Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Xé rào xét tuyển

Không chỉ tự động chuyển ngành khác cho TS không trúng tuyển vào ngành đã đăng ký dự thi, nhiều trường còn xét tuyển nội bộ, rút ngắn thời gian xét tuyển làm mất cơ hội của TS khác.

tuyển sinh theo phương thức “ba chung” (chung đề thi, chung đợt thi, chung kết quả xét tuyển) nhưng nhiều trường vẫn đặt ra quy định xét tuyển riêng, trái với quy chế chung, gây bất lợi cho thí sinh (TS). Không chỉ tự động chuyển ngành khác cho TS không trúng tuyển vào ngành đã đăng ký dự thi, nhiều trường còn xét tuyển nội bộ, rút ngắn thời gian xét tuyển làm mất cơ hội của TS khác.

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Xé rào xét tuyển - 1

Thí sinh nhận giấy chứng nhận kết quả thi sáng 15/8 tại Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM để tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Ảnh: Quốc Dũng

“Ba chung” còn “hai chung”

Không cho TS rút hồ sơ!

Bộ GD&ĐT quy định hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung gồm: Giấy chứng nhận kết quả thi có đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi (bản gốc, không chấp nhận bản sao); lệ phí xét tuyển (theo quy định từng trường); một phong bì dán sẵn tem có ghi rõ họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của TS để nhà trường gửi giấy báo nếu trúng tuyển. Hồ sơ nộp cho trường theo đường chuyển phát nhanh, chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại trường và TS được quyền rút hồ sơ để chuyển sang trường khác.

Tuy nhiên, các trường ĐH Nội vụ, ĐH Công nghệ Giao thông vận tải, CĐ Kinh tế Tài chính Vĩnh Long… còn yêu cầu TS phải kèm theo đơn xin xét tuyển theo mẫu của trường. Trong khi đó, Trường ĐH Xây dựng không cho TS nộp hồ sơ qua bưu điện và không cho rút hồ sơ!

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ ngày 20/8 các trường bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thời hạn xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày. Thế nhưng ngày 13/8 là hạn cuối TS dự thi vào Trường ĐH Kinh tế-Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) được đăng ký xét tuyển. Theo đó chỉ trong tám ngày, TS không trúng tuyển các ngành khác của trường này nhưng có điểm từ 24 trở lên (đã nhân hệ số 2 môn toán) được đăng ký nguyện vọng phân ngành vào ngành tài chính-ngân hàng với 100 chỉ tiêu. Trường không nhận TS trường khác.

Trường ĐH Đà Lạt cũng tự động xét TS đăng ký dự thi ngành này trúng tuyển sang ngành khác mà không công bố xét tuyển công khai. Cụ thể, TS ngành kỹ thuật hạt nhân có 18-21 điểm được tuyển vào ngành vật lý học, 14-17,5 điểm vào ngành công nghệ kỹ thuật điện tử-truyền thông; TS ngành toán học và sư phạm toán học vào ngành công nghệ thông tin; TS ngành luật học vào ngành văn học, lịch sử; TS ngành ngôn ngữ Anh và sư phạm tiếng Anh vào ngành quốc tế học, văn học, xã hội học. Những ngành được tự động chuyển vào không tương đương với nguyện vọng TS đã đăng ký.

Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM quy định TS học tại cơ sở Đà Lạt và Cần Thơ phải có nguyện vọng học tại hai cơ sở này và phải có hộ khẩu thuộc năm tỉnh Tây Nguyên, 13 tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên, khi xét trúng tuyển, do số TS có nguyện vọng học tại hai cơ sở này ít nên trường tuyển cả những TS đã dự thi vào trường dù TS không đăng ký nguyện vọng học. Việc tự động chuyển ngành này giúp trường gọi được thêm 67 TS trúng tuyển vào các ngành đào tạo tại hai cơ sở từ những TS dự thi vào trường mà không phải thông báo xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Đại diện trường này cho biết: “Các TS được xét trúng tuyển khối A và H tại hai cơ sở này nếu không có nguyện vọng học thì có thể mang giấy báo trúng tuyển đổi giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào các trường khác”.

Mất cơ hội vì trường xét tuyển sớm

Theo lịch công tác tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2013 của Bộ GD&ĐT, trước ngày 20/8 các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển, gửi giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm, giấy báo trúng tuyển cho các sở GD&ĐT để sở gửi cho TS. Từ ngày 20/8 đến hết ngày 31/10, các trường ĐH, CĐ còn chỉ tiêu thông báo điều kiện xét tuyển và tổ chức xét tuyển.

Tuy nhiên, sau khi Bộ công bố điểm sàn, hàng loạt trường đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung ngay từ ngày 9-8 như Học viện Chính sách và Phát triển, Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Văn hóa TP.HCM, ĐH An Giang, ĐH Đà Lạt, ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Xây dựng Miền Tây… trong khi thời gian này TS không thể có được giấy chứng nhận kết quả thi.

Nhiều trường cũng kết thúc thời gian nhận hồ sơ ngay trong tháng 8. Một số trường cũng chỉ nhận hồ sơ đến đầu tháng 9 trong khi theo quy định, ít nhất phải đến ngày 8-9 mới hết hạn của một đợt xét tuyển.

Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Sau khi Bộ công bố điểm sàn, các trường mới công bố điểm trúng tuyển và bắt đầu in, ký, đóng dấu các loại giấy báo trong 3-5 ngày, sau đó gửi đến các sở GD&ĐT. Giấy báo từ sở về các trường THPT rồi đến tay TS còn thêm khoảng hơn cả tuần nữa. Ở những trường có hàng chục ngàn TS dự thi thì quy trình này không thể nhanh hơn. Như vậy phải đến tuần sau TS mới nhận được giấy báo dự thi của những trường có đông TS dự thi”.

Tiêu điểm

Các trường làm không đúng

Theo quy chế, thời gian thu hồ sơ của các trường là chưa đúng, việc không cho rút hồ sơ, không cho nộp qua đường bưu điện cũng không đúng. Việc có trường giữ hồ sơ TS lại để ép vào một ngành khác thì theo tôi chưa ổn. Các trường phải tuân thủ đầy đủ các quy định của Bộ GD&ĐT, những vấn đề không có trong quy định, các trường có quyền tự quyết định nhưng phải công bố công khai. Các trường được tự chủ trong tuyển sinh nhưng phải chịu một số ràng buộc được quy định trong quy chế và văn bản hướng dẫn. Những gì không quy định trong quy chế thì các trường được phép đưa ra quy định riêng nhưng không được vượt quy định cho phép.

PGS-TS TRẦN VĂN NGHĨA, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quốc Dũng (Pháp luật TP.HCM)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN