Cánh diều 2012: Diều lại "đói gió"

Xét một cách toàn diện, lễ trao giải Cánh diều 2012 đã diễn ra một cách sạch sẽ. Tuy nhiên, để nói về một dấu ấn, có lẽ đó vẫn là điều đáng mơ ước.

Cánh diều ước mơ được “no gió”

Đã thành thông lệ, hàng năm lễ trao giải Cánh diều thường được tổ chức sau lễ trao giải Oscar khoảng 2 tuần lễ. Với một giải thưởng có quy mô toàn cầu và đã có tuổi đời 85 năm như Oscar, không có gì ngạc nhiên khi nhiều lần Cánh diều từng “học đòi” Oscar và không ngại sao chép cách thức tôn vinh những người làm nghệ thuật.

Thế nhưng năm nay, kỷ niệm đúng 10 năm Cánh diều bắt đầu “đón gió”, diễn viên, MC Quyền Linh tự tin sẽ làm nên chuyện khi quyết định có nhiều thay đổi.

Cánh diều 2012: Diều lại "đói gió" - 1

Không khí lễ trao giải đơn giản, ấm cúng và trang trọng

Có thể nói, điều dễ nhận thấy nhất ở lễ trao giải Cánh diều 2012 chính là sự giản tiện, ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ, trang trọng.

Với tất cả hơn 20 hạng mục giải thưởng được trao cho các thể loại từ điện ảnh đến truyền hình, phim khoa học, tài liệu, hoạt hình… thời lượng chương trình kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ. Trước đó, thảm đỏ của lễ trao giải cũng đón chào các ngôi sao với nghi thức trang trọng nhất.

Nghi thức tôn vinh NSND Nguyễn Huy Thành và đạo diễn, NSND Trương Qua vì những cống hiến đặc biệt xuất sắc của hai nghệ sĩ cho nền điện ảnh dân tộc đã khiến lễ trao giải mở màn xúc động.

Trong suốt lễ trao giải, việc mời các nghệ sĩ thành danh một thời lên sân khấu công bố các hạng mục giải thưởng cũng là một cách tôn vinh truyền thống có từ nhiều năm nay của Cánh diều. Vì thế cho nên, sự xuất hiện của NSND Trà Giang, Lý Hùng, Việt Trinh, HH đền Hùng Giáng My, DV Diễm My… nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ phía khán giả.

Bên cạnh đó, sự góp mặt của rất nhiều gương mặt đình đám của nền điện ảnh Việt ở thời kỳ hiện tại: Ngô Thanh Vân, Lý Nhã Kỳ, Mai Thu Huyền, Trần Bảo Sơn hay các người đẹp Hoàng Yến, HH Đặng Thu Thảo… khiến sân khấu bớt hiu quạnh hơn.

Cánh diều 2012: Diều lại "đói gió" - 2

Dàn mỹ nhân khiến cánh diều bớt "cô quạnh"

Xen kẽ giữa các phần trao giải chính là 4 tiết mục văn nghệ mang 4 màu sắc hoàn toàn khác nhau, tạo nên một bức tranh đa sắc. Đó là màn ca vũ kịch của các em nhỏ mô phỏng một phim trường thu nhỏ. Màn trình diễn của ca sỹ Phương Thanh và DV Quyền Linh với ca khúc Những nẻo đường phù sa giúp khán giả nhớ lại thời kỳ vàng son của phim Việt.

Màn trình diễn của Uyên Linh và Phạm Anh Khoa với ca khúc Chờ người nơi ấy lại cho thấy một sự mới lạ, độc đáo. Và phần kết chương trình, ca khúc Bay qua phần thể hiện của Thu Minh đã nói thay ước muốn cho Cánh diều được bay cao, bay xa.

Lắm sạn, nhiều lúng túng

Tuy nhiên tất cả những thay đổi nói trên đều là chưa đủ với một giải thưởng từng được ví là “Oscar của Việt Nam”.

Xem xong lễ trao giải năm nay, nhiều người vẫn phải lắc đầu vì không biết đến bao giờ, giải thưởng danh giá này được tôn trọng và tôn vinh xứng đáng với vị trí của nó.

Cánh diều 2012: Diều lại "đói gió" - 3

Cầm giấy trên tay để đọc nhưng 2 MC vẫn vấp khá nhiều

Từng tuyên bố sẵn sàng nhận mọi phản hồi từ phía dư luận, lần này MC Quyền Linh đã gánh một trách nhiệm quá lớn. Vừa đảm nhận vai trò đạo diễn, kiêm MC, khách mời trình diễn… khiến anh phần nào không làm tốt vai trò của mình trên sân khấu.

Nói vấp, thiếu sự tung hứng ăn ý và sai các hạng mục, tên người nhận giải là điều không khó để bắt gặp tại lễ trao giải năm nay.

Sự lúng túng có thể thấy ngay trong phần công bố hạng mục đầu tiên dành cho Công trình nghiên cứu khoa học. Vì tên giải thưởng quá dài, tên người thắng giải và chức danh của họ cũng chẳng hề dễ nhớ chút nào cho nên mới có chuyện khi khách mời vừa công bố giải thưởng xong, Trương Ngọc Ánh đã lúng túng không thể nhắc lại. Cô khẽ giật áo của Hoài Linh và gọi nhỏ anh nhưng khoảnh khắc đó đã vô tình lọt vào khung hình trên sân khấu.

Chưa dừng lại ở đó, lỗi MC còn thuộc về Quyền Linh khi anh đọc nhầm Đặng Thu Thảo từ Hoa hậu Việt Nam 2012 thành Hoa hậu điện ảnh và chính Ngọc Ánh phải khẳng định rất rành mạch anh mới nhớ kĩ.

Đáng kể nhất ngay cả khi công bố hạng mục quan trọng nhất Phim điện ảnh xuất sắc nhất cô còn gọi nhầm tên thành phim truyền hình điện ảnh.

Cánh diều 2012: Diều lại "đói gió" - 4

Chiến thắng của Thái sư Trần Thủ Độ khiến nhiều người ngã ngửa

Nhiều người ví lễ trao giải Cánh diều năm nào cũng giống như một lễ tổng kết đơn thuần. Và năm nay, vết xe đổ đó tiếp tục lặp lại.

Không khí tẻ nhạt diễn ra từ đầu đến cuối lễ trao giải khi các khách mời cứ lặng lẽ lên sân khấu, mở phong bì, đọc tên người thắng cuộc, trao giải chớp nhoáng và chỉ có vài hạng mục quan trọng được mời lại để phát biểu. Hiếm hoi lắm khán giả mới thấy sự tung hứng của Lý Hùng – Việt Trinh hay màn chọc cười của Thái Hòa khi anh được mời lên sân khấu trao giải.

Đáng lẽ ra, với một hạng mục quan trọng nhất và được xướng tên ở vị trí cuối cùng như Phim xuất sắc thể loại điện ảnh, nghi lễ sẽ cực kì trang trọng nhưng ngược lại, ngay cả khi giải thưởng chưa công bố khán giả đã biết.

Trong bối cảnh so bó đũa chọn cột cờ, chiến thắng của Thiên mệnh anh hùng là điều không mấy bất ngờ và có thể chấp nhận được. Trước đó, phim từng được vinh danh với giải thưởng của ban giám khảo tại LHP quốc tế Hà Nội lần 2. Tuy nhiên, sau khi bảng đề cử được công bố, hai đại diện được mời lên trao giải đã đọc hết các phim nhận bằng khen, cánh diều bạc. Và chỉ còn duy nhất Thiên mệnh anh hùng chưa được xướng tên khiến giây phút vinh danh đã trở thành… bình thường.

Chưa dừng lại ở đó, nhìn vào hạng mục giải thưởng năm nay, nhiều khán giả sẽ té ngửa vì sao rất nhiều bộ phim chưa ra rạp hay công chiếu trên truyền hình, những vai diễn chưa từng đến với công chúng lại liên tiếp được vinh danh.

Điển hình nhất là chiến thắng của Thái sư Trần Thủ Độ tại 3/5 giải ở hạng mục truyền hình (Biên kịch xuất sắc nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Phim xuất sắc nhất) trong khi phim chưa hề lên sóng. Câu nói “hy vọng phim sẽ sớm được phát sóng” được xem như một lời hứa hoặc giả một lời nhắc nhở, một lời mong đợi.

Cánh diều 2012: Diều lại "đói gió" - 5

Nghi lễ tôn vinh Phim điện ảnh xuất sắc nhất thiểu hẳn sự trang trọng

Ở hạng mục điện ảnh, chiến thắng dành cho Lạc lối với Cánh diều bạc cũng không mấy thuyết phục. Trong khi phim chưa ra mắt khán giả mà chỉ có ban giám khảo và một bộ phận nhỏ báo chí được xem thì việc trao giải này giống như “hòa cả làng”.

Ngay sau đêm trao giải, diễn viên Quyền Linh tỏ ra khá thất vọng: “Giờ tham gia vào khâu tổ chức tôi mới hiểu rõ, có rất nhiều anh em nghệ sĩ, diễn viên không có ý thức trong việc chung tay xây dựng, đóng góp công sức cho điện ảnh nước nhà. Tôi thật sự mệt mỏi khi gọi điện, năn nỉ một số anh em nghệ sĩ, diễn viên tham gia vào đêm trao giải trong vai trò MC hoặc người công bố và trao giải thưởng. Người thì hỏi tôi họ có được giải không? Tham gia chương trình có thù lao không? Người thì giờ chót mới nhắn tin cụt lủn - bận rồi. Vì thế cùng lúc tôi phải kiêm nhiệm nhiều vai trò - đạo diễn, hậu đài, MC… vì ai cũng từ chối. Tôi thật sự buồn”.

Chuyện về cánh diều có lẽ đã thành “căn bệnh cố hữu” mà năm nào cũng được đem ra mổ xẻ nhưng rồi, các lỗi vẫn cứ lặp đi lặp lại. Có người con cho rằng “lễ trao giải này năm sau thường thiếu chuyên nghiệp hơn năm trước” cũng không phải là quá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khôi Nguyên
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN