Bốc thăm vào trường mầm non

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cam kết không để xảy ra tình trạng thức trắng đêm xếp hàng nộp hồ sơ tuyển sinh mầm non, tuy nhiên, việc tuyển sinh ở bậc học này vẫn rất căng thẳng.

Năm học 2013-2014, các trường mầm non của Hà Nội dự kiến sẽ đón 73.500 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ (chiếm 32% số trẻ trong độ tuổi) và khoảng 362.000 trẻ mẫu giáo (chiếm 90% số trẻ độ tuổi mẫu giáo) đến trường.

Bốc thăm thay vì thức đêm

Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội, trường hợp số trẻ đăng ký học tại trường vượt quá khả năng tiếp nhận, nhà trường phải ưu tiên tiếp nhận trẻ 5 tuổi, trẻ thuộc tuyến tuyển sinh được giao. Trường hợp do số trẻ trên địa bàn đăng ký học vượt quá quy định, số trẻ trong mỗi nhóm lớp có thể tăng thêm nhưng phải bảo đảm được tỉ lệ số giáo viên/trẻ/lớp theo quy định và diện tích sử dụng tối thiểu đạt 1,5 m2/cháu.

Hiệu trưởng một trường mầm non đóng trên địa bàn quận Ba Đình cho hay năm nào trường cũng gặp áp lực lớn trong việc tuyển sinh bởi chỉ tiêu chỉ có giới hạn, trong khi nhu cầu vào học của các cháu là rất lớn. Thực tế, các trường mầm non công lập của quận Ba Đình chỉ có thể đáp ứng được hơn 40% nhu cầu gửi trẻ của người dân, trong khi đó, cả quận từ năm ngoái đến nay không xây thêm được trường mầm non công lập nào nên áp lực vào trường công là “khủng khiếp”.

Hiệu trưởng này cho hay cũng như các trường điểm khác như Thành Công A, Trường 1-6..., trường của bà phải tính đến phương án bốc thăm trong mùa tuyển sinh vào tháng 7 tới dù nhiều phụ huynh không thoải mái với phương án này. Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, nơi được coi là một trong những “điểm nóng” trong tuyển sinh của Hà Nội, cũng cho hay dự kiến năm nay, không ít trường mầm non trên địa bàn quận này phải tính đến phương án bốc thăm vì số lượng trẻ ra lớp quá nhiều.
Dồn vào trường công.

Bốc thăm vào trường mầm non - 1

Trong giờ học của trẻ ở Trường Mầm non Hoa Sen (quận Ba Đình - Hà Nội)

Chị Cao Thu Hà, một công chức tại quận Ba Đình có con sinh năm 2010, tâm sự: “Tôi muốn đau tim khi nghe đến bốc thăm xin học cho con. Lương công chức hạn hẹp nên tôi cố gắng  nhờ vả khắp nơi xin cho cháu vào trường mầm non công lập, gửi vào trường tư học phí cao mà chất lượng cũng chưa biết thế nào”.

Thực tế, bố mẹ nào cũng muốn trẻ học trường công, không chỉ bởi mức học phí thấp (mức hỗ trợ từ ngân sách TP Hà Nội cho mỗi trẻ là 3,4 triệu đồng/năm) mà còn vì cơ sở vật chất rộng rãi cùng chất lượng đào tạo từ các cô giáo có kinh nghiệm. Chính vì nhu cầu cao, trong khi khả năng tiếp nhận chỉ giới hạn nên không ít phụ huynh đã phải “chạy” một suất học cho con ngay từ trước mùa hè. “Đã có người hứa “chạy” cho con tôi vào Trường Mầm non Hoa Sen (quận Ba Đình) với giá 10 triệu đồng” - chị Hà Phương, sống tại quận Cầu Giấy, cho biết.

Thiếu trường nghiêm trọng

Thống kê của Phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho thấy mỗi năm, số trẻ mầm non tăng từ 30.000 - 35.000 em, trong khi đó việc xây trường lại rất hạn chế. Trong 3 năm (từ 2009 đến 2012), toàn TP Hà Nội  mới xây được 73 trường mầm non; cải tạo, sửa chữa 145 trường. Nếu so với quy chuẩn thiết kế xây dựng trường học thì hiện tại Hà Nội còn thiếu tới 7 triệu m2 đất để xây trường, trong đó chỉ riêng bậc mầm non đã là 2,3 triệu m2.

Theo quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2020, tầm nhìn tới năm 2030, Hà Nội cần tới 17,9 triệu m2 đất để xây dựng 1.215 trường học, bảo đảm mục tiêu giảm sĩ số trẻ mầm non bằng 50% so với hiện nay… Mục tiêu này là thách thức lớn cho Hà Nội bởi quỹ đất ngày càng ít. Theo lời của một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội, phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm), hiện không tìm đâu ra đất xây trường. Thậm chí, vì quá khó khăn về quỹ đất, kinh phí lại hạn hẹp, trong khi tốc độ tăng dân số cơ học quá nhanh khiến cho việc đầu tư xây trường, phòng học không kịp đáp ứng; một số quận, huyện của Hà Nội đã xin giảm chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia.

Nói về phương án “bốc thăm”, một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng ở những nơi số cháu quá đông, trong khi khả năng tiếp nhận có hạn thì “cực chẳng đã” phải bốc thăm để xét tuyển vào trường công lập.

“Trong thời điểm thiếu trường học thì bốc thăm là cách bảo đảm công bằng và tránh tình trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm” - một lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN