"Thái sư Trần Thủ Độ" đang mắc... sóng

Sự kiện: Phim Việt Nam hay

Phim truyền hình lịch sử dài 33 tập Thái sư Trần Thủ Độ hoàn thành hơn năm nay nhưng chưa biết lúc nào ra mắt công chúng, theo chia sẻ của đạo diễn Đào Duy Phúc.

Phim truyền hình lịch sử hao tâm, tốn của “Thái sư Trần Thủ Độ” vừa được ba giải Cánh Diều Vàng nhưng đó chỉ là sự thẩm định của một Ban giám khảo (BGK). Nay lại lận đận mãi không được lên sóng? Vướng ở khâu nào thưa anh?

Thuyền to thì sóng lớn, sóng liên tục nhiều lần tưởng lật thuyền chứ không chỉ là vài phen lận đận. Tôi hài lòng vì đã cùng NSƯT Tất Bình chèo lái con thuyền vượt qua giông bão và nay đã cập bến.

Tôi vui vì những giọt mồ hôi của tất cả những người làm nên bộ phim đã không uổng phí. Ba giải Cánh Diều Vàng (cho biên kịch, đạo diễn, phim) là sự ghi nhận cống hiến của chúng tôi.

Phim được hội đồng của Hà Nội nghiệm thu đã lâu, hiện Sở VHTT&DL Hà Nội vẫn đang nỗ lực tìm hướng để phim lên sóng, còn vướng ở khâu nào thì… chắc là khâu sóng. (cười)

"Thái sư Trần Thủ Độ" đang mắc... sóng - 1

“Thái sư Trần Thủ Độ” chưa biết ngày nào lên sóng

Thuộc số ít phim truyền hình lịch sử Việt Nam đầu tiên thực hiện trong điều kiện thiếu trường quay, đây đã phải là thách thức lớn nhất của đoàn làm phim khi tạo dựng không khí lịch sử?

Trường quay luôn là hạng mục tốn kém nhất khi làm phim lịch sử, và là thách thức đầu tiên cho nhà sản xuất. Còn việc tạo dựng không khí lịch sử trong phim thì có vô số thách thức, và thách thức nào cũng là…nhất, vì không thể thiếu bất kỳ hạng mục nào.

Như nhiều bậc đạo diễn đàn anh trong nghề nhận định, thì hạ tầng cơ sở để làm phim lịch sử ở Việt Nam vẫn đang là số 0. Vì vậy hầu như đoàn phim nào bắt tay làm phim lịch sử đều phải chuẩn bị lại từ đầu, rất khó khăn, tốn kém và lãng phí (khi chỉ sử dụng một lần). Nếu có trường quay chuyên nghiệp, chắc chắn nhiều nhà sản xuất, nhiều nhà sáng tác sẽ say mê với đề tài lịch sử.

Anh hài lòng đến đâu về dàn diễn viên, nhất là sau sự cố nữ diễn viên chính phải dừng lại dở chừng?

Tôi rất hài lòng về dàn diễn viên của mình. Tất cả đều nỗ lực, toàn tâm toàn ý chăm chút cho vai diễn, dù cho điều kiện sản xuất phim lịch sử rất khó khăn, thời tiết vô cùng khắc nghiệt.

Dù là diễn viên chuyên nghiệp hay diễn viên mới, họ đều có điểm chung- yêu nhân vật của mình. Việc thay nữ diễn viên chính tôi không muốn nhắc lại, nhưng bản chất sự cố là nữ diễn viên đã không được tiếp tục vai diễn.

Anh được biết đến với một số phim điện ảnh, cuối cùng ghi dấu ấn hơn với phim truyền hình?

Kinh nghiệm trong tư duy sáng tạo từ việc sản xuất phim- tôi luyện trong quãng thời gian thực hiện cả 4 phim điện ảnh quay bằng phim âm bản, cùng với kiến thức về văn hóa, lịch sử, sự từng trải trong cuộc sống- giúp tôi tự tin để gánh vác bộ phim truyền hình lịch sử quan trọng và đầy áp lực này. Anh em đồng nghiệp thường nói vui, 5 năm làm 4 phim nhựa, còn nghìn năm tôi mới được làm 1 phim truyền hình.

Vài năm nay anh chưa làm phim điện ảnh, vì hiếm kịch bản ưng ý hay anh theo nhiều đạo diễn kỳ cựu khác lấn hẳn sang làm phim truyền hình?

Thái sư Trần Thủ Độ khiến tôi mất 4 năm từ khi tiếp nhận kịch bản cho tới lúc giao xong phim, gấp nhiều lần cho 1 bộ phim điện ảnh tôi từng làm. Sau bộ phim lịch sử nhiều sóng gió này, tôi cũng phải có thời gian “dưỡng thương và nạp nhiên liệu”, hy vọng sắp được cống hiến cho khán giả những bộ phim chất lượng, bất kể truyền hình hay điện ảnh.

Thái sư Trần Thủ Đô do UBND TP Hà Nội đặt hàng, kinh phí 56 tỷ đồng, dự kiến chào mừng đại lễ nhưng không kịp hoàn thành, giờ lại chưa thể lên lịch chiếu. Còn Huyền sử Thiên Đô, kịp hoàn thành phần đầu và trình chiếu, bước đầu có phản hồi tốt, tuy nhiên nhà sản xuất chưa có kế hoạch làm nốt phần sau, vì kinh phí phần đầu lỗ nặng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Toan Toan (Tiền Phong)
Phim Việt Nam hay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN