"Núi ăn thịt người" ở Nam Mỹ

Khoảng 8 triệu người từng mất mạng trong một núi ở Bolivia. Bất chấp nguy cơ tử vong do tai nạn, hàng nghìn người nghèo vẫn làm việc trong núi để sinh tồn.

Những hầm mỏ 500 năm tuổi trong núi Cerro Rico ở Bolivia là nơi người ta khai thác bạc, thứ kim loại từng mang tới sự thịnh vượng cho đế quốc Tây Ban Nha. Giờ đây, với hệ thống hầm mỏ chằng chịt, Cerro Rico là một cái bẫy nguy hiểm đối với những người làm việc ở đây.

"Núi ăn thịt người" ở Nam Mỹ - 1

Với trữ lượng bạc khổng lồ, núi Cerro Rico mang biệt danh "núi giàu nhất ở Bolivia. Ảnh: BBC

Trong một đường hầm bẩn thỉu, Marco, một thiếu niên 15 tuổi, dùng xẻng để xúc đá vào xe cút kít. Với cơ thể đầy bụi và mồ hôi, cậu phải đẩy 35 tới 40 chuyến xe cút kít lên mặt đất trong một ca 5 giờ.

Mẹ của Marco và 4 đứa con của bà chuyển tới núi Cerro Rico sau khi người chồng bỏ rơi bà và các con. Họ sống ở lối vào của một hầm mỏ, nơi không có nước, và ngủ trong một hầm mỏ mà người ta không còn khai thác.

"Đương nhiên tôi muốn cuộc sống tốt hơn, chứ không phải là công việc trong hầm mỏ. Tôi muốn lấy bằng đại học, trở thành luật sư. Nhưng hiện nay gia đình không thể tồn tại nếu tôi không có thu nhập", Marco nói.

Trong thời kỳ Tây Ban Nha đô hộ, công nhân đã khai thác hàng trăm triệu tấn bạc từ núi Cerro Rico. Song cũng trong thời kỳ đó, khoảng 8 triệu người đã mất mạng trong núi. Thực tế đó khiến người dân gọi Cerro Rico là "Núi ăn người".

Ngày nay khoảng 15.000 thợ mỏ làm việc trong núi Cerro Rico. Hiệp hội Góa phụ của địa phương tiết lộ rằng số lượng phụ nữ mất chồng trung bình mỗi tháng là 14. Tuổi thọ trung bình của người dân địa phương chỉ đạt 40 năm.

Giống như mọi thợ mỏ, Marco cũng lo ngại về tai nạn và bụi phổi, một bệnh phát sinh do hít bụi quá nhiều. Anh rể của cậu chết vì bệnh bụi phổi khi mới ở giữa độ tuổi đôi mươi.

"Khi bạn hít bụi, chúng lọt vào phổi và tấn công bạn", Olga, một bà mẹ đơn thân kiếm sống bằng công việc trông coi thiết bị cho thợ mỏ, giải thích.

Hai con trai của bà - Luis (14 tuổi) và Carlos (15 tuổi) - làm việc trong hầm mỏ. Chúng đẩy xe cút kít giống như Marco. Đôi khi chúng bắt đầu làm việc từ 2h sáng để có thể tới trường.

Hai thiếu niên từng đối mặt với một hiểm họa nữa của núi - khí độc tỏa ra từ những tảng đá.

"Nếu hít khí độc, bạn sẽ cảm thấy yếu và đầu trở nên đau. Khí độc là thứ sót lại sau khi mìn nổ", Carlos nói.

Một phụ nữ kể rằng chồng cô chết sau do hít khí độc. Anh cảm thấy quay cuồng và ngã xuống một hầm.

Số người chết trong núi quá lớn là nguyên nhân gây nên tình trạng mê tín trong dân địa phương.

"Núi ăn thịt người" ở Nam Mỹ - 2

Luis, một công nhân ở độ tuổi thiếu niên, nhai lá coca trước khi chui vào hầm để làm việc. Ảnh: BBC

Mọi thợ mỏ đều nhai lá coca bởi nó giúp họ lọc bụi. Họ cũng dâng lá coca, rượu và thuốc lá cho El Tio - vị thần hắc ám của các mỏ bạc.

Tất cả 38 công ty khai thác hầm mỏ trong núi đều đặt tượng thần El Tio trong hầm của họ.

"El Tio có sừng vì ngài là thần của những hầm sâu. Chúng tôi thường cầu nguyện thần El Tio vào thứ sáu hàng tuần để tỏ lòng biết ơn vì ngài cho chúng tôi rất nhiều quặng bạc và cầu xin ngài bảo vệ chúng tôi để tai nạn không xảy ra. Khi ở bên ngoài mỏ, chúng tôi là tín đồ Cơ đốc. Nhưng khi bước vào mỏ, chúng tôi thờ thần hắc ám", Grover, ông chủ của Marco, nói.

"Núi ăn thịt người" ở Nam Mỹ - 3

Một công nhân ngồi trước tượng thần El Tio trong hầm mỏ. Ảnh: BBC

Điều đáng kinh ngạc là Marco và Luis không phải là những thợ mỏ trẻ nhất trong các hầm.

"Tôi thấy khoảng 10 đứa trẻ khi chúng tới đây. Chúng có những vết bỏng giộp trên tay. Vì thế tôi nghĩ chúng đã làm việc trong các hầm. Những đứa trẻ đó khoảng 8,9,10 tuổi", Nicolas Marin Martinez, hiệu trưởng của trường duy nhất trên núi, kể. Voix Libres, một tổ chức nhân đạo tại Thụy Sĩ, điều hành trường.

Một sự thay đổi về luật pháp trong thời gian gần đây giúp những đứa trẻ từ 10 tuổi trở lên tham gia thị trường lao động tại Bolivia. Tuy nhiên, luật pháp cấm chúng làm việc trong các mỏ, nơi quá nguy hiểm đối với chúng. Như vậy, việc những đứa trẻ 8, 9, 10 tuổi làm việc trong mỏ là hành vi phi pháp. Thực tế đó chứng tỏ luật mới hầu như vô nghĩa trong cuộc sống.

Tổng thống Bolivia, ông Evo Morales, đang cố gắng đắc cử nhiệm kỳ thứ a trong cuộc bầu cử hôm 12/10. Morales hứa ông sẽ trao lại những tài sản từ đất cho nhân dân. Quỹ Tiền tệ Quốc tế tuyên bộ Bolivia đã giảm số hộ nghèo và thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp ba lần trong thời kỳ ông Morales điều hành đất nước. Nhưng đối với những người nghèo nhất đất nước đang làm việc trong ngọn núi giàu nhất của Bolivia, có vẻ như họ vẫn chưa được hưởng thành quả mà tổng thống tạo ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Ngân (Zing.vn)
Chuyện lạ Thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN