Làm thế nào để thu hẹp khoảng cách thế hệ giữa cha mẹ và con cái?

Nếu ví gia đình là một vùng đất thì nơi đó phải thật màu mỡ để những mầm non phát triển khỏe mạnh. Vậy sẽ ra sao nếu gia đình là "vùng đất câm lặng"?

Không ít cha mẹ cảm thấy bị sốc khi con cái bước vào độ tuổi dậy thì. Những đứa trẻ bé bỏng ngày nào còn líu lo kể chuyện ở trường lớp bỗng chốc trở nên thu mình, tạo ra một thế giới riêng gói gọn trong bốn bức tường phòng nơi con ở. Để đến khi cha mẹ phát hiện những bí mật ẩn sau cánh cửa ấy, có người suy sụp vì con đã xem mình như người xa lạ, có người phẫn nộ vì đứa trẻ đã đi chệch với quỹ đạo mà họ định sẵn.

Ở giai đoạn này, những buổi tâm sự giữa cha mẹ và con cái tưởng chừng như đơn giản nhưng luôn kết thúc trong bế tắc. Khi đứa trẻ đưa ra vấn đề, cha mẹ thường đưa ra lời khuyên dựa trên những trải nghiệm thực tế của bản thân và không phải lúc nào cũng hữu ích. Con cái cảm thấy cha mẹ không hiểu mình, phụ huynh lại cho rằng con đang trong thời kỳ “nổi loạn”. 

Cha mẹ thường cảm thấy sốc trước sự thay đổi của con cái trong giai đoạn thiếu niên. (Ảnh: Internet)

Cha mẹ thường cảm thấy sốc trước sự thay đổi của con cái trong giai đoạn thiếu niên. (Ảnh: Internet)

Vấn đề không nằm ở việc cha mẹ và con cái ai đúng, ai sai mà cả hai bên đều đang chịu ảnh hưởng bởi khoảng cách thế hệ. Thế giới vận hành theo cách luôn dịch chuyển, làm thay đổi thời gian và không gian sống, kéo theo sự thay đổi trong nhận thức và tâm lý của con người.

Những người sinh vào thời kỳ Baby Boomers (1946 – 1964) có suy nghĩ khác với thế hệ X (1965 – 1980). Giữa thế hệ X và Y (1981 – 1996) tồn tại khoảng cách, và cứ thế lớn dần lên nếu so với thế hệ Z (1997 – 2012) hay thế hệ Alpha (2013 trở đi). Từ tư tưởng “trời sinh voi trời sinh cỏ”, con người chuyển sang “an cư lạc nghiệp” “ăn chắc mặc bền”, rồi dần tiến tới “ăn ngon mặc đẹp” và “ăn sang và mặc kệ”.

Chúng ta đều đã từng là một đứa con và có khả năng trở thành cha mẹ. Làm con đã khó nhưng tạo hóa cũng không cho cha mẹ tờ hướng dẫn sử dụng. Từ đó xuất hiện “nạn nhân” của khoảng cách thế hệ.

Khoảng cách thế hệ dễ tạo ra mâu thuẫn trong gia đình. (Ảnh: Internet)

Khoảng cách thế hệ dễ tạo ra mâu thuẫn trong gia đình. (Ảnh: Internet)

Đó là cô nữ sinh bị ông bà buộc thôi học để nối nghiệp bán bánh mì. Tư tưởng “học cao làm gì, có nghề nuôi sống bản thân là được” khiến con trẻ áp lực, trốn chạy khỏi gia đình. Bởi đâu phải ai cũng hài lòng với xe bánh mì, chúng có ước mơ và đam mê riêng.

Anh B. – nhân viên văn phòng là trường hợp thứ 2. Gia đình có nhà trong thành phố, B. vẫn thuê phòng trọ để có không gian riêng. Dù về nhà vào cuối tuần, B. vẫn bị bố mẹ giận, nhiều lúc còn giả ốm để kéo anh về vì nhớ con.

Yêu thương đi kèm với áp lực sẽ trở nên ngột ngạt, cắt đứt sợi dây liên kết trong gia đình. (Ảnh: Internet)

Yêu thương đi kèm với áp lực sẽ trở nên ngột ngạt, cắt đứt sợi dây liên kết trong gia đình. (Ảnh: Internet)

Tiến sĩ Khiêm Nguyễn (Founder 6K International) - Công ty về đào tạo, phát triển tư duy, kỹ năng cho cá nhân, doanh nghiệp cho rằng tình yêu không đúng lúc, đúng chỗ sẽ trở nên ngột ngạt. Bất đồng khiến sợi dây liên kết trong gia đình trở nên mong manh. Rồi mái ấm sẽ biến thành “vùng đất câm lặng” - nơi cha mẹ con cái mệnh ai nấy sống, giao tiếp qua màn hình điện thoại. Tệ hơn là “vùng đất chết” - nơi ném vào nhau những lời gây tổn thương và áp lực.

Trong sự nghiệp “trồng người”, anh Khiêm Nguyễn đã làm bạn với nhiều “nạn nhân” của khoảng cách thế hệ.

Trong sự nghiệp “trồng người”, anh Khiêm Nguyễn đã làm bạn với nhiều “nạn nhân” của khoảng cách thế hệ.

Trong bối cảnh đầy biến động, phức tạp và mơ hồ, luôn có các vấn đề và thách thức mới cần nhiều hơn một chuyên môn để giải quyết. Anh Khiêm Nguyễn cho rằng phương pháp giáo dục khai phóng sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển của trẻ em ở thời đại này.

“Giáo dục khai phóng là phương pháp dựa trên nguyên tắc phụng sự xã hội, tập trung vào sự thông thái đa tư tưởng thay vì chuyên môn hóa. Do đó, các thế hệ sau này không chỉ xuất sắc về mặt chuyên môn mà còn phải có nhiều kỹ năng giải quyết vấn đề”, anh Khiêm Nguyễn giải thích.

Cha mẹ cần trang bị thêm cho mình năng lực huấn luyện (coaching) dựa trên tư duy 4K được anh Khiêm Nguyễn lý giải như sau:

- Kết nối: Là sợi dây liên kết giữa cha mẹ con cái, xuất phát từ sự thấu hiểu thông qua chia sẻ, các hoạt động chung của gia đình.

- Khám phá: Là sở thích, đam mê, hay nỗi đau mà con chưa thể chia sẻ với cha mẹ. Không ít phụ huynh khi không hiểu được suy nghĩ của con, sẽ suy diễn và áp đặt khiến gia đình bị mất kết nối.

- Khơi gợi: Khi hướng dẫn con, cha mẹ hay khuyên bảo dựa trên kinh nghiệm thay vì lắng nghe và giải quyết vấn đề cùng con. Hãy nhớ, không áp đặt mà nên dùng câu hỏi, câu chuyện ẩn dụ để khơi gợi con chia sẻ, từ đó dẫn dắt con đưa ra các giải pháp tự thân, hình thành khả năng tự lập, tự ra quyết định và chịu trách nhiệm.

- Kho báu: Là năng lực tiềm ẩn mà chính bản thân cha mẹ và con cũng không biết. Thông qua quá trình khơi gợi để con tự lập và sáng tạo, những kho báu tài năng, điểm mạnh bên trong con sẽ được mở ra.

Mỗi đứa trẻ là một kho báu, chúng được gửi đến Trái Đất với sứ mệnh riêng. (Ảnh: Internet)

Mỗi đứa trẻ là một kho báu, chúng được gửi đến Trái Đất với sứ mệnh riêng. (Ảnh: Internet)

Bố mẹ yêu thương con cái rất nhiều, chỉ là đôi lúc tình yêu ấy lầm đường lạc lối. Vẫn biết bố mẹ không phải là anh hùng nhưng trẻ con cũng chưa bao giờ làm người lớn, khó hiểu được tấm lòng của cha mẹ nếu bị che lấp bởi áp lực, những lời mắng nhiếc và đòn roi.

Hy vọng rằng, mỗi bậc phụ huynh sẽ tìm được phương pháp giáo dục phù hợp, để gia đình không bao giờ trở thành “vùng đất câm lặng” hay “vùng đất chết”.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN