Người chơi guitar điện từ phía sau lưng
Xuất hiện trên sân khấu suốt 26 năm qua với cây đàn điện để sau lưng, trên vai, rồi với tay ra sau gảy đàn, biểu diễn những ca khúc trữ tình một cách nhuần nhuyễn khiến khán giả vừa ngạc nhiên, vừa thích thú…
Người nghệ sĩ ấy học đàn từ năm 15, 16 tuổi. Đến nay đã 55 tuổi rồi song anh vẫn còn có mặt dưới "ánh đèn màu” tại các hộp đêm của TP. HCM. Đó là nghệ sĩ Khánh Dư, được giới yêu nghệ thuật sân khấu Sài Gòn biết đến nhiều từ những năm đầu của thập niên 1970 trước hết nhờ vào cách biểu diễn lạ đời của anh ở chỗ không giống như các nghệ sĩ đàn guitar thường ôm đàn trước ngực, anh thì không "ôm”, mà đưa cây đàn lên vai, ở vị trí sau lưng mình, mắt nhìn tới trước để biểu diễn. Ở tư thế như vậy, anh không thể nhìn vào phím đàn để đánh, chỉ dùng hai tay để vừa giữ cây đàn điện đừng lắc lay, chực rớt, vừa dùng trí nhớ để dò tìm đúng vị trí gảy đàn trên phím, trên dây.
Nghệ sĩ Khánh Dư (ảnh: TNO)
Để định hình phong cách biểu diễn hiếm có ấy, nghệ sĩ Khánh Dư phải trải qua một thời khổ luyện từ lúc còn trẻ, như anh kể với phóng viên: "Lúc ban đầu tôi đâu dám công khai tập theo kiểu đánh đàn như thế vì ngại người chung quanh cười cho, ngại họ bảo mình "ấm đầu” nên mới bày trò kiểu ấy, vì thế tôi vào phòng riêng của mình đóng cửa lại, hoặc ngồi trên giường hoặc quỳ gối dưới đất cho tiện, rồi vói tay qua hai vai tập từng câu, từng nốt trong các bài nhạc. Tập được một câu, mừng lắm, lại tiếp tục tập câu tiếp theo, mãi như thế cho đến hết bài. Những bài đầu tiên tôi tập đánh đàn sau lưng là những bài Tình khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, sau đó là những bài Nỗi lòng của Nguyễn Văn Khánh, Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn, Bây giờ tháng mấy của Từ Công Phụng… Dần dà khi đã quen đưa tay ra sau, vai cũng đã chai đi dưới sức đè của cây đàn, tôi chỉ việc mường tượng vị trí các nốt là có thể biểu diễn những bài nói trên, từ chỗ chậm chạp từng câu, đến chỗ thuần thục và ra mắt biểu diễn lần đầu tiên tại một rạp hát ở Sài Gòn năm 18 tuổi, thật xúc động đêm biểu diễn đó được khán giả nồng nhiệt vỗ tay ủng hộ, thế là ngón đàn sau lưng của tôi tiếp tục có mặt trong các chương trình văn nghệ hằng đêm tại những phòng trà ở Sài Gòn".
Khánh Dư biểu diễn tại nhà riêng - Ảnh: G.H
Buổi diễn đầu tiên anh vừa nhắc ở trên là vào năm 1970. Sau đó vào năm 1972, nghệ sĩ Khánh Dư xuất hiện trong rất nhiều chương trình nhạc tiền chiến hoặc cả nhạc trẻ thời ấy. Đó là thời các ca sĩ kỳ cựu như Thái Thanh, Duy Trác, Mai Hương cùng ban Tiếng tơ đồng đã đưa các tình khúc vượt thời gian của Đoàn Chuẩn - Từ Linh như Thu quyến rũ, Gởi gió cho mây ngàn bay, Tình nghệ sĩ, của Canh Thân như Cô hàng cà phê, của Trọng Khương như Bánh xe lãng tử, hoặ`c của Tô Vũ như Tạ từ, Em đến thăm anh một chiều mưa… Anh cũng hòa vào dòng nhạc ấy bằng những cố gắng của mình qua tiếng đàn guitar điện vang lên từ phía sau lưng. Một số đại nhạc hội như Ngày nhạc trẻ quốc tế Sài Gòn tổ chức năm 1972 tại sân vận động Hoa Lư, anh cũng có mặt biểu diễn bên cạnh những tay lead guitar người nước ngoài đến từ Úc, Indonesia, Thái Lan, Hồng Kông, hòa nhạc cùng những ca sĩ nhạc trẻ thời bấy giờ như Pauline Ngọc, Bích Liên, Cathy Huệ, Kim Phụng, Thụy Khánh…
Anh nói thêm: "Thấy lạ nên các đoàn của những nghệ sĩ danh tiếng như Thẩm Thúy Hằng, Duy Khánh cùng một số chương trình ca nhạc sôi động của Túy Phượng, Huỳnh Hoa đều mời tôi và người bạn, người anh tri kỷ là nghệ sĩ Đoàn Dự - chuyên đánh đàn bằng răng tham gia".
Anh Đoàn Dự đã được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam trao bằng công nhận kỷ lục.