Đừng đùa với "ghế" Đại sứ du lịch

Có lẽ từ trường hợp của Lý Nhã Kỳ cho thấy chức danh Đại sứ du lịch chẳng hề đơn giản chút nào. Cuộc đua này ngày càng trở nên rối ren hơn khi liên tiếp có nhiều xáo trộn.

Lâu nay người ta vẫn dùng cụm từ “ghế nóng” để ám chỉ giám khảo của các cuộc thi truyền hình thực tế. Những người được giao đảm nhận vai trò này hoặc rất am hiểu về lĩnh vực mà họ được mời, hoặc nổi tiếng như một chiêu PR cho chương trình. Thực tế cho thấy cuộc đua “ghế nóng” luôn chẳng bao giờ nguội lạnh vì họ chính là tâm điểm của dư luận và là “tấm bình phong” cho mỗi chương trình. Thêm vào đó, bản thân mỗi người ngồi trên “ghế nóng” cũng có những cuộc đua ngầm với nhau.

Đừng đùa với "ghế" Đại sứ du lịch - 1

Lý Nhã Kỳ nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sau một năm đảm nhiệm chức Đại sứ du lịch

Nói dài thành lan man, so sánh thành khập khiễng nhưng nói vị trí Đại sứ du lịch cũng như một chiếc “ghế nóng” cũng không phải là quá. Mà thực tế cho thấy, ai can đảm dám ngồi và được ngồi ở vị trí này cũng chẳng khác nào làm dâu trăm họ, “trăm dâu đổ một đầu tằm”. Và Lý Nhã Kỳ có lẽ là bằng chứng nổi bật nhất.

So với tất cả những cái gọi là “ghế nóng” từng được báo chí đề cập trước đây có lẽ Lý Nhã Kỳ là người nhận được nhiều búa rìu dư luận nhất. Âu cũng một lẽ vì Đại sứ du lịch Việt Nam là “Danh hiệu xưa nay hiếm”. Nói như Hoa khôi thể thao Thu Hương, mỗi người Việt Nam có lòng yêu nước đều có thể là một “đại sứ du lịch” nhưng danh hiệu đó đâu có được công nhận. Và phải đến Lý Nhã Kỳ lần đầu tiên chức danh này mới được hợp thức hóa với rất nhiều tiêu chuẩn “khắt khe”.

Ngày Lý Nhã Kỳ ứng cử vị trí này, nhiều người cho rằng đó là chiêu PR, khoe mẽ, là trò “mua vui công chúng”. Và khi cô chính thức được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch bổ nhiệm dư luận vẫn chưa hết bàn ra tán vào. Từng vướng phải vô số những scandal không mấy sạch sẽ trước đó, điều này cũng chẳng có gì là khó hiểu.

Đừng đùa với "ghế" Đại sứ du lịch - 2

Nhưng trước đó, cô đã nhận không ít búa rìu dư luận

Chiếc “ghế nóng” của Lý Nhã Kỳ chẳng hề giảm nhiệt chút nào vì ngay sau khi nhận được danh hiệu, cô đã bắt tay vào chiến dịch cũng “nóng” không kém – vận động bình chọn cho Vịnh Hạ Long là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.

Có vẻ như, lòng tự tôn dân tộc đã lấn át để rồi người ta ít “ném đá” Lý Nhã Kỳ hơn mà thay vào đó bắt đầu cùng cô bước vào cuộc đua này. Khi tổ chức New 7Wonder xướng tên Vịnh Hạ Long với số phiếu bình chọn rất cao, những con mắt dần có thiện cảm với Lý Nhã Kỳ. Sau này, khi cô vận động để Hà Nội giành quyền đăng cai ASIAD 2019 hay quảng bá du lịch miền Tây, Tây Nguyên, Hưng Yên, Nam Định… chuyện cũ đã dần trôi vào dĩ vãng.

Nhưng ghế nóng lại ngày càng nóng hơn khi Lý Nhã Kỳ bất ngờ xin rút lui khỏi vị trí này với nhiều lý do từ cá nhân cho đến gia đình. Cuộc đua mà ai cũng chắc chắn nữ diễn viên Mùa hè lạnh sẽ tái đắc cử chỉ còn hai ứng viên: Huỳnh Thị Ngọc Hân và cô giáo tiếng Anh Đỗ Thị Hồng Thuận. Thế nhưng, bất ngờ diễn viên Lan Phương cũng đánh tiếng sẽ ứng cử vị trí này và đang tiến hành chuẩn bị các hồ sơ cần thiết.

Đừng đùa với "ghế" Đại sứ du lịch - 3

Huỳnh Thị Ngọc Hân - một trong ba ứng viên hiện tại của cuộc bình chọn

Đến lúc này, nhiều người mới ngã ngửa ra rằng liệu việc Lý Nhã Kỳ xin rút liệu có khuất tất gì hay đây cũng chỉ là chiêu lùi một bước tiến vài bước của cô? Và, rằng danh hiệu này có thực sự là “phần thưởng cao quý” khiến ngày càng có nhiều người để mắt đến nó nhiều hơn.

Theo một cuộc bình chọn trên 24H.COM.VN, thì sau khi đánh tiếng tự ứng cử danh hiệu này, DV Lan Phương chỉ nhận được hơn 58% sự ủng hộ của khán giả - một con số còn khá khiêm tốn so với gần 70% của Lý Nhã Kỳ. Tất nhiên, nếu đặt trong thế so sánh với thời điểm Nhã Kỳ tự ứng cử cách đây 2 năm, thì sự đồng thuận cho Lan Phương đã là rất cao.

Nhiều người tự đặt câu hỏi rằng, liệu tân Đại sứ du lịch Việt Nam 2013 nếu không phải là Lý Nhã Kỳ liệu có khả năng tự chi trả cho những chuyến công du nước ngoài để quảng bá cho du lịch Việt Nam.

Đừng đùa với "ghế" Đại sứ du lịch - 4

Lan Phương là ứng viên mới nhất cho danh hiệu Đại sứ du lịch

Theo quy chế hiện tại, khi đi công tác, Đại sứ du lịch sẽ chỉ được hưởng những chi phí của một cán bộ nhà nước như được đài thọ vé máy bay, ăn ở tại khách sạn (khoảng 150 USD/ngày) và tiền tiêu vặt (vào khoảng 15 USD/ngày). Trước đây, Lý Nhã Kỳ thường tự bỏ túi toàn bộ các chi phí này, do đó với một vị trí mới chuyện kinh phí vốn chẳng hề đơn giản. Hoặc giả, Tân Đại sứ du lịch sẽ có “cao kiến” mới vừa tiết kiệm vừa hiệu quả mà vẫn quảng bá hình ảnh Việt Nam ra toàn thế giới.

Việc Hoa khôi thể thao Thu Hương dù được nhắm đến vị trí này nhưng đã từ chối rất khéo cho thấy chiếc “ghế nóng” Đại sứ du lịch vốn chẳng hề đơn giản. Người kế nhiệm cũng sẽ gặp không ít áp lực trước những gì mà Lý Nhã Kỳ đã làm được trong nhiệm kì đầu tiên. Và nếu Lý Nhã Kỳ có đổi ý, quay lại cuộc bình chọn thì cô sẽ làm được gì trong lần tái đắc cử này sẽ là chuyện còn được mổ xẻ rất nhiều.

Nhưng lạ kỳ thay, một danh hiệu được coi là bộ mặt của Du lịch Việt Nam lại chưa hề có một đơn vị hay tổ chức nào đứng ra đề cử mà tất cả đều là các cá nhân tự ứng cử?

Tiêu chuẩn đối với Đại sứ Du lịch Việt Nam

1. Đối với công dân Việt Nam

1.1. Là công dân Việt Nam, có lòng yêu nước, lý lịch nhân thân tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa; chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
1.2. Có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, trung thực, gương mẫu, trách nhiệm, có đủ điều kiện về sức khỏe, không vi phạm pháp luật và các quy định của Nhà nước.
1.3. Có kinh nghiệm tham gia các hoạt động xã hội.
1.4. Có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực hoạt động của mình, có thành tựu nổi bật trong hoạt động nghề nghiệp và xã hội, có đóng góp tích cực cho sự tiến bộ của xã hội.
1.5. Có khả năng vận động tài chính từ những nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam.
1.6. Có khả năng trình bày, tuyên truyền trước công chúng nước ngoài bằng tiếng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ nước sở tại.
1.7. Có uy tín và có ảnh hưởng tích cực đối với xã hội.
1.8. Tự ứng cử hoặc được cá nhân, tổ chức khác giới thiệu ứng cử Đại sứ Du lịch Việt Nam.

2. Đối với người nước ngoài

2.1. Là công dân nước sở tại, có tình cảm và gắn bó với Việt Nam, lý lịch nhân thân tốt, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và những quy định của nước sở tại.
2.2. Có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, trung thực, gương mẫu, trách nhiệm, có đủ điều kiện về sức khỏe.
2.3. Có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực hoạt động của mình, có thành tựu nổi bật trong hoạt động nghề nghiệp, xã hội tại nước sở tại, có đóng góp tích cực cho Việt Nam.
2.4. Có khả năng trình bày, tuyên truyền trước công chúng nước ngoài bằng tiếng Anh hoặc ngôn ngữ nước sở tại.
2.5. Có khả năng vận động tài chính từ những nguồn lực xã hội phục vụ cho công tác xúc tiến và quảng bá du lịch Việt Nam.
2.6. Tự ứng cử hoặc được cá nhân, tổ chức khác giới thiệu ứng cử Đại sứ Du lịch Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khôi Nguyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN