tùy. 

Nếu để điểm danh các ứng cử viên thì có lẽ cuộc đua chỉ xoay quanh 2 bộ phim “Những người viết huyền thoại” và “Thần tượng”, trong đó “Những người viết huyền thoại” đã có Giải Bông sen Vàng ở Liên hoan Phim quốc gia năm 2013 nên chưa chắc Ban giám khảo đã chịu chấp nhận “ăn lại” món của người khác.

Vậy nên rất nhiều “tin đồn” hành lang cho rằng “Thần tượng” nhiều khả năng chiếm giải cao năm nay vì chí ít đó cũng là một bộ phim “sạch sẽ” tuy thuộc phong cách đơn giản, dễ hiểu cho lứa tuổi teen. 

Chọn phương án an toàn

Nhiều năm liền, Giải Cánh diều được truyền hình trực tiếp, nhưng mỗi mùa giải khi kết thúc là bao nhiêu chuyện ì xèo, nào là tổ chức luộm thuộm, thiếu chuyên nghiệp, nghệ sĩ không được phát biểu câu nào, MC vấp váp, nhầm lẫn… Có lẽ vì vậy mà năm nay, Ban tổ chức quyết định sẽ chọn phương án an toàn: Ghi hình và phát sóng lại vào ngay tối tiếp theo, sau khi đã cắt gọt những chi tiết rườm rà không cần thiết. 

Lễ trao Giải Cánh diều Vàng được tổ chức lúc 20 giờ ngày 15/3 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội.

Các bộ phim truyện điện ảnh tham dự được chiếu miễn phí phục vụ khán giả tại các rạp chiếu phim lớn ở Hà Nội.

Thôi thì nếu căn cứ vào những gì mà lễ trao Giải Cánh diều đã thể hiện trong suốt các năm qua, giải pháp này là hợp lý hơn cả. Ban tổ chức cho biết, kinh phí năm nay eo hẹp, chỉ có 600 triệu đồng cho lễ trao giải, nên không đủ điều kiện tổ chức để phát sóng trực tiếp. Chỉ có 50 nghệ sĩ trong Nam được mời ra Hà Nội, bay bằng tài trợ của hãng hàng không giá rẻ.

Gương mặt được “chọn mặt gửi vàng” là đạo diễn Đỗ Thanh Hải, hy vọng “gu” của đạo diễn năm nay sẽ khác với các năm trước, khán giả sẽ đỡ phải xem những màn múa chẳng ăn nhập, kéo dài lê thê làm mất thời gian của buổi lễ. 

Nhiều năm nay, đã có ý kiến của chính những người trong nghề cho rằng, Cánh diều nên thay đổi cách tổ chức, đừng cố để hoành tráng, hào nhoáng trong khi thực lực khó khăn và chất lượng của phim thì chỉ ở mức… tầm tầm.

Giải nên trở về đúng với tính chất của hội nghề nghiệp, kinh phí nên tập trung cho giải, có phim đúng chất lượng thì trao, không thì thôi chứ đừng bỏ tiền ra tổ chức những buổi lễ trống dong cờ mở truyền hình trực tiếp để rồi cuối cùng tự ép mình phải chọn ra vàng dù vàng rất non. Có lẽ Ban tổ chức Cánh diều nên suy nghĩ nghiêm túc về ý kiến này để có những bước cải tiến vào những năm tiếp theo. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Thu (Dân Việt)
Cánh diều vàng 2023 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN