007 đầu tiên và những điều ít biết

Sự kiện: Phim chiếu rạp

Ngày 5/10/1962, tại rạp London Pavilion, ở Piccadilly Circus (Anh quốc), Sean Connery cùng với tác giả Ian Fleming, hai nhà sản xuất Albert Broccoli và Harry Saltzman xuất hiện trên thảm đỏ trong buổi chiếu ra mắt thế giới của bộ phim James Bond đầu tiên, Dr.No - một huyền thoại ra đời!

“Bond, James Bond!”

Một khoảnh khắc có sức ảnh hưởng trong điện ảnh, khi Sean Connery giới thiệu James Bond với thế giới điện ảnh bằng câu nói mang tính thương hiệu trứ danh, “Bond, James Bond!”.

Tên của nhân vật James Bond được giới thiệu không phải ở đầu phim, mà là khi đã chiếu được 1/3 trong "trường đoạn hộp đêm giờ đã nổi tiếng, có sự xuất hiện của cô đào Sylvia Trench", người mà Sean Connery đã nói “lời giới thiệu bất hủ” của mình. Cảnh này xảy ra trong Le Cercle At Les Ambassadeurs, một câu lạc bộ cờ bạc dành cho giới thượng lưu trong cuốn tiểu thuyết đầu tiên, Casino Royale. Tác giả Ian Fleming cho rằng “kỹ năng đỏ đen và sự hiểu biết về cách cư xử trong sòng bạc, được xem như là những phẩm chất của một quý ông”.

007 đầu tiên và những điều ít biết - 1

Trong truyện thì nhân vật nữ chính được Ian Fleming mô tả lần đầu xuất hiện từ phía sau, trên người chẳng mặc cái gì ngoại trừ dây đai đựng con dao đi săn nhưng trong phim, nhân vật bước từ mặt biển lên bờ trong một chiếc mặt nạ lặn bảo hộ, trên người mặc bộ bikini hai mảnh màu kem, bên hông dắt một con dao…

Sau khi thua Bond một ván bài Chermin de Fer, Sylvia Trench hỏi tên anh. Bond đốt điếu thuốc một cách rất điệu nghệ trước khi trả lời: “Bond, James Bond”. Ngay khi Connery nói câu thoại ấy, điệu nhạc chủ đề nhân vật James Bond của nhà soạn nhạc Monty Norman vang lên, “và tạo ra một sự liên kết không thể xóa nhòa giữa âm nhạc và nhân vật”. Chỉ một cảnh ngắn giới thiệu về mình, đã bao hàm toàn bộ tính cách của gã siêu điệp viên này “những phẩm chất mạnh mẽ, năng động, nhạy bén, tàn bạo… được mô tả sinh động bởi một con bạc thanh lịch, hơi hung ác với nụ cười giễu cợt”. Raymond Benson, tác giả bộ tiểu thuyết mở rộng về James Bond, đã nhận xét rằng khi âm nhạc vang lên trong cảnh đó, “bản thân chúng ta đã có một kiệt tác điện ảnh kinh điển”.

Sau Dr.No, câu thoại “Bond, James Bond” nửa thế kỷ qua đã xuất hiện trong tất cả những bộ phim về điệp viên 007. Nó trở thành một câu nói thông dụng đi vào từ điển văn hóa phương Tây. Hai nhà văn John Cork và Bruce Scivally đã khẳng định sau khi xem Dr.No rằng: “Lời giới thiệu độc đáo ấy sẽ trở thành câu thoại nổi tiếng nhất, và được yêu thích nhất trong điện ảnh”. Năm 2001, câu thoại này được khán giả điện ảnh Anh quốc bình chọn là “câu thoại được yêu thích nhất trong điện ảnh”. Năm 2005, “Bond, James Bond” được Viện Phim Mỹ xếp thứ 22/100 câu thoại hay nhất trong lịch sử điện ảnh.

007 đầu tiên và những điều ít biết - 2

Tác giả Ian Fleming cho rằng “kỹ năng đỏ đen và sự hiểu biết về cách cư xử trong sòng bạc, được xem như là những phẩm chất của một quý ông”

Đi trước thời đại…

50 năm sau, trong một kỷ nguyên đã quen với những cảnh khoe da thịt, bắn giết trên màn ảnh, nhưng xem lại Dr. No vẫn thấy sướng mắt. Vẻ sáng ngời, trong xanh ở Jamaica nơi Connery sải những bước chân vững chắc, làn da ướt sũng nước biển và những bộ trang phục lộng lẫy gợi cảm của Ursula Andress, vẻ kỳ ảo hiện đại của sào huyệt ngầm dưới nước của tiến sĩ No thâm độc, do Joseph Wiseman đóng… Tất cả đều vô cùng đặc sắc, hấp dẫn và đi trước thời đại. Có thể hiểu, 50 năm trước cảm giác của những người đã xem Dr.No trong rạp còn nhân lên gấp mấy lần.

Tại Anh, Dr.No chỉ mất vài tháng để lấy lại vốn 1 triệu USD, và cuối cùng thu được nhiều gấp 20 lần số tiền đó trong đợt phát hành đầu tiên. Các chủ rạp tại Mỹ lúc đầu đi nước đôi, dè dặt, “dìm hàng” bộ phim (theo như Broccoli chán nản nhận xét) trước khi cho phép những người sành điệu ở New York và Los Angeles xem nó.

007 đầu tiên và những điều ít biết - 3

Tôi là Bond, James Bond

Khi Dr.No vào rạp, không chỉ khán giả bình dân mà cả giới trí thức sống ở miền duyên hải cũng bị hút hồn. “Ồ, thật là choáng: Cảnh Ursula Andress bước lên từ đại dương, cách thiết kế mỹ thuật xuất sắc, và hình ảnh những cô gái gần như khỏa thân trong đoạn giới thiệu ở đầu phim khiến bạn phải căng mắt mà nhìn. Đấy là những thủ thuật rẻ tiền, nhưng rất hay”. Buck Henry của tờ Vanity Fair nhận xét.

Dr.No cùng hai phần tiếp theo, From Russia With Love (1963) và Goldfinger (1964), là nền tảng của hội chứng cuồng James Bond. Giống như những đĩa đơn đầu tiên, Love Me Do của bộ đôi Lennon - McCartney (ra đời cùng năm với Dr.No) đã khơi dậy chứng cuồng Beatles. Cả hai đều là điềm lành báo hiệu những điều to lớn hơn, hoành tráng hơn sẽ đến, và sự cuồng nhiệt mà chúng đã tạo ra không thể bị vượt qua.

Những bộ phim 007 không chỉ cực kỳ thú vị, chúng còn mở ra một trải nghiệm mới về máy bay, tàu thủy, và mang đến cho công chúng cơ hội được ngắm nhìn tương lai đang chờ họ. Từ năm 1960, chưa tới 2% người Mỹ du lịch quốc tế bằng đường hàng không. Nhưng điều đó đã thay đổi khi cả 2 bộ Dr.No và From Russia With Love đều có những cảnh chủ yếu lăng-xê Hãng Hàng không Pan Am (Mỹ), khi để các nhân viên kiểm soát không lưu loan báo máy bay đã hạ cánh, “Xin chào, London, chuyến bay Pan Am 1 của quý vị vừa đáp xuống Istanbul”.

Guy Hamilton, đạo diễn của Goldfinger kể lại quan điểm của bộ đôi Broccoli - Saltzman về phương tiện vận chuyển của James Bond, “Đừng dùng xe lửa khi anh có thể dùng máy bay, và nếu dùng máy bay, thì hãy dùng chiếc đời mới nhất. Và nếu anh cho James Bond một chiếc xe, thì đừng cho thấy chiếc mà ai cũng biết - Hãy cho họ thấy những chiếc mà họ chưa từng thấy!”. Đây là lý do vì sao, trong khi Bond lái chiếc Aston Martin DB3 trong tiểu thuyết Goldfinger, thì trong bộ phim của Hamilton, Bond lái chiếc DB5 - ra đời sau cuốn truyện 5 năm.

Những phim về 007 luôn tạo ra một điều gì đó khác biệt. Đơn cử như trong Goldfinger, sau khi bị hạ gục bằng một khẩu súng bắn thuốc mê, Bond được nữ phi công gây mê Pussy Galore (Honor Blackman đóng) cho biết rằng: “Anh đang ở trên chiếc máy bay Lockheed JetStar của ngài Goldfinger” - đó có thể được coi là khoảnh khắc khai sinh ra khái niệm phi cơ thương mại tư nhân, mà lúc đó hầu như chưa được nghe nói đến! Ngay cả cách gọi món điểm tâm của Bond trong From Russia With Love, “Quả sung xanh, sữa chua, cà phê đậm đặc”, hay cách gọi vodka Martini - thứ nước uống yêu thích của Bond trong hầu hết các phim 007 - “Martini, lắc, không khuấy!”… cũng nghe có vẻ đi trước thời đại.

007 đầu tiên và những điều ít biết - 4

… và điều không thể thiếu: Sexy!

Ngoài khía cạnh du lịch, những phim 007 còn nhấn mạnh đến khía cạnh tình dục. Trong truyện Dr.No, nhân vật nữ chính Honeychile Rider, được Ian Fleming mô tả lần đầu xuất hiện từ phía sau, trên người chẳng mặc cái gì ngoại trừ dây đai đựng con dao đi săn. “Sợi dây đai khiến cho trạng thái khỏa thân của cô ta cực kỳ khêu gợi”, Fleming viết. Nhưng trong phim, nhân vật được đặt tên lại là Honey Rider, bước từ mặt biển lên bờ trong một chiếc mặt nạ lặn bảo hộ, trên người mặc bộ bikini hai mảnh màu kem, bên hông dắt một con dao… đã làm cánh mày râu thời ấy gần như nín thở!

Trong dàn diễn viên chính của Dr.No, Honey Rider là vai diễn được chọn cuối cùng, chỉ 2 tuần trước khi bộ phim được khởi quay. Broccoli và Saltzman, sốt sắng kiếm người phụ nữ có thể tuyệt đối hoàn hảo nhất cho vai diễn này. Họ đã sàng lọc hàng đống ảnh trước khi bắt gặp ảnh của cô đào người Thụy Sĩ, Ursula Andress. Giám đốc casting Max Arnow xác nhận rằng Andress, vợ của nam diễn viên hào hoa John Derek, ở ngoài đời thậm chí còn đẹp hơn so với trên phim, nhưng cô lại có “một giọng nói nghe giống một diễn viên hài Hà Lan”. Không thành vấn đề, các nhà sản xuất vẫn chọn cô bằng mọi giá, và đồng ý để người khác lồng tiếng cho Andress sau này. Khi quyết định chọn Ursula Andress, Broccoli và Saltzman đã thiết lập một khuôn mẫu trong việc chọn các vai Bond-Girl sẽ được áp dụng cho các bộ phim 007 tương lai: Ưu tiên số một về ngoại hình, sau đó mới đến diễn xuất!

“Bộ phim thực sự rất sexy”, diễn viên Shirley Eaton (đóng vai Jill Masterson) nói về các cảnh quay của cô với Connery trong Goldfinger (1964). Trong tập này, Eaton nổi tiếng với cảnh cô gái tóc vàng được phát hiện chết trong tình trạng khỏa thân, cơ thể được phủ một lớp sơn vàng (vì sơn làm cho “da nghẹt thở”, một cái chết chưa từng xảy ra ở ngoài đời), một hình phạt mà ông chủ, Auric Goldfinger, dành cho cô vì can tội ngả sang phe của Bond.

Nhưng chính cảnh đầu tiên của Eaton với Connery mới khiến khán giả rạo rực, khi Bond bắt gặp Jill Masterson đang nằm sấp với bộ bikini đen trong một phòng khách sạn có ban - công. Bond mặc một bộ đồ bay ngắn bằng vải bông màu xanh nhạt, cười tươi, nhẹ nhàng hạ thấp thân người xuống cạnh Jill, thong thả và khôn ngoan khi tranh thủ tiếp xúc cơ thể người đẹp…

***

Ian Fleming tới thăm trường quay Pinewood khi đang quay Goldfinger năm 1964. Nhưng một cơn đột quỵ tim đã khiến Fleming không còn sống tới ngày được xem Goldfinger. Ông qua đời một tháng trước khi bộ phim chiếu ra mắt tại London, hưởng dương 56 tuổi. Sự ra đi của Ian Fleming diễn ra đúng vào lúc Bond trên phim bắt đầu vượt lên trên Bond văn chương. Nó bén rễ và gây ảnh hưởng không chỉ như là một nhân vật điện ảnh được ưa chuộng, mà còn là một biểu tượng của văn hóa phương Tây suốt nửa thế kỷ qua, và vẫn chưa có điểm dừng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bá Vũ (Thể Thao Văn Hóa Cuối Tuần)
Phim chiếu rạp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN