Xung quanh đề xuất cải cách chữ viết quốc ngữ: Phê phán và phản biện đúng đắn
Việc PGS.TS Bùi Hiền công bố đề xuất cải cách chữ viết quốc ngữ (trong cuốn "Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế thuộc cuốn sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển" do NXB Dân Trí ấn hành) đã tạo nên một làn sóng thực sự trên mạng xã hội...
Rất nhiều dòng trạng thái đã được viết theo đúng phương án đề xuất của ông và tất nhiên, không phải chúng được viết trên tinh thần ủng hộ mà thay vào đó là giễu nhại, thậm chí có cả những phát ngôn lăng mạ nặng nề. Điều đó quá dễ hiểu bởi chúng ta cũng đã quá quen rồi với một xã hội sẵn sàng dành cho một cá nhân dị biệt về hành vi (ở đây chỉ nói về những hành vi không vi phạm pháp luật) những nhận xét kiểu như "thần kinh, dở hơi, quái gở, điên…".
Ngay cả PGS.TS Bùi Hiền cũng lường trước được phản ứng ấy từ dư luận. Ông nói thẳng rằng "có người còn nói tôi rửng mỡ" và khảng khái đưa ra quan điểm: "Tôi sẽ không lùi bước dù bị ném đá bẩn thỉu". Chưa bàn vội đến chất lượng đề án mà ông Bùi Hiền đưa ra, chỉ mới nói đến thái độ của một người làm khoa học thôi, chúng ta có thể nhận xét rằng ông Bùi Hiền đã và đang có một thái độ dũng cảm cần có của một người làm nghiên cứu, thái độ dám đương đầu thách thức lớn để bảo vệ luận điểm của mình và sẵn sàng đi tới cùng điều mình tin là đúng, là tốt hơn.
PGS.TS Bùi Hiền
Bây giờ thì chúng ta quay lại với vấn đề chất lượng đề án của PGS.TS Bùi Hiền để đặt đúng một câu hỏi thôi: "Đã có ý kiến phản bác nào đối với đề xuất ấy được lập luận bằng cơ sở khoa học, dựa trên thực tế về phát âm, ngữ âm của người Việt, tiếng Việt hay chưa? Hay là thay vào đó, chỉ là một dạng lên đồng tập thể cho rằng cái đề xuất mới mẻ của PGS.TS Bùi Hiền chỉ là một thứ dở hơi vô bổ, dị hợm và không đáng một chút giá trị nào?".
Thực chất, phải thừa nhận có những đề xuất của ông Bùi Hiền không thể nào thuyết phục được những người quan tâm đến ngôn ngữ và chắc chắn, nếu có một dự án cải cách chữ quốc ngữ nào đó trong tương lai, những đề xuất ấy không nên được áp dụng.
Đơn cử, việc chỉ dùng chữ cái "g" thay cho "ng", đặc biệt ở các phụ âm cuối từ là không đúng với chuẩn quy ước của hệ chữ Latin mà chúng ta sử dụng. Ví dụ như từ "Long", nếu viết là "Log" sẽ đọc hoàn toàn khác nhau và với một chiếc smart phone rẻ tiền thôi của thời đại này, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra lối phát âm khác nhau của hai từ ấy trong cả tiếng Anh, Pháp, Ý hay Latin.
Ngay bản thân trong tiếng Anh, từ ngôn ngữ là "language" (tiếng Pháp là lange, tiếng Ý là lingua) và nếu bỏ ký tự n đi, dù cấu thành 1 từ không tồn tại trong từ vựng tiếng Anh đi nữa, bất kỳ người nói tiếng Anh nào cũng sẽ phát âm khác hẳn. Tất nhiên, có thể PSG.TS Bùi Hiền sẽ có phản biện rằng trong hệ thống quốc ngữ tiếng Việt không hề có từ nào chỉ một mình chữ cái g đứng vai trò phụ âm đóng cuối từ nên việc quy ước dùng g thay cho ng ở cuối từ có thể chấp nhận được.
Song, cơ bản, ký tự được quy ước hoá để mô phỏng phát âm, phiên âm và tư duy loài người đã chấp nhận quy ước ấy từ cả ngàn năm nay rồi nên việc thay đổi trên mỗi tiếng Việt sẽ không hợp lý, đặc biệt cho những người phương Tây học tiếng Việt.
Hoặc một ví dụ khác, như việc PSG.TS Bùi Hiền muốn thay đổi sử dụng chỉ một mình chữ c thay cho cụm chữ ch ở các phụ âm đóng cuối từ chẳng hạn. Dùng cặp chữ ch cho phụ âm đóng cuối từ chắc chắn mô phỏng phát âm khác hẳn với chỉ 1 phụ âm c và chúng ta có thể kiểm nghiệm bằng cách phát âm của các từ trong tiếng Anh, Pháp, Ý, Đức…
Để đóng âm bằng chữ c, âm hưởng của nguyên âm có xu hướng ngắn hơn và đóng hơn. Bản thân trong các ngôn ngữ châu Âu, việc đóng âm bằng ch cũng đã khác bằng ck hoặc x dù 3 cách phát âm ấy khá tương đồng nhau. Rõ ràng, trong các đề xuất của PGS. TS Bùi Hiền, khoảng trống sơ hở về "âm" vẫn còn rất lớn, và chắc chắn khiến các đề xuất ấy trở thành sai sót và sơ sài hoá tiếng Việt đi rất nhiều.
Song, không hẳn PGS.TS Bùi Hiền không có những đề xuất có lý, ví dụ như dùng chứ f, dùng chữ z, chữ j và loại bỏ chữ đ. Khá nhiều người Việt có tên bắt đầu bằng chữ D khi giao tiếp với người nước ngoài đã phải cố tình viết tên mình thành Dz để giúp đối tác dễ đọc đúng. Bản thân người đã góp phần quan trọng vào việc hình thành chữ quốc ngữ Việt Nam là cha Alexandre de Rhodes, một người Pháp vùng Agvinon, đã phiên âm từ tiếng Việt và biên soạn nên cuốn từ điển Việt - Bồ - La, chắc cũng đã phải cân nhắc rất nhiều khi tạo nên ký tự Đ.
Trong tiếng Pháp, Bồ và Latin, chữ cái D (đọc là dé) và âm của nó "dẹt" hơn âm của chữ Đ. Ví dụ điển hình như từ Dama (quý bà) sẽ đọc thành da-ma chứ không phải là đa-ma. Trong khi đó, trong tiếng Anh, chữ cái D lại đọc gần với chữ Đ tiếng Việt hơn. Vậy thì việc chấp nhận quy ước chữ D thay hẳn cho chữ Đ trong đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền có thể nói là một đề xuất khá tiến bộ khi dung hòa cả cách phát âm của tiếng Anh, một ngôn ngữ phổ biến bậc nhất trong giao thương quốc tế, thể hiện sự dung hoà mới của một quốc ngữ vốn căn bản chỉ dựa trên cơ sở của phiên âm bởi một người Pháp-Bồ thông qua hệ chữ Llatin.
Tất cả các ví dụ kể trên đều cho thấy rằng thực sự đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền là một đề tài khoa học rất cần những phản biện có cơ sở khoa học để giúp nó có thể hoàn thiện hơn nữa, loại bỏ những sai lầm mang tính chủ quan của chính tác giả và mở rộng thêm biên độ phiên âm của tiếng Việt, giúp việc tiếp cận tiếng Việt cho người nước ngoài cũng dễ dàng hơn. Nhưng tiếc rằng, thay vì nhận được những phản biện, những phê phán đúng đắn thực sự, thứ mà PGS.TS Bùi Hiền nhận về chỉ là những "gạch đá".
Chúng ta cần những trí thức có công trình nghiên cứu. Nhưng chúng ta cần hơn những con người cởi mở lắng nghe các nghiên cứu ấy, để chỉ ra rằng nó thiết thực hay không, đáng được áp dụng hay không chứ không phải những tập hợp dễ sa đà vào giễu nhại mà thực chất không có nổi một chút lập luận nào có cơ sở khoa học.
PGS, TS. Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT bất ngờ vì một đề xuất có ích cho nhân dân mà dư luận lại phản...