Xây trường rồi bỏ không

Trong khi nhiều học sinh phải học dồn, học ghép ở những trường lớp xập xệ, đi xa hàng chục cây số để đến trường thì ở tỉnh Đắk Lắk vẫn có trường học xây khang trang lại bỏ không.

Dãy nhà gồm hai phòng học kiên cố trị giá hàng trăm triệu đồng tại buôn Gia Rai - Króa, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) được xây dựng cách nay hơn hai năm đã bị bỏ hoang. Trong khi đó ở buôn Xê Đăng (cũng thuộc xã Ea Kuêh), học sinh của điểm Trường tiểu học Lý Tự Trọng chen chúc ngồi học trong những phòng học tạm bợ, tuềnh toàng. Điểm học tạm bợ tại buôn Xê Đăng được xây dựng cách nay khoảng tám năm bằng gỗ, không có cửa, lợp tạm bằng mái tôn.

Ông Bùi Huy Hùng, phó chủ tịch xã Ea Kuêh, cho biết: năm 2009, UBND tỉnh Đắk Lắk có chủ trương di dời 76 hộ dân buôn Xê Đăng lấn đất lâm nghiệp ra lập khu dân cư tại khu vực buôn Gia Rai - Króa. UBND xã đã xây dựng hai phòng học ngay tại khu vực này để các cháu học mẫu giáo, lớp 1 được học gần nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh khỏi phải đưa đón...

Thế nhưng khi điểm trường này chưa hoàn thiện (chưa xây nhà vệ sinh, sân chơi, mua đồ dùng học tập...) thì lại có chủ trương xây dựng đường quốc phòng nối huyện Cư M’gar và huyện Ea Súp đi qua buôn Xê Đăng. Đường nhựa đi qua, đường điện cũng kéo theo vào nên 76 hộ dân không di dời ra buôn Gia Rai - Króa nữa và trường bỏ không. UBND xã đã tích cực vận động nhân dân cho con em về học tại đây để tránh lãng phí nhưng chưa có ai chấp nhận.

Còn Trường THPT Tôn Đức Thắng (xã Tam Giang, huyện Krông Năng) với quy mô 32 phòng học, kinh phí xây dựng hơn 19,7 tỉ đồng dự kiến phải hoàn thành cuối năm 2011, nhưng đến nay công trình vẫn đang ngổn ngang. Hiện nhà thầu thi công cầm chừng chờ chủ đầu tư trả tiền để hoàn thiện công trình.

Ông Phan Viết Nghĩa, chánh văn phòng UBND huyện Krông Năng, cho biết kinh phí xây trường UBND tỉnh sẽ chịu 80% (tương đương 15,7 tỉ đồng), còn 20% do UBND huyện chi. UBND huyện Krông Năng đã hoàn thành chi trả 3,7 tỉ đồng, còn UBND tỉnh bố trí cho nhà thầu 1 tỉ đồng, đến nay chưa bố trí thêm vốn.

Phía nhà thầu đề nghị chủ đầu tư bố trí vốn tiếp theo hợp đồng vì họ đã ứng ra hơn 10 tỉ đồng để xây dựng công trình, đến nay không còn đủ khả năng chi thêm nữa nên công trình bị dang dở. Mới đây, để tránh lãng phí, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Trường THPT Tôn Đức Thắng dù công trình vẫn chưa hoàn thiện, chưa thể nghiệm thu. Năm học mới, trường sẽ có 300 học sinh lớp 10 các xã lân cận vào học. Như vậy sẽ chỉ có 7/32 phòng học của trường được sử dụng trong năm học này, số phòng còn lại vẫn bỏ không chờ vốn để hoàn thiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo TR.TÂN ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN