Tuyển sinh đầu cấp căng thẳng hơn ĐH

Những thông tin mới nhất về tuyển sinh đầu cấp cho thấy năm nay yêu cầu vận dụng kiến thức trong đề thi tăng và cuộc đua đầu cấp rất căng thẳng

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết hiện nay, kế hoạch tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đang trình lên UBND TP và chờ phê duyệt.

600 chỉ tiêu vào chuyên Trần Đại Nghĩa

Theo ông Đạt, về cơ bản, năm học 2017-2018, việc tuyển sinh vào lớp 6 trường này không thay đổi so với năm trước.

Để dự tuyển vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, học sinh (HS) phải hoàn thành chương trình cấp tiểu học có điểm kiểm tra định kỳ cuối năm mỗi môn tiếng Việt và toán đạt từ 9 điểm trở lên của năm học lớp 5. HS phải tham gia bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh. Nếu không trúng tuyển vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, HS vẫn được xét tuyển vào lớp 6 theo quy định của Ban Chỉ đạo tuyển sinh các quận, huyện.

Ông Đạt cũng cho biết bài khảo sát tiếng Anh nhằm kiểm tra kỹ năng đọc, hiểu, nghe và viết tiếng Anh. Qua đó phát hiện, tuyển chọn những HS có khả năng tư duy, phán đoán, suy luận, sự nhanh nhạy và khả năng vận dụng kiến thức vào cuộc sống chứ không yêu cầu thí sinh tái hiện kiến thức. Nội dung bài khảo sát đụng đến nhiều lĩnh vực như địa lý, xã hội, tự nhiên… chứ không đóng khung ở một vài lĩnh vực.

Tuyển sinh đầu cấp căng thẳng hơn ĐH - 1

Học sinh bắt đầu cuộc đua học thêm để dự tuyển vào các trường chuyên Ảnh: TẤN THẠNH

Việc này, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP HCM, cũng làm triệt tiêu việc luyện thi vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa.

Năm nay, phụ huynh và HS có 2 hình thức nhận hồ sơ dự khảo sát: một là tải trên mạng hoặc đến trường nhận trực tiếp (cả 2 hình thức đều miễn phí).

Về chỉ tiêu tuyển sinh, ông Đạt cho biết tương đương năm cũ, tức là 600 chỉ tiêu vào lớp 6. HS trúng tuyển vào trường sẽ học tại cơ sở 2 ở quận 2 và có xe đưa đón. Căn cứ vào kết quả bài khảo sát sẽ xét từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu.

Giảm học sinh trái tuyến

Năm học 2017-2018, Hà Nội dự kiến tuyển 105.000 trẻ vào lớp nhà trẻ, 452.000 HS vào lớp mẫu giáo, 145.000 HS vào lớp 1 và 109.300 HS vào lớp 6.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết năm học này tiếp tục thực hiện chủ trương “ba tăng, ba giảm”, đó là tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; “ba giảm” gồm giảm số HS trái tuyến, giảm số HS trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn, đồng thời sẽ phân tuyến hợp lý, bảo đảm đủ chỗ học cho HS.

Đối với tuyển sinh đầu cấp mầm non, tiểu học và THCS, phương thức tuyển sinh vẫn là xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định và tiếp tục sử dụng phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến áp dụng ở hầu hết các quận, huyện của TP. Để giảm thời gian đi lại làm thủ tục tuyển sinh, cũng như hạn chế tình trạng trái tuyến, công tác tuyển sinh trực tuyến sẽ tiếp tục được duy trì. Tuyển sinh trực tuyến áp dụng cho mầm non 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6.

Mỗi một HS sẽ được cấp một mã số, mã số này theo đúng hộ khẩu nơi mà HS đang sinh sống. Việc tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến từ ngày 15 đến 30-6; tuyển sinh bằng hình thức trực tiếp từ ngày 1 đến 15-7.

Lớp 10 công lập: Khó hơn cả thi ĐH

Năm nay, dự kiến cuộc chạy đua giành một suất học lớp 10 THPT công lập sẽ rất căng thẳng, thậm chí còn căng thẳng hơn cả thi tốt nghiệp THPT, vào ĐH. Tại Hà Nội, dự kiến có 82.934 HS xét tốt nghiệp THCS nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào hệ THPT là 69.500 HS, trong đó các trường công lập tuyển 56.840 HS, các trường ngoài công lập tuyển 12.660 HS. Số HS được tuyển vào trung tâm GDTX là 7.000 HS. Số HS được tuyển vào các trường trung học chuyên nghiệp là 6.443 HS. Như vậy, giống như năm học trước, sẽ chỉ có khoảng 70% HS Hà Nội có cơ hội học lớp 10 trường THPT công lập.

Cũng theo phương án tuyển sinh lớp 10, đối với lớp 10 THPT không chuyên, tuyển sinh theo phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả trường THPT với 2 môn thi ngữ văn và toán theo hình thức tự luận. Điểm xét tuyển là tổng của điểm THCS, điểm thi (đã tính hệ số 2) và điểm cộng thêm. Trong đó, điểm THCS tính theo kết quả rèn luyện và học tập của HS ở bậc THCS. Điểm cộng thêm là tổng điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có).

Thời gian tổ chức kỳ thi vào lớp 10 THPT hệ không chuyên là ngày 9-6, buổi sáng thi ngữ văn, buổi chiều thi toán. Đối với lớp 10 chuyên thi 2 môn ngữ văn và toán cùng với lớp 10 không chuyên và thi môn chuyên vào 2 ngày 10 và 11-6.

Tại TP HCM, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay về cơ bản không khác các năm trước đây. Cụ thể, HS tiếp tục dự thi 3 môn là toán, văn và ngoại ngữ. Đề thi cũng tiếp tục được ra theo hướng đổi mới. Sở cũng khuyến khích các trường đổi mới các đề kiểm tra, các đề thi theo hướng ứng dụng lý thuyết vào vận dụng trong thực tiễn.

Cụ thể, đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay sẽ tiếp tục được ra theo hướng đổi mới, kể cả 3 môn. Chủ trương ra đề thi môn tiếng Anh trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm nay nghiêng về khả năng sử dụng tiếng Anh của thí sinh trong thực tiễn. Với môn toán, yêu cầu thí sinh vận dụng kiến thức đã học để giải quyết tình huống thực tiễn. Với môn văn, đề thi sẽ đánh giá đúng tư duy, năng lực của HS…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đặng Trinh - Yến Anh (Người lao động)
Tuyển sinh lớp 10 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN