Cảm xúc suy tư gửi các "Anh hùng bàn phím"

"Anh hùng bàn phím", những người sẵn sàng làm mọi việc bằng... câu chữ, với thái độ hết sức... bàn phím!

Thế kỷ hai mốt là thế kỷ của công nghệ thông tin, gọi bằng cái tên khác là thời kỳ công nghệ số, mạng xã hội ra đời như một phần tất yếu, và một “loại” anh hùng cũng từ đó sinh ra.

“Anh hùng bàn phím” – cụm từ này dân mạng chắc chắn đã... quen quen, hãy cứ bắt đầu bằng cái tên, từ cái tên để dễ dàng nhận diện: Đó là những kẻ thường chẳng được ai biết đến, luôn giấu mình trong thế giới ảo, thích che giấu thân phận mình và đặc biệt luôn tìm thú vui bằng bàn phím với đôi tay.

Cách họ “ngụy trang” thì phải xứng đáng bậc thầy, chẳng biết hữu ý hay vô tình, họ cũng trở thành những thành phần “góp vui” cho cư dân mạng, họ có cách nói hay về những trải nghiệm mà có thể chưa bao giờ trong cuộc sống họ từng trải nghiệm, và thường “áp đặt” mọi người phải nhìn theo cái cách mà họ cho là đúng là hay.

Có loại anh hùng muốn thế giới biết rằng “cái rốn vũ trụ chính là ta đây”, mọi lời nói, hành động đều cốt đưa mình lên số một, nhưng đáng buồn thay những anh hùng này thường chẳng ai thèm nhớ đến, dẫu có giở đủ chiêu trò, mánh khóe rất tinh vi.

Có loại anh hùng hung hăng chẳng coi ai ra gì, luôn tỏ ra “lõi đời”, lĩnh vực nào cũng ta đây là người biết tuốt, vấn đề nào đưa ra cũng có thể chĩa vào  phản biện, săm soi đến từng chi tiết mà không thèm quan tâm gì đến ý nghĩa sâu xa.

Lại có loại anh hùng a dua theo đám đông lấy câu chuyện làm quà, hễ thấy ồn ào là nhào vô gào thét, dù sự thật đang diễn ra chuyện gì bản thân cũng không biết, cứ “ném đá” cho đã đời, chẳng cần biết thực hư.

Nhiều khi vì một vài hoặc thậm chí chẳng cần phải có lý do, hơi thấy ghét thấy đáng khinh một  người nào đó, là nhảy vào “nhà” người ta mà mà “chém”  cho tơi bời khói lửa, chỉ để thể hiện rằng “tao đang ghét mày đây”.

Lại còn có kiểu anh hùng thế này: Một mặt cứ chê bai nhưng mặt khác vẫn đồng thời lan truyền cổ vũ, “hiện tượng bà Tưng” một thời “làm mưa làm gió”, trên khắp các trang mạng, diễn đàn, cả đám anh hùng quần tụ mổ xẻ chê bai thậm chí chửi bới kêu gào nhưng vẫn bấm nút “share”.

Lại có loại anh hùng “đạo đức giả” mới “ghê”, giả vờ phô trương, để thể hiện rằng mình là người tử tế, tự tâng bốc mình lên, thậm chí còn mưu lợi cái riêng cho mình nếu như có thể, phán như đúng rồi và luôn cho rằng mình đúng mới ghê tai.

Thấy người khác giàu thì tỏ thái độ ganh ghét chê bai, thấy họ post ảnh đi ăn, đi chơi thì bảo họ khoe khoang, không dành tiền mà đi làm từ thiện (?), bản thân mình đang “tỉ phú thời gian để đi làm anh hùng bàn phím, muốn làm từ thiện sao không đi làm để dành tiền mà giúp đỡ người khó khăn?

Các nghệ sỹ, các “sao” thường hay bị các anh hùng soi từ dáng đi, lời nói, miếng ăn. Từ mái tóc, làn da, chuyện vợ chồng, học vấn... Các anh hùng cũng có thể đưa đối tượng lên mây xanh vào buổi sáng, rồi buổi chiều lại ném đá không nương tay...

Trò chơi  Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông sống không được dài ngày, bởi chủ nhân không chịu nổi áp lực gây nên bởi cộng đồng mạng. Trong đó chủ yếu là các “anh hùng” làm cho sự yên tĩnh thường ngày của anh bỗng  nhiên náo loạn, phá vỡ cuộc sống thanh bình anh đang có trước đây...

“Kẻ giấu mặt” đằng sau những con chữ để soi mói, chê bai, ganh tị... hàng ngày, vẫn biết không hay ho nhưng sẽ tồn tại như một phần tất yếu, chúng ta được phép bày tỏ tự do và nêu quan điểm, nhưng đừng biến mình thành những anh hùng "chỉ trích suông"...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Song Nguyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN