Vị “đắng” tất niên sinh viên

Đến hẹn lại lên, dư âm ngày tết dường như đã ùa về trên mọi nẻo đường, và tràn đến hầu khắp các khu trọ sinh viên. Chuyện tưởng chỉ có thế, nhưng trong thời “bão giá” lăn lộn, bữa tất niên của SV cũng có lắm điều để nói…

Đến hẹn lại lên, dư âm ngày tết dường như đã ùa về  trên mọi nẻo đường, và tràn đến hầu khắp các khu trọ sinh viên (SV). Chuyện tưởng chỉ có thế, nhưng trong thời “bão giá” lăn lộn, bữa tất niên của SV cũng có lắm điều để nói…

Tất niên kiểu... sinh viên

Cuối năm là dịp vui mà mọi người hẹn hò, quây quần bên nhau. Dù “bão giá” vẫn xoay vần, nhưng không cản được những cuộc vui của đám học trò tha hương. Nguyễn Văn Hưng - SV năm thứ ba, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) - được đám bạn đánh tiếng từ mấy hôm trước về vụ tất niên khiến cậu méo mặt, bởi mới đây thôi, cuộc tất niên đồng hương đã “nướng” của cậu 200 ngàn đồng. Dù trong túi chỉ còn tiền ăn và tiền xe về, song Hưng khó tìm được lý do để thoái thác.

Có vẻ dứt khoát hơn Hưng, Lê Anh - SV năm cuối khoa Thư viện Thông tin (ĐH Văn hóa Hà Nội) - cho biết: “Trong túi mình cũng chỉ đủ tiền xe về, nhưng không dễ để lớp ngồi lại với nhau một buổi thế này. Phải vui hết mình chứ”. Còn Lan Anh - SV năm thứ 2 (ĐH Bách khoa) - chia sẻ: “Đi ăn nhà hàng rất tốn kém, mà lại không vui, nên chúng mình tự mua đồ về nhà làm. Chi phí cũng chỉ khoảng 30.000 đồng/người, thế là vui!”.

Không những thế, nhiều sinh viên đã mày mò và cho ra đời những món “độc” không dễ gặp trước đó: Lẩu rau thập cẩm, ăn vừa lạ miệng lại tốt cho sức khỏe, sườn chua ngọt được làm từ... rau, củ. “SV thì nghèo thật, nhưng để có cuộc vui như tất niên thì hiếm có, nên chúng mình muốn có một không gian tự nhiên, lại đông đúc. Thôi thì mỗi người cố gắng chút, mà cũng không hề đắt nhé!” - Lê Anh phân trần.

Vị “đắng” tất niên sinh viên - 1

Quan trọng là đông và ai cũng vui

Vui nhưng vẫn... méo mặt

Nói là nhẹ nhàng, nhưng thực tế cuộc nhậu của sinh viên thường kèm theo thú vui hát hò và “tổng thiệt hại” rõ ràng là không nhỏ. Khi mà chi phí bổ đầu cũng suýt soát tiền trăm. Với những đồ ăn, thức uống cắt cổ gấp gần chục lần, nhiều SV sau cuộc vui thì méo mặt nhưng không dám kêu ai.

Đành thôi ngậm ngùi. Phạm Thủy - SV năm thứ 2 (ĐH Giáo dục) - giờ vẫn chưa biết ngày về khi bố mẹ chưa gửi tiền lên. Cô bạn đành ngậm ngùi ôm đống bài vở và đống mì tôm cầm cự. Theo Thủy, chỉ tính riêng hai tiệc tất niên cũng đã ngốn của cô nửa triệu đồng. Xót lắm.

Lếch thếch xách túi đồ ra bến xe, Vũ Mạnh Quân (SV năm thứ tư, khoa Điện, ĐH Bách khoa) đã phải ký gửi chiếc máy tính để bán cho hiệu cầm đồ để thanh toán những nợ nần trong năm, đồng thời giải quyết hậu quả mới đây của vụ tất niên.

Đó không chỉ là tâm sự của Quân mà còn là nỗi lòng của một bộ phận khá đông sinh viên trong thời điểm này. Tết đến luôn là thời điểm mất nhiều kinh phí cho các khoản chi “không tên”. Chi tiêu hợp lý và biết dừng lại đúng lúc ở những cuộc vui, có thể sẽ giúp nhiều bạn tránh được tình trạng “cháy túi” vào dịp cuối năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Loan (Lao Động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN