Xóa tư duy thầy cô luôn đúng

Hôm qua, trong buổi đến thăm Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa, Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng đại diện Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính tỏ ra bất ngờ trước mô hình giúp giáo viên tự hoàn thiện mình thông qua các đánh giá của học sinh.

“Tôi là mẹ Gấu”

Năm học 2012 - 2013, lần đầu tiên cô giáo Ngô Thị Thành được xướng tên trong lễ vinh danh những thầy cô được học sinh tin yêu do Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa (PHC-ĐĐ), Hà Nội tổ chức định kỳ hằng năm.

Cô Thành tâm sự: “Mười năm qua của tôi là hành trình đầy trăn trở trên con đường tìm đến với trái tim học sinh. Đó là quá trình học hỏi và dám thay đổi chính mình. Tôi đã học cách nghiêm khắc nhưng tế nhị”.

Rời giảng đường đại học, cô Thành về nhận công tác tại Trường Phan Huy Chú từ năm học 2003 - 2004. Trước đó, trường này đã thử nghiệm rồi nhân rộng mô hình học sinh đánh giá giáo viên.

Sau này, việc cho học sinh đánh giá giáo viên trở nên bài bản hơn. Khi cô Thành chưa lọt vào danh sách những giáo viên được học sinh tin yêu, cô tự thấy mình phải thay đổi.

“Tôi bớt đi dáng vẻ đạo mạo, tôi cười với học sinh nhiều hơn, tham gia vào bất cứ hoạt động nào cùng các em. Tôi tìm tòi sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học, trong công tác chủ nhiệm.v.v… Những việc tôi làm đã lay động trái tim học sinh, được các em chào đón, tin yêu và gọi tôi là mẹ Gấu!”, cô Thành kể.

Xóa tư duy thầy cô luôn đúng - 1

Cô Thành dạy học sinh học nhóm môn Sử. Ảnh: Q.H.

Buổi học của Phó Thủ tướng

Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu Trưởng trường PHC-ĐĐ, thành công của cô Thành có tác dụng khích lệ đối với rất nhiều giáo viên trong trường.

Hiện trường có 77 giáo viên nhưng số giáo viên được xướng tên trong lễ tôn vinh hằng năm chưa đến 30 người, trong đó có 7 thầy cô năm nào cũng được tôn vinh, 18 thầy cô mới chỉ được tôn vinh một lần duy nhất, số còn lại năm được năm không.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, ông rất ấn tượng về cách làm của Trường PHC-ĐĐ trong việc tổ chức cho học sinh đánh giá giáo viên. “Với chúng tôi thì hôm nay là một buổi đi học.

 “Những gì các thầy cô chia sẻ là một bài học thực tế rất hay với chúng tôi - những giáo sư tiến sĩ!”.

Phó Thủ tướng
Nguyễn Thiện Nhân

Những gì các thầy cô chia sẻ là một bài học thực tế rất hay với chúng tôi - những giáo sư tiến sĩ!”, ông Nhân chia sẻ. Từ khi còn là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, ông Nhân từng đặt vấn đề để cho người học tham gia đánh giá người dạy, nhưng không dám nghĩ điều đó có thể làm được ở một trường phổ thông mà chỉ yêu cầu thử nghiệm ở một số trường ĐH!

Vậy mà, Trường PHC-ĐĐ bắt đầu tổ chức học sinh đánh giá giáo viên từ năm 1997, trước khi Bộ GD-ĐT chính thức đặt vấn đề này cả chục năm.

Ông Nhân nhận xét: “Những người làm nghề giáo thường mắc bệnh nghề nghiệp, coi mình là đúng, những gì mình nói là chân lý. Tâm lý này vô cùng nguy hiểm vì nó sẽ làm cho người thầy không bao giờ có nhu cầu cần phải đổi mới, ngành GD sẽ trở nên trì trệ”.

Theo ông Nhân, Bộ GD-ĐT nên suy nghĩ để học hỏi, nhân rộng mô hình này. Trước hết, Sở GD-ĐT có thể nghiên cứu để tiếp tục triển khai ở một số trường THPT khác.

“Mở rộng theo lộ trình nào? Cần phải chuẩn bị những gì? Có thể chọn một quận, một trường đi trước được không? Cần phải cân nhắc đến sự tự nguyện của các trường. Đã mở rộng là phải có chủ trương thống nhất, phải được sự chỉ đạo thống nhất của Sở GD-ĐT. Mỗi trường làm một kiểu là sẽ rối loạn hết. Cứ được như các thầy cô đang làm ở trường này là quý rồi”, ông Nhân nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quý Hiên (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN