Tuyển sinh vào lớp 10: “Em đã sụt 5kg vì căng thẳng”

Chỉ còn 10 ngày nữa, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2015 chính thức diễn ra. Nhiều học sinh tỏ ra khá lo lắng vì chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập năm nay chỉ đáp ứng 60-70% hồ sơ đăng ký.

Áp lực vào trường công lập

Theo số liệu công bố của Sở GD-ĐT Hà Nội, lượng thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 năm 2015 tăng gần 10.000 thí sinh, nâng tổng số đăng ký dự thi lên 79.653 thí sinh. Trong khi đó, các trường THPT công lập chỉ có 56.185 chỉ tiêu (chiếm 60-70%). Còn lại, hơn 20.000 học sinh phải học các trường dân lập, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp,…

Ngày 10.6, học sinh lớp 9 trên địa bàn Hà Nội sẽ bước vào Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, trong khi tỉ lệ chọi năm nay cao hơn đã khiến cho nhiều học sinh rất lo lắng.

Em Bùi Anh Tuấn, học sinh trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, những ngày này, em phải học, ngày học đêm để cố gắng đỗ vào trường THPT Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội).

“Dù em đã đi học thêm ở trường, trung tâm và thuê giáo viên dạy ở nhà, nhưng em vẫn lo không đỗ được vào trường Kim Liên. Vì điểm đầu vào của trường khá cao”, em Tuấn nói.

Tuyển sinh vào lớp 10: “Em đã sụt 5kg vì căng thẳng” - 1

 Nhiều học sinh và phụ huynh lo lắng khi chỉ có 60-70% chỉ tiêu vào lớp 10 THPT công lập (Ảnh: Nguyễn Đức)

Cùng tâm trạng với Tuấn, em Trần Minh Dũng, học sinh trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, gia đình rất kỳ vọng vào em, nên càng sát ngày thi em càng bị nhiều áp lực, nhất là từ gia đình.

Vì áp lực thi cử mà nhiều học sinh đã bị ảnh hưởng đến sức khỏe. “Em đã sụt 5kg vì bị căng thẳng”, Nguyễn Khánh Huyền, học sinh trường THCS Láng Hạ (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Huyền cho biết thêm, trong những ngày này em học ngày, học đêm, mỗi ngày chỉ ngủ 3,4 tiếng.

Em Nguyễn Châm Anh, học sinh trường THCS Nguyễn Trãi (Hà Đông, Hà Nội) lo lắng vì cánh cửa vào trường công lập bị thu hẹp với tỷ lệ chọi cao.

“Em sẽ rất buồn nếu không vào được trường công lập, em lo lắng nếu vào trường ngoài công lập học phí sẽ cao hơn”, Châm Anh chia sẻ.

“Không nhất thiết phải chọn trường công lập”

Trước những áp lực này của thí sinh, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ, trọng tâm bài thi trong sách giáo khoa, nên thí sinh cần bám sát chương trình học, ôn luyện kỹ các dạng bài tập có trong sách. Phần câu hỏi nâng cao chiếm số điểm rất thấp, dành cho những thí sinh muốn lấy điểm 9, 10 hoặc thi vào chuyên.

“Học sinh không nhất thiết phải chọn các trường công lập để học. Do các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn đáp ứng tốt cơ sở vật chất, chất lượng dạy học và đảm bảo cho các em có kết quả học tập tốt nhất”, ông Thống nói.

Hiện nay, có rất nhiều trường có chất lượng tốt mà không phải trường công lập cho học sinh lựa chọn như: trung tâm giáo dục thường xuyên, THPT ngoài công lập, trung cấp chuyên nghiệp…

Tuyển sinh vào lớp 10: “Em đã sụt 5kg vì căng thẳng” - 2

Hầu hết các trường THPT trên địa bàn Hà Nội đều đáp ứng tốt điều kiện cho học sinh học tập( ảnh minh họa)

Ngoài ra, học sinh nên chọn trường phù hợp với năng lực, khả năng kinh tế của gia đình. Đây mới là cách tạo hiệu quả việc học được tốt nhất cho học sinh. Tránh tình trạng chạy đua, cố gắng vào trường điểm để rồi gây áp lực cho chính bản thân và gia đình.

Ông Thống cũng nhấn mạnh, việc giữ gìn sức khỏe trong những ngày nắng nóng và ăn uống hợp lý trong những ngày thi là điều các bậc phụ huynh và học sinh nên chú ý đến để thí sinh có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp diễn ra và đạt kết quả tốt nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chiêm Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN