Khi giới trẻ ngày càng “hào phóng”

Họa sĩ - thi sĩ nổi tiếng – Kahlil Gibran từng nói: “Hào phóng có nghĩa là bạn cho đi nhiều hơn có thể. Kiêu hãnh là nhận ít hơn những gì bạn cần”. Câu chuyện của 3 bạn trẻ cho đi khi “vốn liếng” bản thân không gì nhiều ngoài nghị lực lớn, khả năng dồi dào, kèm theo một giấc mơ “bạo” nhằm thay đổi Việt Nam sẽ khiến chúng ta có thêm một định nghĩa khác về sự “hào phóng”.

Cho đi để sống chứ không tồn tại

Nhờ bén duyên với môn Vật lý từ cuối cấp II, Ngọc Trinh – sinh viên năm nhất ngành Năng lượng học ĐH Bách Khoa TP.HCM, đã có cơ hội tham gia chương trình “Chắp cánh tương lai, khám phá Nhật Bản 2017”. Từ những điều mắt thấy tai nghe, Trinh đã tìm được mục tiêu sống vượt xa ước mơ phổ biến của tuổi 18: Đưa Việt Nam ghi dấu vào bản đồ những nước sử dụng lưới điện an toàn 110V và xây dựng hệ thống giao thông quốc gia áp dụng nguồn năng lượng xanh”

Ngọc Trinh bộc bạch hành trình để em có được cuộc sống như hiện tại là nhờ vào sự giúp đỡ tự nguyện, không đòi hỏi đền đáp của rất nhiều người. Đó là bài học quý báu dành cho em: “Sống là cho đi đâu chỉ nhận riêng mình”.

Dù đang ôm một giấc mơ có phần phi thường so với xuất phát điểm khó khăn của mình, Trinh vẫn giữ quyết tâm lớn. Cho dù Năng lượng học là ngành học nặng và đòi hỏi nghiên cứu liên tục. Hơn nữa, Trinh đang theo đuổi chương trình lấy bằng tương đương Thạc sĩ và được công nhận trên toàn Châu Âu. Thế nhưng em chưa từng cảm thấy áp lực: “Em rất hạnh phúc khi hiểu rằng mình đang sống đúng nghĩa chứ không chỉ tồn tại và đang theo đuổi niềm đam mê mang lại điều có ích cho quê hương mình.”

Khi giới trẻ ngày càng “hào phóng” - 1

“Dù lớn hay nhỏ, việc sống biết nghĩ và cố gắng vì người khác thật sự rất hạnh phúc”

Cho đi rồi nhận lại ước mơ tìm kiếm bấy lâu

Như Ngọc Trinh, Minh Hiếu - sinh viên năm nhất ngành Điện – Điện tử ĐH. Bách Khoa TP.HCM cũng là một người trẻ biết cho đi.

Bắt đầu từ chuyến công tác xã hội thời cấp 3, hình ảnh những em bé đen nhẻm, học bài dưới ánh đèn dầu leo lét đã ngày đêm thôi thúc Hiếu mang điện về làng.

Hiếu nói: “Thực tế, nước ta còn rất nhiều vùng chưa có lưới điện quốc gia vì hạn chế trong việc truyền tải điện. Năng lượng tái tạo là một giải pháp khả thi đã được ứng dụng thành công ở nhiều quốc gia. Nên khi chọn ngành học, em quyết tâm theo đuổi ngành Điện năng để hiện thực hóa hệ thống điện chạy bằng năng lượng mặt trời hoặc các loại năng lượng sạch khác trải khắp vùng sâu vùng xa Việt Nam. Như vậy các em nhỏ có cơ hội học tập tốt hơn và người dân sống tiện nghi hơn.”

Với Hiếu, ước mơ thắp sáng bản làng đã giúp em có một mục tiêu để theo đuổi thay vì loay hoay khủng hoảng ở tuổi 18. Và vì thế, em luôn nỗ lực hết sức để hiện thực hóa giấc mơ táo bạo của mình.

Khi giới trẻ ngày càng “hào phóng” - 2

 “Nhờ cho đi, em đã nhận lại được đam mê của đời mình.”

Cho đi để lan tỏa hạnh phúc của việc sẻ chia

Đam mê kinh doanh từ bé, nguyên bí thư đoàn trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4) - Nguyễn Hồng Khanh hiện thực hóa mong muốn “cho đi” bằng cách thiết thực khác. Ở tuổi 18, khi đã là tân sinh viên ĐH Tài chính-Marketing, Hồng Khanh đã hoàn thành một kế hoạch chi tiết để trở thành doanh nhân sau khi tốt nghiệp và sử dụng lợi nhuận kinh doanh xây dựng hệ thống nhà tình thương kiểu mới.

Khanh tâm huyết nói về dự án: “Để hạn chế sự ỷ lại của những người được giúp đỡ, em đã nảy ra ý tưởng một mô hình nhà tình thương đặc biệt. Đây là nơi họ sinh sống ổn định hơn và được cấp một số vốn để tự kiếm  sống. Hàng tháng, họ sẽ trích ra một phần thu nhập cho người quản lý để trang trải chút ít về chi phí sinh hoạt. Điều này cũng giúp họ chủ động hơn trong việc tạo giá trị mới và sống độc lập.”

Giá trị cho đi với cá nhân Hồng Khanh không chỉ dừng lại ở việc giúp đỡ cộng đồng. Em mong muốn mình sẽ truyền cảm hứng để người nhận không ngừng nỗ lực hạnh phúc và tiếp nối việc “cho đi” đến những người khác.

Khi giới trẻ ngày càng “hào phóng” - 3

“Nếu chúng ta đều sống cho đi, Việt Nam ắt là quốc gia vô cùng hạnh phúc.”

Với những nỗ lực thực tế nhằm kiến thiết cộng đồng, cả ba bạn trẻ trên đều xuất sắc giành được học bổng bảo trợ trọn vẹn 4 năm học đại học và phát triển kĩ năng từ chương trình học bổng SCG Sharing The Dream. Thông qua đó, đơn vị trao học bổng - Tập đoàn SCG mong muốn thổi bùng được ngọn lửa nhiệt huyết, giúp các bạn thực hiện đam mê và góp phần xây dựng cộng đồng.

Ông Sompob Witworrasakul - Tổng giám đốc Công ty TNHH Giấy Kraft Vina – Công ty thành viên của tập đoàn SCG - chia sẻ: “Được tiếp xúc với thế hệ trẻ, chúng tôi nhận thấy rất nhiều trong số họ dù có hoàn cảnh khó khăn nhưng lại ấp ủ những giấc mơ lớn vì xã hội, thay vì cho riêng bản thân mình. “Cho đi” cũng là một giá trị cốt lõi xuyên suốt trong sứ mệnh của SCG Sharing The Dream. Do đó, từ năm 2007, học bổng được triển khai như một sự động viên nhằm thổi bùng lên ngọn lửa “cho đi” đầy nhiệt huyết ở những người trẻ gặp thiệt thòi trong cuộc sống nhưng đầy nghị lực vươn lên, và sau cùng là vì một Việt Nam thịnh vượng, hạnh phúc hơn.”

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN