Những cái tên đình đám của “nền kinh tế chia sẻ”

Mỹ và Trung Quốc là hai cường quốc kinh tế đang đóng góp một tỷ trọng không hề nhỏ trong doanh thu của “nền kinh tế chia sẻ” toàn cầu.

Tình trạng mất cân bằng tài nguyên hiện đang là bài toán nan giải trên toàn cầu. Một trong những giải pháp cho câu hỏi này nằm gói gọn trong hai chữ “chia sẻ”. Điều này phần nào lý giải lý do vì sao “nền kinh tế chia sẻ” hiện đang là thuật ngữ được cả thế giới quan tâm.

Theo một nghiên cứu được tiến hành bởi công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC), ước tính doanh thu toàn cầu từ các công ty cung cấp ứng dụng nền tảng kinh doanh chia sẻ đạt tới 335 tỷ USD vào năm 2025 so với con số 15 tỷ USD của năm 2013, tăng trưởng 22 lần chỉ sau 11 năm. Những con số đã phần nào chứng minh, “kinh tế chia sẻ” hiện đang là xu hướng và sẽ tiếp tục phát triển một cách mạnh mẽ, ít nhất là trong 10 năm tới.

Những cái tên “vàng” trong làng “chia sẻ”

Manh nha vào năm 1995 và bắt đầu phát triển một cách mạnh mẽ vào năm 2008, thật sự không ngoa khi nói Mỹ là “cái nôi” của “nền kinh tế chia sẻ”. Là nơi cho ra đời hàng loạt “cái tên vàng” như Uber, Airbnb, Task Rabbit…, Mỹ đang chứng minh mình là một trong những quốc gia có “nền kinh tế chia sẻ” lớn mạnh và phát triển bậc nhất toàn cầu.

Chỉ tính riêng về giá trị vốn hoá thị trường của hai “ông lớn” Uber và Airbnb; con số này đã đạt đến 103 triệu USD, xấp xỉ một đất nước giàu có hạng 38 trên thế giới.(2) Vào năm 2016, 44,8 triệu người trưởng thành ở Mỹ đã sử dụng các ứng dụng nền tảng kinh doanh chia sẻ và con số này ước tính sẽ đạt đến 86,5 triệu vào năm 2021. Một nghiên cứu khác của PwC cũng chỉ ra thêm, 83% số người trưởng thành ở Mỹ cho rằng, “kinh tế chia sẻ” mang lại nhiều tiện ích cũng như hiệu quả cao hơn so với các mô hình kinh tế truyền thống.

Bên kia thế giới, Trung Quốc cũng đang là cái tên nổi đình, nổi đám; đóng vai trò như một đối trọng của Mỹ. Quốc gia đông dân nhất hành tinh đang trên đường trở thành đất nước có “nền kinh tế chia sẻ” quy mô lớn bậc nhất thế giới. Sở hữu lực lượng dân số đông đúc với hơn 980,6 triệu người sử dụng thiết bị di động, Trung Quốc nhanh chóng đơn giản hoá các giao dịch thanh toán thông qua QR code trên các ứng dụng thông minh như Alipay và WeChat. Chỉ tính riêng trong năm 2016, hơn 195 triệu người Trung Quốc đã sử dụng công nghệ thanh toán di động, so với 37 triệu ở Mỹ.

Theo một báo cáo được tiến hành bởi Chính phủ Trung Quốc, quy mô chỉ tính riêng cho “kinh tế chia sẻ” năm 2016 ước tính đạt 500 tỷ USD, tăng 103% so với năm trước. Và cũng trong năm 2016, có 600 triệu người đã tham gia vào “nền kinh tế chia sẻ”, tăng 100 triệu so với năm 2015. Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế chia sẻ ở quốc gia này cũng đã tạo ra 5,85 triệu việc làm, tăng 850.000.

“Kinh tế chia sẻ” tại Việt Nam - Còn trẻ và nhiều thách thức

Mặc dù là một khái niệm tương đối mới tại Việt Nam, “kinh tế chia sẻ” đang dần ăn sâu vào nhiều khía cạnh của đời sống, trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động hàng ngày. Khái niệm “kinh tế chia sẻ” xuất hiện và trở nên phổ biến hơn kể từ thời điểm Grab và Uber bắt đầu cung ứng dịch vụ xe công nghệ. Tiếp đó là sự xuất hiện của hàng loạt start-up trong nước như: Ahamove.com, Triip.me, Luxstay… những minh chứng cho lợi ích mà mô hình này đem lại.

Mô hình “kinh tế chia sẻ” tại Việt Nam hiện vẫn còn nhiều không gian để phát triển và sẽ lấp đầy những khoảng trống của các thị trường kinh doanh truyền thống hiện tại. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra 3 yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần phải đảm bảo trong thời gian tới: công nghệ; nguồn nhân lực; và môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch.

Nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam tuy còn trẻ và gặp nhiều thách thức nhưng theo các chuyên gia kinh tế thì vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển

Nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam tuy còn trẻ và gặp nhiều thách thức nhưng theo các chuyên gia kinh tế thì vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển

Theo đó, cần tận dụng cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội mà mô hình kinh tế chia sẻ mang lại; tận dụng cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bắt kịp xu hướng chung của thế giới. Đồng thời, nhanh chóng cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, mở rộng phạm vi các sáng kiến kinh doanh, đào tạo nhân lực, kết nối giữa các bên tham gia hệ sinh thái, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm. Ðặc biệt là đẩy nhanh thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử và cơ sở hạ tầng thông tin, nhất là xây dựng hệ thống dữ liệu mở, thông suốt để phục vụ quản lý nhà nước đối với mô hình kinh tế chia sẻ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Anh ([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN