Vào trường như… đánh số đề!

Trong nền kinh tế thị trường ngày càng sinh ra nhiều chuyện chướng tai gai mắt trước kia không có. Trong quảng cáo, khuyến mãi người ta chơi trò bốc thăm dùng rủi may để được quà thưởng cốt sao bán cho được nhiều hàng, kể cả nhằm giải quyết hàng tồn kho chất lượng kém. Nhưng chuyện học hành vốn được coi là "Quốc sách hàng đầu” mà cũng bốc thăm dựa vào rủi - may thì quả là bây giờ mới xuất hiện!

Dù còn tháng rưỡi nữa mới đến thời điểm các trường mầm non công lập mở cửa tuyển sinh cho năm học mới nhưng nhiều bậc phụ huynh ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số đô thị đã toát mồ hôi khi nghĩ đến viễn cảnh xin học cho con. Mấy năm liền, cảnh phụ huynh chen chúc, xô đẩy thậm chí đến trường từ đêm trước để chờ giờ mở cổng ào vào nộp đơn xin học cho con, thậm chí xô đổ cả cổng trường. Cảnh ấy chẳng nói lên tính hiếu học của người dân mà chỉ ngột ngạt nỗi phiền lòng đối với các bậc phụ huynh khi phải lo trường lớp cho con trẻ.

Năm học trước lẫn năm học này, chính quyền thành phố Hà Nội cam kết không để tái diễn cảnh phụ huynh xếp hàng trắng đêm xin học trước cổng trường mầm non. Và giải pháp mới được áp dụng, đó là phụ huynh rút thăm dành chỗ học cho con cháu mình. Vô tình ngày toàn dân đưa trẻ đến trường là ngày may rủi với những lá thăm, sau khi trẻ mầm non được dạy bài học khai tâm giống như "đánh số đề”!

Có chuyện bốc thăm tức là có chuyện quyền vào trường mầm non bị truất đối với rất nhiều đến tuổi đi trường. Do "lực bất tòng tâm” nên chính quyền chỉ lo được có chừng ấy!  Tổ chức cho phụ huynh học sinh bốc thăm không tạo thêm chỗ học, nó chỉ giúp các quan chức đỡ nhức mắt khi phải nhìn những bức ảnh chụp các đám đông mệt mỏi trước cổng trường lúc 0 giờ. Nhẹ gánh chính quyền, nhưng nặng lòng dân. Trên các diễn đàn, phụ huynh tiếp tục kêu than: "Ai bốc thăm trượt thì con phải nghỉ học ư?” Có người kêu lên: "Có bác nào hay trúng vé số không để em nhờ đi bốc thăm giúp con em?”.

Vào trường như… đánh số đề! - 1

Giáo dục mầm non thì hình như chỉ là đứa con… dư - Ảnh: Hoàng Long

Hàng bao nhiêu năm trời, "Quốc sách hàng đầu” chỉ tập trung lo phổ cập giáo dục tiểu học, rồi THCS còn giáo dục mầm non thì hình như chỉ là đứa con… dư. Thậm chí, nó còn được đẩy sang cho người dân khi không ít địa phương tận dụng triệt để chủ trương xã hội hóa như một tấm bình phong để 80% trẻ mầm non học ở các trường ngoài công lập, Nhà nước chỉ đảm nhận 20% và đây là do trong cả chục năm Nhà nước hầu như không bỏ tiền ra xây thêm trường mầm non. Những trường và nhóm lớp tư thục là bến đỗ cuối cùng cho con cháu những công dân kém may mắn. Nhiều lần, lãnh đạo ngành GD-ĐT đã bày tỏ sự "ghi nhận” với hệ thống trường - nhóm lớp mầm non tư thục này, kèm theo đó là băn khoăn xót xa vì họ chưa được hưởng những chính sách đãi ngộ xứng đáng. Băn khoăn ấy có thể không xảy ra nếu đừng dừng lại ở phổ cập tiểu học, THCS mà lãng quên tuổi thơ ấu lần đầu đi trường phải đi bằng may rủi rút thăm kiểu "chơi số đề”.

Dư luận xã hội đã đánh động nhiều về những số tiền lớn chi cho các hội nghị giáo dục như đổi mới giáo dục, tham quan học hỏi nước ngoài, chi cho những kỳ thi mà lẽ ra phải bỏ từ lâu, những chương trình thí điểm liên tục cộng lại thành số tiền khổng lổ. Giả sử đem số tiền ấy đầu tư cho giáo dục mầm non thì đâu đến nỗi các bậc phụ huynh phải thức đêm trước cổng trường chờ nộp đơn xin học và bây giờ lại chờ bốc thăm xin học cho con. Đầu tư là cần thiết nhưng vấn đề đặt ra là đầu tư ở đâu cho đúng chỗ. Dân số tăng nhanh tất nhiên việc đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội phải gặp khó khăn, nhưng giải pháp phải là một khâu đột phá, căn cơ chứ thật khó tin với những giải pháp tình thế khó coi  kiểu "rút thăm cho con được vào trường mẫu giáo”!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hư Trúc (Đại đoàn kết)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN