Nghị lực phi thường của cô giáo 65cm ở Củ Chi

Cô giáo xương thủy tinh này luôn quan niệm "sống là cho đi, hạnh phúc sẽ trả về".

Danh xưng cô Ba là cách mà người dân ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM và những học trò nhỏ dành cho Huỳnh Thanh Thảo - cô gái tuổi 25, chỉ cao 65cm, nặng 25 kg. Ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, Thảo không may mắc chứng bệnh xương thủy tinh, từ đó quãng đời tuổi thơ của Thảo gắn liền với bệnh tật và nỗi đau về thể xác lẫn tâm hồn.

Nghị lực phi thường của cô giáo 65cm ở Củ Chi - 1

Thảo đang đọc sách cho các em nhỏ tại thư viện

Gắn với bệnh tật từ khi lọt lòng

Một năm trước, tôi tìm về "vùng đất thép" Củ Chi để thăm Huỳnh Thanh Thảo. Lần thăm bất chợt ấy đã mang lại trong tôi nhiều xúc cảm. Một năm sau, chúng tôi trở lại thăm Thảo. Cách trò chuyện đĩnh đạc và duyên dáng của cô vẫn cuốn hút tôi.

Thảo kể, từ nhỏ Thảo mơ ước được chạy nhảy trên chính đôi chân của mình, ước mơ được mặc những bộ quần áo đẹp để khoe cùng bạn bè, được cắp sách đến trường. Những ước mơ tưởng chừng đơn giản ấy lại là một điều quá xa vời với người khuyết tật như Thảo. Nhưng rồi, Thảo nhận ra rằng: Cô chỉ không trọn vẹn về thể xác mà thôi, còn tâm hồn vẫn còn nguyên vẹn. Từ niềm tin cứu cánh ấy, Thảo cố gắng sống, tự học, làm quen với mọi người và cống hiến những gì mình có cho cộng đồng, cho người bất hạnh hơn mình.

Cái duyên cũng được bắt nhịp khi Thảo làm quen với nhiều người bạn cùng chí hướng trên radio và internet. Khi biết Thảo là một người khuyết tật nhưng lại có ý chí, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, họ đã sẵn sàng phối hợp với Thảo thực hiện những chương trình tình nguyện xã hội.

"Thảo không dám mơ ước nhiều, chưa bao giờ Thảo nghĩ mình sẽ dạy học hay làm được việc gì khác. Thảo đến với nghề dạy học như một cái duyên", cô tâm sự với chúng tôi khi được hỏi về công việc dạy học. Thảo cho biết, cái tên cô Ba gắn với những kỷ niệm đẹp một thời của Thảo. Không được đến trường nhưng Thảo thích đọc sách, học hỏi nên nằng nặc đòi chị hai dạy. Những kiến thức đó trở thành hành trang ít ỏi mà Thảo mang vào đời. Thảo đem tình thương vào từng con chữ để dạy cho những trẻ em nghèo không có điều kiện đến lớp ở trong xóm.

Thảo giãi bày: "Thảo thấy mình như nợ một điều gì đó trong cuộc sống này. Nhìn các em không được đến trường Thảo cảm thấy chạnh lòng, không muốn các em giống mình. Sống là cho đi, hạnh phúc sẽ trả về".

Không chỉ dạy học miễn phí, Thảo còn mong muốn giúp đỡ các em về nguồn tài liệu, sách vở. Thảo mơ ước có một tủ sách nho nhỏ và ước mơ đó đã trở thành hiện thực khi chương trình Điểm hẹn tuổi hồng của Đài Tiếng nói Nhân dân TP. HCM có buổi trò chuyện với Thảo. Ước mơ nhỏ của Thảo được mọi người đồng tình, ủng hộ. Thảo nhận được nhiều sách vở từ mọi miền đất nước gửi về ủng hộ.

Ngày 7/3/2009 Thảo cho ra mắt tủ sách của mình, ban đầu chỉ hơn 50 quyển. Dần dà qua thời gian được sự giúp đỡ của nhiều người, tủ sách tăng dần, tăng dần và hiện nay đã lên đến hơn 3.000 đầu sách báo các loại. Cô đang thành lập một thư viện với tên gọi Thư viện Mini Cô Ba. Thư viện hiện nay rất khang trang, sạch sẽ, các đầu sách được phân loại rõ ràng, sắp xếp ngay ngắn, có chỗ để các em đọc sách, nghỉ ngơi.

Nhìn cảnh cô trò quây quần bên những quyển sách, càng làm chúng tôi thêm hiểu rằng con chữ luôn mang nặng tình để nối kết mọi người.

Vượt lên số phận

Thảo tâm sự: "Nhiều người mắc bệnh như Thảo thường chết sớm lắm, có nhiều người nhỏ tuổi hơn Thảo nhưng đã ra đi rồi. Không biết Thảo còn sống được bao lâu nữa, nhưng mỗi ngày trôi qua Thảo đều thấy có ý nghĩa.

Thảo đứng ra tổ chức các chương trình vận động quyên góp, tổ chức các chuyến thăm, tặng quà cho các em mồ côi khuyết tật, các cụ già neo đơn, các chương trình vui chơi cho các em nhỏ trong xóm. Các chương trình mà Thảo và các bạn đứng ra tổ chức với kinh phí chỉ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, nhưng nó thật sự có ý nghĩa và mang lại niềm vui cho nhiều người.

Mới đây, Thảo đã thành lập quỹ học bổng Cô Ba ấp Ràng nhằm giúp đỡ các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hiện tại quỹ học bổng này đã trao được 11 suất. Tuy giá trị chưa cao nhưng nó đã giúp các em có niềm tin, động lực để bước tiếp. Thảo chia sẻ: "Thảo muốn tiếp thêm niềm tin cho các em có hoàn cảnh khó khăn như mình. Thảo tới tận nhà để trao cho các em. Giá trị vật chất chỉ giải quyết khó khăn tạm thời, quan trọng là tinh thần", Thảo nói.

Từ đầu tháng 6, Thảo dành các buổi chiều để dạy cho hai em học sinh mắc bệnh hiểm nghèo. Thảo kể: "Hai em nhỏ này học lớp 1 đã được 5 năm nhưng không tiếp thu được gì. Nhà trường đành trả về. Thấy vậy, Thảo nhận các em về dạy. Bên cạnh dạy chữ, Thảo dạy cho các em kỹ năng sống. Chính những kỹ năng ấy đã giúp các em dễ hòa nhập cộng đồng hơn. Thảo hiểu được các em cần gì và học gì.

Cô nói với tôi về những kế hoạch, dự định thực hiện sắp tới. Tôi thấy Thảo chưa bao giờ thôi ước mơ, thôi vươn lên trong cuộc sống. Tiễn chúng tôi ra về giữa cái nắng gay gắt của "vùng đất thép", Thảo đưa ra mãi ngoài ngõ, vẫy tay, miệng cười hiền lành.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Người đưa tin
Chuyện lạ Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN