Mẫu nhí mang kì vọng hóa thiên nga

Cho con học làm người mẫu đã không còn là chuyện xa lạ với nhiều bậc phụ huynh.

Vịt bầu hóa thiên nga là cách ví von người ta dành cho sự thay đổi quá nhanh, quá khác biệt về ngoại hình, địa vị. Trong ngành giải trí nói chung và giới người mẫu nói riêng cụm từ này thường dành tặng những cô gái vụt trở thành sao sau một thời gian ngắn.

Từ khi công nghệ lăng xê ra đời, vịt bầu hóa thiên nga không phải là chuyện hiếm, có thể kể tên Ngọc Trinh là ví dụ. Song có lẽ truyền hình thực tế mới thực sự là cái nôi nuôi dưỡng "những chú vịt bầu" từ con số không. Địa vị, thành công của những cô thiên nga trong hiện tại khiến không ít cô gái ôm ấp ước mơ tỏa sáng bất kể ở lứa tuổi nào. Tuy nhiên cũng giống như bất kì thành công nào, thiên nga cũng có cái giá của nó.

Kỳ 1: Kỳ vọng thiên nga của mẹ

Vài năm trở lại đây, mong muốn con học giỏi đã là mơ ước quá phổ thông của nhiều bậc phụ huynh. Họ có khao khát lớn hơn đó là hướng con mình được nổi tiếng. Bởi những em bé khi đã trở thành người của công chúng, ngoài hào quang ngôi sao, bé còn đem lại một khoản tiền không nhỏ về cho gia đình.

Có thể kiểm chứng thực tế ấy qua một số game show truyền hình dưới hình thức một cuộc thi, từ Đồ Rê Mí, The Voice Kid đến VietNam's Got Talent. Cuộc chơi nào cũng thu hút nhiều bậc phụ huynh từ khắp các vùng miền. Họ không quản ngại xa xôi hay tốn kém về vật chất để đưa con em tới các thành phố lớn tham dự. Ngoài sở thích trong suy nghĩ của các bé, ẩn sau đó là mong ước; thậm chí kỳ vọng con thành ngôi sao của phụ huynh.

Còn nhớ một thời gian dài, cuộc thi Đồ Rê Mí (2012) đã chịu nhiều lời ra tiếng vào của công chúng. Lý do bởi ekip thực hiện cũng như bố mẹ các bé không chỉ “già hóa” những thí sinh nhí bằng trang phục, trang điểm; mà họ còn tạo áp lực tỏa sáng bằng việc chọn bài khó và vũ đạo quá tuổi trên sân khấu.

Hay The Voice Kid mùa đầu tiên cũng dậy sóng dư luận từ lá thư của phụ huynh thí sinh tường thuật chuyện hậu trường cuộc thi. Nơi người ta bỏ ra tiền chục triệu thậm chí trăm triệu lo chuyện ăn ở để con có được vài phút lên sóng truyền hình trực tiếp. Nếu đơn giản chỉ là thỏa mãn niềm đam mê, không ganh đua thua thắng thì sẽ chẳng có những câu chuyện cười ra nước mắt ấy.

Lớp học người mẫu nuôi giấc mơ sao

Tuy chưa có một VietNam's Next Top Model Kid để khẳng định giấc mơ con được tỏa sáng trên chiến trường thời trang. Song ngày càng nhiều những lớp học mẫu nhí ra đời chứng tỏ mong muốn đưa con lên sàn catwalk của nhiều bậc phụ huynh là có thật.

Ở Hà Nội, một số câu lạc bộ như Baby Model, Họa Mi… chỉ mới được thành lập gần hai năm đã thu hút được hàng trăm em. CLB Thời trang của Cung thiếu nhi Hà Nội mỗi năm cũng có hàng ngàn học sinh theo học ở các độ tuổi nhi đồng (từ 4 đến 12 tuổi) và thiếu niên (từ 13 đến 15 tuổi) với nhiều lớp: trình diễn thời trang cơ bản, thời trang nâng cao và đào tạo chuyên sâu.

Mẫu nhí mang kì vọng hóa thiên nga - 1

Mẫu nhí mang kì vọng hóa thiên nga - 2

Ngày càng nhiều những lớp học mẫu nhí ra đời, chứng tỏ mong muốn đưa con lên sàn catwalk ngày càng cao của các bậc phụ huynh (hình minh họa)

Một giáo viên CLB Thời trang tại Cung thiếu nhi Hà Nội cho biết: “Ngày thường chỉ có một lớp vào cuối tuần với sĩ số khoảng hơn chục em. Nhưng đến hè có khi tôi chạy ba, bốn lớp một ngày. Số lượng các em đăng kí học người mẫu ngày càng đông trong khi các lớp võ, đàn, vẽ có xu hướng giảm đi”.

Khi được hỏi về lí do cho con học làm người mẫu, đa số các bậc cha mẹ đều nói mong muốn con mạnh dạn trước đám đông và tinh tế hơn trong việc lựa chọn trang phục. Thậm chí có nhiều người gây áp lực với con khi bé không muốn học. Trả lời cho thắc mắc có nên gây áp lực cho con quá sớm, anh Lê Thanh Bình (Đội Cấn, Hà Nội) cho biết: “Trẻ con thường có tâm lí chán học. Chúng chỉ thích lúc ban đầu, nên nếu không ép chúng sẽ chẳng chịu học bất cứ thứ gì đến nơi đến chốn”.

Tuy nhiên, lí do chính của rất nhiều phụ huynh lại là mong muốn con trở thành ngôi sao. Tại một số câu lạc bộ khi lớp học người mẫu đã đi vào quy mô, nhiều nhãn hàng thời trang trẻ em, sữa hay vật dụng gia đình sẽ hợp tác để nhờ lựa chọn những bé “ăn hình” cho chương trình trình biểu diễn hoặc quay quảng cáo sản phẩm… Đó mới là lúc có chuyện!

Cô Thanh Hà một giáo viên giảng dạy tại một CLB người mẫu nhí cho biết: “Ban đầu chúng tôi mở ra lớp đào tạo người mẫu nhí chỉ với mong muốn rèn luyện khả năng tư duy thẩm mĩ và tự tin thể hiện bản thân của các bé. Nhưng khi phải lựa chọn một vài bé cho quảng cáo, chụp hình thì rất khó khăn.

Trẻ con có thể hờn dỗi, tị nạnh với bạn nhưng sẽ quên nhanh. Song phụ huynh thì không vậy. Người kín đáo thì so sánh giữa các bé, đòi các cô đưa ra lí do. Người gay gắt họ còn cho con nghỉ học, tìm lớp khác. Thậm chí họ còn có phản hồi không tốt về lớp học trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội”.

Mẫu nhí mang kì vọng hóa thiên nga - 3

Một lớp học người mẫu cho các bé từ 5 đến 7 tuổi ở Hà Nội

Không giấu diếm ước mơ con tỏa sáng, chị Hoàng Hà (Thanh Xuân, Hà Nội) có con gái 6 tuổi theo học lớp Thời trang cơ bản (Cung thiếu nhi Hà Nội) cho hay: “Giờ nổi tiếng rất có lợi nên tôi muốn cho con học lớp người mẫu. Nếu may mắn bé có thể được đóng phim, chụp ảnh quảng cáo từ rất sớm. Chị có biết Phương Mỹ Chi không? Đó, chỉ cần thi trên truyền hình cũng chạy show không kém ca sĩ. Nghe nói bé mới mua nhà rồi”.

Mỗi khóa học có hàng chục thậm chí hàng trăm bé nhưng cơ hội được chụp ảnh, quay phim có khi chỉ vài bé. Vậy nên nhiều bố mẹ bất chấp việc trùng lịch học của con hay lịch làm việc của mình, quyết tâm đưa con đi chụp ảnh quảng cáo.

Được chọn chụp ảnh cho nhãn hàng giày dép dù thù lao chỉ hơn một triệu, bố mẹ của bé Minh Anh (Trường mầm non Bibi, Hà Nội) xin nghỉ làm ba ngày để đưa con đi với lí do nửa đùa nửa thật: “Giờ con mình được chọn là may mắn rồi. Nhiều thương hiệu họ muốn chọn con của ca sĩ, người mẫu để hút khách cơ. Thù lao không quan trọng bằng việc con được nhiều người chú ý. Biết đâu sau này con nổi tiếng khi ấy thù lao mới thành vấn đề”.

Mẫu nhí mang kì vọng hóa thiên nga - 4

Nhiều phụ huynh muốn con hướng về nghệ thuật và coi trọng việc con được nổi tiếng (hình minh họa)

Nguyễn Thanh, nhân viên truyền thông cho một nhãn hiệu thời trang cũng khẳng định: “Cách đây vài năm phụ huynh không thích cho con đi chụp hình quảng cáo nếu trùng lịch, ảnh hưởng việc học. Bây giờ nhiều bố mẹ muốn con họ hướng về nghệ thuật hơn là học văn hóa. Họ coi trọng việc con mình được nhiều người biết đến. Thậm chí còn chuẩn bị cho con một lý lịch đẹp để dễ dàng hơn sau này. Chúng tôi thường không phải thuyết phục quá nhiều khi mời các bé đi chụp hình”.

Thế mới thấy kỳ vọng sau này con sẽ theo con đường nghệ thuật từ lâu không còn là mơ ước của những người trong ngành giải trí nữa. Chính các bậc phụ huynh chưa hiểu những được - mất sau ánh đèn sân khấu và quy luật đào thải nghiệt ngã của nghề mẫu lại đang ngày đêm nuôi mơ ước vịt con của mình hóa thành thiên nga.

Cũng dễ hiểu, bởi những cái tên như Phương Mỹ Chi, Quang Anh chỉ sau một cuộc chơi truyền hình đã bước sang một cuộc sống khác mà nhiều người thường gọi là “đổi đời”.

Gánh nặng trên vai con

Không kể đến tâm lí ganh đua của những ông bố, bà mẹ đang ngày đêm khao khát con tỏa sáng, chính những em bé mới là người phải chịu áp lực rất lớn từ giấc mơ ấy.

Còn nhớ khi đoạn băng ghi lại một buổi luyện tập khiêu vũ thể thao của bé Đăng Quân, Bảo Ngọc (quán quân VietNam's Got Talent mùa đầu) được đăng tải trên mạng xã hội Youtube, sau đó nhiều báo mạng dẫn lại đã tạo nên một làn sóng tranh cãi lớn. Những tiếng hét đau đớn của Bảo Ngọc, những giọt mồ hôi trên trán Đăng Quân khiến nhiều người nể phục, cho rằng “đó là cái giá của lao động nghệ thuật”. Song cũng không ít người xót xa.

Nhiều bình luận hoài nghi liệu việc luyện tập khắc khổ như vậy có phù hợp với một đứa bé? Thậm chí có khán giả còn cho rằng không nên đặt áp lực quá lớn cho những đứa trẻ bởi như vậy là không công bằng với chúng… Nếu một ngày đến lớp học người mẫu hay một buổi đứng trong cánh gà show diễn của mẫu nhí, bạn cũng sẽ chứng kiến thực tế không kém phần sinh động so với đoạn băng trên.

Mẫu nhí mang kì vọng hóa thiên nga - 5

Con được chụp hình quảng cáo là mơ ước của nhiều bậc phụ huynh (hình minh họa)

Trái với những ngày hè rảnh rỗi, lịch học lớp người mẫu ở các thành phố lớn thời điểm trong năm học được xếp vào buổi chiều tối. Khoảng 6 giờ tối, bố mẹ đưa bé đến lớp ngay sau khi tan lớp học chính quy. Bé nào cũng ăn mặc đẹp, có khi còn đi giày cao gót chuyên nghiệp chẳng kém người mẫu lớn. Tay các bé cầm theo hộp sữa hay cái bánh ngọt bởi “Tan học ở trường chưa kịp ăn gì đã đến đây ngay” - một phụ huynh tâm sự.

Cũng bật nhạc xập xình với âm lượng lớn như sàn diễn thực thụ, các bé nhún nhảy, bắt chéo chân theo nhịp vỗ tay của cô giáo. Đến cuối đường băng, các bé không quên cười mỉm hay tung váy y chang những chương trình thời trang trên truyền hình. Được mặc đẹp, cười vui với các bạn cùng lứa tuổi, nhưng nhiều bé không giấu được nét mệt mỏi trên khuôn mặt.

Đó là chưa kể khi có show diễn hay đóng quảng cáo. Bố bé Hoàng Anh (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Đi chụp hình quảng cáo mệt lắm. Lần đưa Hoàng Anh đi, tôi phải dỗ con đứng cười, ném bóng suốt hai tiếng đồng hồ giữa trưa nắng ở công viên Bách Thảo”. Mẹ là chủ tiệm ảnh viện áo cưới nên Hoàng Anh được chăm chút tóc nhuộm light, tai bấm khuyên sành điệu không kém ca sĩ, người mẫu chuyên nghiệp.

Ngoài người mẫu bé còn học đàn, hát để tham gia thi The Voice Kid. Bố Hoàng Anh dù phàn nàn vậy nhưng vẫn khẳng định: “Mệt mà vui, trẻ con cũng nhanh quên, xong là thôi chứ không quấy khóc gì”.

Có lẽ các bé mẫu nhí vẫn còn những non nớt trong tâm hồn nên chưa thấy hết và cảm hết được những áp lực của nghề người mẫu.

Mẫu nhí mang kì vọng hóa thiên nga - 6

Một buổi biểu diễn thời trang bikini của mẫu nhí tại Trung Quốc hứng chịu sự chỉ trích của dư luận

Ngồi đợi con bên ngoài lớp học như một thói quen, các phụ huynh tranh thủ trò chuyện giết thời gian. Bên cạnh giá xăng tăng, điện tăng là việc báo mạng hôm nay đăng về người nổi tiếng nào. Những sự cố lộ hàng, mối quan hệ chân dài với đại gia và cả toan tính cát xê hay một game show truyền hình mới đầy lùm xùm... cũng được mang ra mổ xẻ.

Thế mà, không hiểu sức mạnh nào giúp họ vượt qua lo sợ, vẫn sẵn sàng đưa con vào vòng xoáy nghiệt ngã ấy.

Đón đọc kỳ 2: Trái non chín ép: Cái giá của người mẫu trẻ (vào lúc 5h ngày 2/5/2014)

Khi những show diễn thời trang chưa thực sự hấp dẫn khán giả, nhà thiết kế luôn muốn gây ấn tượng cho sản phẩm của mình bằng những gương mặt mới lạ. Một phần vì yêu cầu đó mà người mẫu tuổi teen được chuộng và không thôi nuôi ảo tưởng. Song nổi tiếng quá sớm và quá nhanh sẽ đi kèm những hệ lụy không mấy tốt đẹp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đinh Trang ([Tên nguồn])
Người mẫu và giấc mộng vịt hóa thiên nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN