Khám phá "người đẹp ngủ trong... hầm mộ"

Sự kiện: Bí ẩn xác ướp

Xác ướp 2 tuổi mở mắt này được mệnh danh là "người đẹp ngủ trong…hầm mộ"

Bí ẩn về đôi mắt hé mở của Rosalia

Trong rất nhiều thi hài nằm tại hầm mộ Sicily ở tu viện Capuchin thuộc thành phố Parlemo nước Ý, có một “cô bé” tên là Rosalia Lombardo. Đây là xác ướp nổi tiếng nhất trong tổng số 8000 “cơ thể” được tìm thấy trong hầm mộ này.

Qua đời khi chỉ mới lên 2 tuổi vào ngày 6/12/1920 do mắc phải căn bệnh nhiễm trùng phế quản, Rosalia đã bất ngờ trở nên nổi tiếng bởi cơ thể cô bé được bảo quản gần như hoàn hảo. Cũng vì thế mà cô bé được người ta nhắc đến với cái tên “Người đẹp ngủ trong…hầm mộ.”

Khám phá "người đẹp ngủ trong... hầm mộ" - 1

Khám phá "người đẹp ngủ trong... hầm mộ" - 2

“Người đẹp say ngủ” trong cỗ quan tài bằng kính

Gần 100 năm sau khi qua đời, Rosalia gần như không thay đổi gì. Dưới lớp kinh đã phủ bụi của cỗ quan tài nhỏ xíu, cô bé như đang say giấc nồng, đầu ngả lên tấm chăn lụa đã phai màu. Những sợi tóc vàng mềm mại vẫn đang phủ trên trán và chiếc nơ bằng lụa vẫn thắt chặt quanh đầu. Thứ duy nhất phải chịu tác động của thời gian có lẽ chỉ có tấm bùa hình Đức mẹ đồng trinh Mary nằm trên tấm chăn của Rosalia. Nó đã quá mờ đến nỗi khó có thể nhìn ra hình thù.

Điều khiến cho câu chuyện về cô bé xinh đẹp Rosalia trở nên kì bí hơn đó chính là đôi mắt đang mở của cô. Rất nhiều những bức ảnh được chụp lại liên tục cho thấy đôi mắt của Rosalia đã mở ra, và người ta còn khẳng định rằng có thể nhìn thấy đôi đồng tử màu xa da trời ở bên trong.

Nguyên nhân của hiện tượng kì quặc này rất có thể là do sự thay đổi nhiệt độ trong căn phòng nơi đặt quan tài của cô bé nhưng rất nhiều người vẫn tin rằng đó chính là do linh hồn Rosalia đã quay trở lại với thân xác

Video quay lại cận cảnh cỗ quan tài của Rosalia và đôi mắt hé mở của cô bé

Vậy chính xác thì Rosalia là ai?

Người ta đồn rằng, Rosalia từ khi sinh ra đã là một bé gái yếu đuối, hay bệnh tật. Suốt cuộc đời ngắn ngủi của cô bé đã phải trải qua không biết bao nhiêu là nỗi đau đớn về thể xác. Cái chết của cô bé khi chỉ mới hai tuổi đã để lại cho người cha sự tiếc thương, đau khổ vô bờ bến. Không đành lòng đánh mất đứa con gái bé bỏng, cha của Rosalia đã tìm kiếm sự giúp đỡ của giáo sư Alfredo Salafia. Được đặt nằm vừa vặn trong một cỗ quan tài bằng kính sâu trong hầm mộ Capuchin của Sicily, Rosalia chỉ như đang ngủ giấc ngàn thu.

Khám phá "người đẹp ngủ trong... hầm mộ" - 3

Đại tướng Mario Lombardo – người được cho là cha đẻ của Rosalia Lombardo

Sự thật về cuộc đời của Rosalia đã phai nhạt dần theo thời gian. Một số người nói cô bé là con gái của một quý tộc giàu có, một vị tướng trong quân đội Ý tên là Mario Lombardo. Không có một bức ảnh nào về Rosalia khi còn sống hay bất kì tài liệu nào xác minh về cha mẹ cô bé.

Rosalia nằm trong chiếc quan tài bằng thủy tinh. Không một ai mở nó ra kể từ khi cô bé được đặt nằm vào đó.

Bí mật về kĩ thuật ướp xác

Người đã ướp xác cho Rosalia là giáo sư Alfredo Salafia, một nhà hóa học người Ý, là người đã tìm ra cách bảo quản xác người chết bằng một công thức vô cùng đặc biệt. Bắt đầu thử nghiệm trên động vật và sau đó là trên cơ thể người, kết quả mà giáo sư Salafia đạt được là một thành công ngoài mong đợi. Cuối cùng, ông đã dùng phương pháp đó để bảo quản xác của cha đẻ mình.

Khám phá "người đẹp ngủ trong... hầm mộ" - 4

Giáo sư Alfredo Salafia – người đã tìm ra phương pháp bảo quản xác chết tuyệt vời

Khi người ta truyền tai nhau khả năng ướp xác tài tình của giáo sư, họ hàng của rất nhiều người nổi tiếng đã tìm đến ông, trong đó có cả Francisco Crispi (từng giữ chức Thủ tướng Ý và nhiều chức vụ quan trọng trong Quốc hội và Chính phủ Ý) và Cardinal Michelangelo Celesia (từng là Tổng giám mục ở Parlemo).

Năm 1910, ông đã thành lập Công ty Giải pháp ướp xác vĩnh viễn Salafia để hỗ trợ việc tổ chức tang lễ ở Mỹ. Nhằm chứng minh tính hiệu qua của phương pháp này, ông đã đến Mỹ và tiến hành ướp xác của một người đàn ông mới chết (giấu tên) ở Học viện Y khoa chiết trung (The Eclectic Medical College) ở New York.

Theo cuốn sách “Những xác ướp hiện đại” của Christine Quigley – một cuốn sách cung cấp đầy đủ nhất thông tin về Salafia và Rosalia Lombardo), người đàn ông “mới chết được khoảng 10 ngày, cơ thể anh ta bắt đầu xuất hiện những vết xanh, đen ở trên mặt và cổ. Khoảng 75 lít dung dịch được tiêm trực tiếp vào động mạch cảnh của người chết mà không làm chảy máu, đồng thời hàn các lỗ hổng trên răng và thực hiện mũi tiêm thứ cấp.” Sau đó, cái xác không được bảo quản trong tủ lạnh mà chỉ để ở một nơi khác, trong điều kiện thoáng mát.

6 tháng sau, cái xác đó lại được đem ra giải phẫu. Kĩ thuật ướp xác của Salafia đã làm được một điều tuyệt vời, những vết xanh đen trên da người đàn ông kia hầu như đã biến mất hoàn toàn. Hơn nữa, “Cái xác được bảo quản hết sức tuyệt vời, làn da vẫn còn nguyên và khô. Hoàn toàn không có mùi thối rữa hay biểu hiện của sự phân hủy, duy chỉ có một mùi thơm của chất lỏng dùng để ướp xác.”

 Tháng 10/1910, cái xác thứ hai được ướp là ở Syracuse, New York. Tuy nhiên lần này người chết bị mắc bệnh xơ cứng động mạch nên người thực hiện ướp xác – cháu của Salafia là giáo sư Achille Salomone – không thể tiêm vào cơ thể quá 6 lít hóa chất. Cũng thời gian 6 tháng sau, khi cái xác đó được đem ra giải phẫu, tất cả những người chứng kiến đều nhất trí đưa ra kết luận rằng, phương pháp của Salafia đã hoạt động rất tốt, bất cứ nơi nào trong cơ thể mà chất lỏng được bơm vào đều được bảo quản nguyên vẹn. Vào năm 1911, công ty của Salafia bắt đầu bán chất lỏng dùng để ướp xác cho những nơi tổ chức tang lễ ở Mỹ.

Không hiểu vì lí do gì nhưng kể từ đó, những chi tiết về cuộc sống của giáo sư Alfredo trở nên rất mơ hồ. Một năm sau, chất lỏng đó không còn được quảng cáo nữa, còn giáo sư thì quay trở lại Ý. Năm 1920, ông thực hiện việc ướp xác cho Rosalia. Alfredo Salafia mất năm 1933, mang theo công thức chế tạo loại hóa chất kì diệu đó sang thế giới bên kia.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Yến (Theo mummytombs, hubpages) ([Tên nguồn])
Bí ẩn xác ướp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN